Chiều nay chợt nhớ quê. Trong tâm trí tuổi thơ, làng mình đẹp như cổ tích bên dòng La xanh. Có bến nước, cầu ao. Có cây đa gốc phượng, mái đình. Có những buổi sáng đón Đoan Ngọ, bà dắt ra sông nhìn ban mai lấp lóa muôn sao theo sóng gợn. Cảm giác lụa là của những con nước nhẹ lăn tăn liếm vào da thịt mịn mềm mơn man như tay mẹ sờ lưng khi gãi rôm sảy cho mình lúc nóng sốt.
Rồi chiến tranh. Cả làng phải sơ tán ra ngoài bờ đê. Những túp lều lụp xụp xiêu vẹo giữa đồng. Bom đạn ùng oàng, bao nhiêu cái chết. Một bận, trốn ông bà Ngoại, lén về với nhà xưa vườn cũ.
“Đi về, này, những lối này, năm xưa“. Đâu đâu cũng cây dại bời bời. Lâu lâu vài con rắn nghênh ngang bò qua. Vài con chuột to đùng đứng nhìn mình như thách thức.
Thịt da bị cào xước, mồ hôi lấm lem quần áo rách, rồi cũng về được đến nhà. Cỏ mọc ngập sân. Mối xông cột kèo. Những vật thân quen bị biến hình nhợt nhạt khiến bao lần lấy ống tay áo chùi má ướt.
Rời khỏi nhà. Đứng khựng trước sân vườn. Những khóm cúc vẫn nở vàng một góc. Bao nhiêu bông đỏ vàng của hoa Mười giờ. Những nhánh lởm chởm gai của cây Trinh Nữ treo lững lơ những quả bóng tơ hồng hồng tròn mịn. Dâm Bụt hớn hở hướng vào tai mình những chiếc loa kèn thổi nhạc vô thanh, thổi nhạc bằng âm thanh lập thể của Thần Thánh.
Kỳ diệu hơn, một bầy sẻ nô đùa, nói chuyện huyên thuyên “đầu Ngô mình Sở” trên mái nhà tranh đã bợt mục màu thời gian. Xa kia, một đôi chào mào ngúng ngoảy cái đuôi dài, vừa chuyền cành vừa líu lo song ca, nhịp trầm bổng cùng cái mũ nhạc công trên đầu lên xuống như máy đánh nhịp.
Một vài chú chim sâu bay thoăn thoắt trong cành cam, lá quýt nghiêng ngó. Một vài chú chim sẻ đỏ đẹp như chim trên Thiên Đường đứng một chỗ trong xanh trong khẽ đập cánh gợi chú ý, rồi mặc cho mắt người ngẩn ngơ chiêm ngưỡng…
Dứt bước ra đi không muốn ngoái đầu nhìn lại, thì một cành cây mềm vừa đủ cứng ngáng ngang ngực. Thì ra là cây hòe. Lá sum xuê, chi chít những búp xanh như ngọc, thoang thoảng thơm mơ hồ một cảm giác thân thương loang trong như gió nhẹ. Cây Hòe sống lâu rồi nhưng thân chỉ bằng bắp chân trẻ nhỏ…
Hình như không có ý niệm cũng như hiện thực của chiến tranh đối với Thiên Nhiên, với hoa cỏ, chim chóc. “Xuân đến, xuân đi, xuân lại lại”.
Tạo Hóa vô tình mà từ bi. Hoa cỏ và Xuân sống rất Chính thường. Phải chăng nó dạy cho con người phải chậm rãi, hồn nhiên như thiên nhiên.
Nó đang thực chứng hai chữ Vô Vi mà đọc Lão Trang ta khó hiểu, mơ hồ. Vô Vi là cái cầu treo lơ lửng mong manh như sợi chỉ mành. Đầu này là chữ Tình, đầu kia là Từ Bi. Và ở giữa là vực thẳm sâu hun hút.
Có nhiều người hàng ngày đi qua cầu ấy. Họ coi đó là Thường. Có người cần một cái thanh tre dài và nhờ cái cách của các nghệ sĩ qua cầu bấp bênh mà đi vài bước rồi nấn ná và quay về với Tình.
Hiển nhiên, có rất nhiều người không dám qua. Và rất nhiều người nữa không hề biết có cầu kia, bến Giác bên kia và vực sâu của những thử thách đang đợi chờ… Họ thấy giá trị cuộc sống chỉ trong ba chữ Danh, Lợi, Tình. Vì thế tranh tranh đấu đấu đến phạc phờ, cố đuổi theo những giá trị ảo của quyền lực, tham vọng; của hưởng lạc…
Những cây cỏ đến tiết thanh minh là bật mầm: “Sóng cỏ non tươi gợn mình trời”. Những bông hoa cứ tiết Xuân, theo một mệnh lệnh bí mật của “ngọn Đông phong” mà ra nụ, nở bông, kết trái. Cây cỏ sống bằng cái Thường Hằng. Con người sống với cái Thường biến.
Nhà Phật cho rằng, sự vật nào cũng là sinh mệnh. Các nhà khoa học Mỹ thí nghiệm trên máy dò nói dối đã chứng minh được cây cối có tư duy, thậm chí có những công năng như Tha tâm thông mà trong nhân loại rất ít người có được.
Nhà Phật cũng cho rằng vạn vật sinh ra là vì con người. Con người là anh linh của vạn vật. Con người sinh ra là phải sống trong Mê để gian truân tìm đường trở về.
