Mẫu Đơn được người đời xúc động ngắm nhìn bởi vẻ đẹp nồng nàn, sang trọng huyền bí và lộng lẫy của nó. Mẫu Đơn có dáng như bông hồng, hoa bông to, cánh lượn sóng rất duyên dáng, hương thơm quyến rũ. Vẻ đẹp khôn tả của Mẫu Đơn khiến nó từ lâu trở thành nguồn cảm hứng rất lớn trong nghệ thuật thi ca, hội họa, điêu khắc, ….
Hoa mẫu đơn (Ảnh: pinterest.com)
Hoa Mẫu Đơn nở từ đầu Xuân đến đầu Hạ. Cho nên mọi người gọi “Phú quý hoa”, thường thưởng ngoạn bông trong suốt cả mùa xuân, suốt cả Thiều quang 90 ngày hạnh phúc của năm. Loại hoa có màu sắc sặc sỡ, đẹp một cách kiêu sa, biểu hiện cho sự giàu có này, nếu là màu vàng quý phái thì được gọi là Diêu Hoàng. Bởi, họ Diêu đã tìm được màu độc đáo này.
Mẫu đơn có nguồn gốc từ Phương Đông, là một trong những cây hoa được con người biết đến từ rất sớm, cách đây đã gần 4000 năm. Nó theo những người tu Phật đến nhiều nơi và nhanh chóng trở thành một phần trong văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới.
Mẫu đơn đẹp một cách kiêu sa, biểu hiện cho sự giàu có (Ảnh: pinterest.com)
Tên tiếng Việt: Hoa Mẫu Đơn
Tên Hồng Kông: Sho-Yo (hay Shao-Yao)
Tên tiếng Anh: Peony
Tên tiếng Pháp: Pivoine officinale
Tên tiếng Đức: Pfingstrose
Tên Latin: Paeonia officinalis
Tên khoa học: Paeonia lactiflora
Họ: Paeoniaceae
Peony được đặt tên theo Paeon, một thầy thuốc học trò của Thần Y Asclepius trong thần thoại Hy Lạp. Ông được nữ thần Leto (mẹ của thần Mặt Trời Apollo) mách bảo cách lấy được chiếc rễ thần kỳ mọc trên đỉnh Olympus mà nó có thể xoa dịu được cơn đau của người phụ nữ khi sinh nở. Asclepius trở nên ghen tức với Paeon. Để cứu Paeon thoát chết vì sự phẫn nộ của Asclepius, thần Zeus đã biến ông thành một bông hoa Mẫu đơn.
Một tích khác của Phương Tây kể rằng, Đức mẹ Maria khi nghe tin Chúa bị đóng đinh, bà đã khóc nhỏ hàng nghìn giọt nước mắt lên một bụi hoa hồng. Kỳ diệu thay vào khoảng lễ Ngũ tuần từ bụi hoa hồng này nở những hoa thật to lớn, đẹp đẽ và không có gai …Từ đó ta có hoa Mẫu đơn.
Có nhiều giai thoại về loài hoa “Quốc sắc thiên hương” gắn với các đại mỹ nhân trong lịch sử Phương Đông.
(Ảnh: pinterest.com)
Một số tích truyện điển hình có gắn với Hoa Mẫu Đơn và các nhà thơ Đường nổi tiếng, trong đó có hai người được ví có số mệnh gắn với hoa Mẫu Đơn: Chân thi Bạch Cư Dị và thi nhân Lưu Tích Vũ.
Sự tích Hoa Mẫu Đơn và câu chuyện về người mẹ kiên trung bất khuất
Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, ở một làng miền núi có một bà mẹ. Bà mẹ sinh được mười người con trai. Làng của mẹ bị giặc chiếm đóng. Người cha của mười anh con trai bị giặc giết ngay từ ngày đầu tiên, khi chúng tiến vào làng. Mười người con trai của bà vào đội quân chống giặc ở trong núi. Người con trai cả là chủ tướng của đội quân. Đội quân nay đã làm cho bọn giặc thất điên bát đảo. Đã nhiều lần giặc mở những trận càn quét mà không sao tiêu diệt được đội quân của cái làng bé nhỏ ấy.
