Tiếp theo phần 1
Hoa Mẫu Đơn với cuộc đời truân chuyên của nàng Kiều
Trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du có hai cụm từ: “Quốc sắc thiên hương” và “Sắc nước hương trời”.
(Ảnh: pinterest.com)
Ðoạn miêu tả tên Mã Giám Sinh đến gặp Kiều, để mua Kiều về lầu xanh, nhìn sắc đẹp của Kiều, Mã say đắm, toan tính:
Mừng thầm: Cờ đã đến tay
Càng nhìn vẻ ngọc càng say khúc vàng
Ðã nên quốc sắc thiên hương
Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa
(câu 823 đến 826)
“Quốc sắc thiên hương” tức sắc nước hương trời. Sắc nước là sắc đẹp nhất nước, hương trời là hương thơm chỉ có trên trời (thế gian không có); ý nói sắc đẹp hiếm có về thể chất lẫn tinh thần. “Quốc sắc thiên hương” trong văn chương cổ điển Trung Hoa chỉ về cái đẹp của hoa Mẫu đơn, lấy hoa Mẫu đơn làm tiêu biểu.
Kiều như một đóa mẫu đơn nở rộ hiếm thấy (Ảnh: pinterest.com)
Tác giả “Truyện Kiều” để cho Mã Giám Sinh, một tên chuyên mua bán các cô gái lầu xanh đánh giá con người Kiều một cách so sánh bóng bẩy, văn vẻ như thế càng cho ta cảm thấy nỗi đau đớn thấm thía của một kiếp người có sắc đẹp “Quốc sắc thiên hương” như Kiều, mà hắn cho là “cờ đã đến tay”…
Ðoạn nói về Kiều khi ở lầu xanh lần thứ nhất tại Lâm Tri, gặp Thúc Sinh định làm vợ lẽ, nhưng bị Thúc Ông (cha của Thúc Sinh) đến thưa quan sở tại, bắt Kiều đóng gông (mộc già) vừa đánh đòn, có câu:
Dạy rằng cứ phép gia hình
Ba cây chập lại một cành Mẫu đơn
(câu 1425 và 1426)
Dạy rằng cứ phép gia hình. Ba cây chập lại một cành Mẫu đơn (Ảnh phununet.com)
“Mẫu đơn” là chỉ về Kiều.
Khi Sở Khanh đóng vai anh hùng để đưa giai nhân mắc bẫy, hắn cũng làm nhục hoa Mẫu Đơn bằng những lời chải chuốt ngọt ngào, khiến cho tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng:
Than ôi! Sắc nước hương trời
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây
Giá đành trong nguyệt, trên mây
Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa.
Tức gan riêng giận trời già
Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng….
(Ảnh: pinterest.com)
Rồi tiếp đến là những lời của Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm:
Mây mưa mấy giọt chung tình
Đỉnh trầm hương khóa một cành Mẫu Đơn..
Hoa Mẫu Đơn với Dương Quý Phi
Mẫu Đơn còn quan hệ tới một giai nhân không ai không biết đến. Đó là Dương Quý Phi.
Tương truyền Đường Minh Hoàng cùng Dương Quý Phi uống rượu ngắm hoa Mẫu đơn, vua muốn có lời ca ngợi sắc đẹp Dương Quý Phi bèn vời Lý Bạch vào đặt thơ. Lý Bạch đang say viết liền một mạch 3 đoạn Thanh Bình điệu.
Dương Quý Phi (Ảnh: pinterest.com)
Trong đoạn đầu có ý so sánh vẻ đẹp Dương Quý Phi với cành hoa Mẫu đơn:
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung,
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến,
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng.
Bản dịch của Trần Trọng San
Mặt tưởng là hoa, áo ngỡ mây,
Hiên sương phơ phất gió xuân bay.
Nếu không gặp gỡ trên Quần Ngọc,
Dưới nguyệt Dao Đài sẽ gặp ai.
Nét mặt nhuộm sắc hồng khi say rượu của Dương Quý Phi thường được họa cùng với ánh hồng cánh hoa Mẫu đơn.