Thiên nhiên như truyền những thông điệp của Thần Thánh để con người ngộ mà tỉnh thức. Trong lúc thiên nhiên sống dung hòa, không tranh cao thấp, không phân biệt giai cấp, sang hèn thì con người lại khác. Vâng! Cứ thấy con người sống trong tranh đấu, lục sục suốt ngày, suốt tháng, suốt năm; suốt cả một lịch sử đằng đẵng luân hồi bởi Vô Thường.
Cách đây 8 năm, mình có trồng một cây mai. Đó là cây mai từng bị người ta bỏ ra thùng rác ở hè phố sau mấy ngày ăn Tết thưởng Xuân. Mình chăm sóc nó thường xuyên. Một ngày quên tưới, là thấy day dứt như có lỗi với cố nhân.
Tám năm, Mai ngồi trong một cái chậu. Năm nào bạn ấy cũng nở những đóa vô thường cho mình. Bởi vậy, mình chưa bao giờ nỡ trảy lá Mai khi xuân sắp về. Cứ có những cơn mưa tầm tã đầu mùa là Mai nở. Lâu lâu một vài cánh vàng rạng rỡ.
Một mùa xuân trước, khi người ta đã rước trăm hoa vào nhà, vào phố, vậy mà Mai của mình chưa nở. Mình đã trải lòng với Mai bằng mấy lời như vầy:
“Ai ai cũng trẩy Xuân rồi,
Góc sân thượng, ta được ngồi với Mai.
Mấy khi có chút Một, Hai…
Mấy khi có chút, một vài, chăm nhau?
Người lên xe ngọc, áo màu,
Náu nương nhau, hết khổ đau, một thời.
Tết đến rồi, thảnh thơi thôi,
Lá xanh cứ nở, dấu rồi vàng tươi.
Nhìn Mai là thấy Vàng cười,
Là xanh búp nõn, gọi mời Xuân sang.
Đừng buồn, Xuân ạ, Mai vàng,
Chẳng mai thì Mốt, vội vàng mà chi?
Hoa còn đó, Xuân còn thì
Trăm loài nở hết, còn gì là xuân?
Mai ơi, xin chớ băn khoăn,
Chớ phân vân, bởi nụ Xuân chưa về”.
Năm rồi, mình quyết định trẩy lá cho Mai. Búp xanh như những hạt ngọc nhiều vô kể. Nhưng đột nhiên nó héo. Mình hối hả tưới nước cho nó nhưng rồi búp cứ rụng từng đợt, lá nõn cuốn lại héo khô. Nhìn cái tổ ong tàn bên cạnh một thời đông đúc, mình thắt ruột với Mai.
Rồi cuối cùng Nó chết. Mình ngơ ngác, chưa hiểu nguyên nhân vì đâu. Suốt 8 năm nay, mình chỉ cho Mai uống nước. Nhớ lại lời nhà Phật dạy: KHÔNG SÁT KHÔNG DƯỠNG, thấy có lỗi với Mai, tự dưng mình muốn khóc. Định làm một bài thơ cho nó. Nhưng thật lạ, khi nó sống đơm hoa cho mình thì có thể viết được, giờ nó chết, mình cứ nghèn nghẹn, chẳng xuất được một lời.
Chợt nhớ bài thơ “Nét Xuân ở căn phòng trên núi” – Sơn phòng Xuân sự (kỳ 2) của SẦM THAM:
Lương viên nhật mộ loạn phi nha,
Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia.
Đình thụ bất tri nhân khứ tận,
Xuân lai hoàn phát cựu thì hoa.
Bản dịch của Ngô Tất Tố:
Trời mình, vườn Lương quạ dập dìu
Nhà xa mấy nóc cảnh đìu hiu
Cây sân chẳng biết người đi hết
Xuân mình hoa xưa vẫn nở đều.
Ngồi trên núi nhìn xuân mà nghĩ về cái đa sự, để cái giây phút suy niệm ấy vĩnh viễn đến ngàn đời. Bài thơ làm buồn cả một thời khi mình nhớ cố hương. Hồn Mai hẳn nhiên còn loáng thoáng những cánh vàng đâu đây trong ngọn gió xuân năm nào.
Chợt mở những cảm xúc thanh cao cùng ngâm với Mai kiệt tác họ Sầm, khó dùng lời để diễn tả… Nhớ lại bài thơ của Thôi Hộ:
“Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong.”[/i]
Bản dịch của Trần Trọng Kim:
[i]“Hôm nay năm ngoái, cửa cài,
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi.
Mặt người chẳng biết đâu rồi,
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.”
Nguyễn Du đã tiếp nhận và cho ra những vần thơ thiên tài :
“Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
Rồi đến cụ Nguyễn Khuyến :
“Mấy cành trước dậu, HOA NĂM NGOÁI
Một tiếng trên không, ngỗng nước nào?”
Xa hơn nữa nhớ mình Mãn Giác thật giác ngộ, nhìn hoa Mai nở trước sân nhà mà lạc quan trong tĩnh tại :
“Chớ thấy xuân tàn, hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước một cành mai”
Bỗng nhiên thấy tâm mình nhẹ bỗng, thoáng hiện trước mắt mình, ở khoảng không xanh xa kia, Mai xanh của mình đang nở, nụ cười vàng tươi ấm áp, dù mùa Đông đang dần tới…
La Vinh
Thưởng thức tinh tế: Giao hưởng giọng La trưởng của Johann Stamitz, một mùa xuân rực rỡ tuyệt đẹp…
Tốn kém, rong ruổi mọi nẻo đường chữa ung thư, chị đã khỏi nhờ môn tu luyện giữa đời thường
Nghe lại bản gốc tuyệt đẹp ‘Lạc mất mùa xuân’: định mệnh của chàng trai nghèo khổ vụt thành sao chói sáng