Tên tướng giặc sai quân bắt bà mẹ đến, hắn bảo: “Này mụ già, mụ hãy khuyên các con mụ trở về. Ta sẽ cho con mụ làm tướng. Bằng không, ta sẽ giết mụ”.
Bà mẹ nhìn thẳng vào mắt tên tướng giặc, nói lớn: “Hỡi quân độc ác! Hẳn nhà ngươi cũng có một bà mẹ. Mẹ ngươi chắc không bao giờ dạy người phản bội lại quê hương. Là một người chân chính, ta cũng không thể dạy các con ta phản bội lại quê nhà”.
Bọn giặc trói mẹ trên một ngọn đồi rồi cho quân mai phục hòng bắt được những người con của mẹ đến cứu. Chúng bảo bà mẹ hãy đứng dậy mà gọi con, chúng sẽ tha. Tiếng người mẹ: “Hỡi các con của mẹ! Hỡi những người con của quê hương. Ta nhân danh người mẹ, ra lệnh cho các con không được vì ta mà phản bội quê hương”.
Mệnh lệnh của người mẹ là mệnh lệnh trái tim, mệnh lệnh của tình yêu vĩ đại. Mệnh lệnh đó lan khắp núi rừng. Bọn giặc run sợ. Những người con của mẹ thì thêm sức mạnh chiến đấu. Giặc bịt miệng bà mẹ. Chúng đổ nhựa thông và nhựa trám lên đầu bà và châm lửa đốt. Ngọn lửa cháy sáng cả một vùng…
Khi bọn giặc đi rồi, dân làng lên đồi tìm chỗ bà mẹ bị hành hình, người ta thấy trái tim của người mẹ vẫn nguyên vẹn và nóng bỏng. Dân làng chôn mẹ ngay trên đỉnh đồi. Đêm đêm, từ ngôi mộ, trái tim mẹ vẫn phát sáng cả một vùng trời.
(Ảnh: pinterest.com)
Mùa xuân đến. Từ ngôi mộ, trái tim ấy mọc lên một cái cây. Cây ra hoa. Bông hoa đỏ chót hình ngọn lửa bốc lên từ trái tim người mẹ. Và cũng từ ngày ấy có một loại hoa mang tên Mẫu Đơn. Cây hoa tượng trưng cho người mẹ đã chiến đấu bằng một trái tim…
Tích truyện Hoa Mẫu Đơn bị “đi đày” – chỉ có Mẫu Đơn mới xứng đáng là hoa thật trong thiên hạ
Sách “Tùng song tạp lục” có chép rằng:
Vua Ðường Minh Hoàng ngự thưởng hoa Mẫu đơn trong nội điện, hỏi thị thần: Thơ vịnh hoa Mẫu đơn của ai hay nhất? Thị thần tâu: Thơ của Lý Chính Phong có câu rằng:
Quốc sắc triều hàm tửu
Thiên hương dạ nhiễm y
Nghĩa là:
Người quốc sắc ban mai hay say rượu (ý nói hoa đỏ)
Mùi thiên hương đêm nhuốm áo khăn (nói về hương thơm)
Người quốc sắc ban mai hay say rượu. (Ảnh pinterest.com)
Mẫu đơn là một thứ hoa thơm, đẹp quý nhất trong các loại hoa, được gọi là Vương hoa. Cho nên có thể cho rằng khi nói “Quốc sắc thiên hương” để chỉ một tuyệt sắc giai nhân với hoa Mẫu đơn – Võ Tắc Thiên.
Nhà Ðường gặp thời suy mạt, vua Cao Tông nhu nhược, đắm say Võ hậu (Võ Tài Nhân). Vua chết, Võ hậu tiếm quyền, đoạt ngôi lên làm vua, đổi nhà Ðường ra nhà Châu (690- 678), xưng hiệu Tắc Thiên Hoàng đế.
Bà Hoàng đế này rất thông minh nhưng cũng rất ác bạo. Ðể củng cố địa vị, Võ Tắc Thiên thẳng tay triệt hạ phe đối lập. Họ Tiết vốn dòng dõi công thần nhà Ðường đều bị tru di ba họ. Nhưng bà cũng biết thích yêu hoa. Truyện “Kim cổ kỳ quan” có chép:
(Ảnh: dailo.vn)
Một chiều đông lạnh lẽo, Võ Tắc Thiên đến chơi vườn Thượng uyển, thấy cảnh vật quạnh quẽ, liễu đào ủ rũ, liền nổi giận lấy viết đề 4 câu thơ:
Lai triều du Thượng uyển
Hoả tốc báo Xuân tri
Bá hoa liên dạ phát
Mạc đãi hiếu phong xuy
Tạm dịch (Bản dịch của Vô Danh):
Bái triều du Thượng uyển
Khẩn cấp báo xuân hay
Hoa nở hết đêm nay
Ðừng chờ cơn gió sớm
Võ Tắc Thiên (Ảnh pinterest.com)
Thế là trăm hoa không dám trái lệnh. Chỉ trong một đêm, hoa bừng nở khắp vườn, ngào ngạt mùi hương. Hôm sau, Võ Tắc Thiên dạo vườn, thấy muôn hồng ngàn tía rực rỡ như những vầng mây sắc phủ cả vòm trời xanh nên lấy làm hớn hở vui tươi… nhưng đột nhiên cau mày lại. Vì chỉ có hoa Mẫu đơn bướng bỉnh, không chịu phụng mạng bạo chúa, nên trên cành khẳng khiu, không một lá non.
Mẫu đơn bướng bỉnh không chịu khuất phục (Ảnh pinterest.com)
Cuồng giận kẻ cứng đầu, rồi để trả thù một cách ti tiện, Tắc Thiên giáng chiếu đày hoa Mẫu đơn xuống Giang Nam. Người đương thời thấy vậy dệt bài Phú Ngọc Lâu Xuân Tứ nhằm tán thán vẻ đẹp, sự khẳng khái của hoa Mẫu Đơn, thà chịu cảnh phong trần lưu lạc tự giải phóng cuộc đời chớ không làm vương giả chốn kinh đô, chịu giam mình trong vườn hoa tù hãm của bạo chúa, đem sắc đẹp hương thơm ban rải cho mọi người để được dự phần thanh cao:
Danh hoa sước ước đông phong lý
Chiếm đoạn thiều hoa đô tại thử
Lao tâm nhứt phiến khả nhân lâu
Xuân sắc tam phân sầu vũ tẩy
Ngọc nhân tận nhựt yêm yêm địa
Khước bị sinh ca kinh phá thuỵ
Sạ lâm trang kính tự kiều tu
Cận nhựt thương xuân thâu dữ nhỉ.
THà chịu lưu đày còn hơn sống khom mình làm vương giả (Ảnh pinterest.com)
Phỏng dịch (Bản dịch của Trần Thanh Ðạm và Nguyễn Tố Nguyên):
Mẫu đơn mơn mởn cánh hồng
Ðẹp tươi say cả đông phong thuở giờ
Yêu hoa một tấm lòng tơ
Gió mưa xuân đã gầy ba bốn phần
Sớm hôm nét ngọc tần ngần
Sinh ra tỉnh giấc mộng trần bâng khuâng
Dáng Kiều e ấp đài trang
Thương xuân hồ ngã bóng vàng như hoa.
Khẳng khái, Mẫu đơn bị đày. Nhưng đây là một dịp, Mẫu đơn đã tự giải thoát mình ra khỏi vườn hoa ô nhục của bạo chúa. Tuy dấn thân vào bước phong trần nhưng “dự được phần thanh cao” là đem sắc đẹp và hương thơm cống hiến cho đời.
(Ảnh: dkn.tv)
“Quốc sắc thiên hương”, lấy hoa Mẫu đơn làm tiêu biểu.
Về sau người ta dùng từ “quốc sắc thiên hương” (sắc nước hương trời) để hình dung hoa mẫu đơn. Hoặc có cách phác họa khác là: “Thiên hạ chân hoa độc mẫu đơn” (chỉ có mẫu đơn mới xứng đáng là hoa thật trong thiên hạ).
Hết phần 1
La Vinh
Văn hóa kinh doanh của người Đức: Bất kể hành vi phi đạo đức nào cũng sẽ là nguyên nhân dẫn tới thất bại
Lý Công Uẩn, quân vương vĩ đại, khai sáng nghìn năm hưng thịnh nước Nam (P.3): Văn võ oai hùng, uy chấn bốn phương
Cô giáo trẻ biến ‘cả lớp cá biệt’ ở một trung tâm giáo dục thường xuyên thành trò ngoan