Nét mặt nhuộm sắc hồng khi say rượu của Dương Quý Phi thường được họa cùng với ánh hồng cánh hoa Mẫu đơn. (Ảnh: pinterest.com)
Sau này, có nhiều người đã dựa vào truyền thuyết về bà mẹ một mình hiên ngang chống quân thù để liên hệ với Mẫu Đơn Hoa. Có thể nói chữ Mẫu ở đây không phải là Mẹ, cũng không phải là đơn vị đo không gian như Điền Mẫu.
Mẫu ở đây trong tiếng Hán lại có nghĩa là dương (đối ngược với âm). Các con vật đực cũng thường được người xưa sử dụng làm đồ cúng tế thần thánh. Như vậy, Mẫu là gắn với những gì thiêng liêng, Thần thánh.
Mẫu Đơn là loài hoa thiêng đưa thần thánh, điềm lành và dương khí vào không gian mình sống…
Mẫu đơn- Loài hoa của điềm lành (Ảnh: zing.vn)
Chữ Đơn ở đây là đọc chệch chữ Đan. Nghĩa là màu đỏ tươi của son chu sa. Các nhà Đạo sỹ thì đặt lò nhóm lửa thái dược luyện Đan. Như vậy, Đan là thuốc quý, thông qua sự bào chế công phu bí mật của Thần Thánh mà có. Chữ Đan rất phức tạp. “Đan tâm” chính là tấm lòng son mà văn chương Việt nhằm nói trái tim đỏ không phai nhạt, là trách nhiệm, là thủy chung…
Tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Vì thế mà Đan Thành là sự chân thực không bao giờ thay đổi.
Ảnh: phuonghoangtours.com
Mẫu Đơn quả là cho người ta liên hệ tới cái thần thánh trang nghiêm của Thần và cho ta cái cốt cách, thần thái của sự cương trực, đoan dung, mỹ hạnh…
Hoa Mẫu Đơn và các thi nhân
Trong hàng vạn nhà thơ thời Đường thì 3 gương mặt thường được nhắc tới là “Tiên thi” Lý Bạch; “Thánh thi” Đỗ Phủ và “Chân thi” Bạch Cư Dị. Thời xưa, các nhà thơ, như Lý Bạch và Đỗ Phủ, thường làm thơ tụng ca nhau, điều này, hiếm thấy ở thời hiện đại. Thậm chí, đứng trước lầu Hoàng Hạc nổi tiếng, Lý Bạch làm thơ để ca ngợi Thôi Hiệu “nhà thơ của một bài” Hoàng Hạc Lâu, rằng: Định viết, nhưng nhìn thấy thơ Thôi Hiệu không dám viết nữa.
Bạch Cư Dị cũng luôn kính trọng bạn mình. Ông gọi Lưu Vũ Tích là “Thi nhân”. Cả hai gắn bó keo sơn qua những thăng trầm trôi nổi giữa dòng đời. Cả hai sống với chữ Chân cho nên gặp nhiều hệ lụy.
Những bài thơ hiện thực chứa đựng tư tưởng phê phán làm cho hai ông bị “vạ câu chữ” đeo đai suốt đời. Bạch bị đi đày làm Tư Mã Giang Châu, nửa đêm nghe tiếng tỳ bà trên sông mà “áo xanh đẫm lệ”.
Đời bạn ông cũng đồng dạng lạ lùng. 33 tuổi, Lưu bị đuổi khỏi triều làm Tư Mã Lãng Châu. Chín năm sau, vừa mới về Kinh, làm thơ động tới quyền thần, ông lại bị đày đi xuống phương Nam làm Thứ Sử Liên Châu vùng Quảng Đông. Khi mang thân già về kinh đô Lạc Dương thì đành làm tân khách cho Thái Tử.
Cả hai đều lưu lạc xuống nơi mà Võ Tắc Thiên trừng phạt Mẫu Đơn Hoa.
Cả 2 đều có thể vận số mệnh của mình vào loài hoa Mẫu Đơn quý phái mà cứng cỏi trước bạo quyền, loài hoa được tôn là Vương của các loài hoa.
Hết phần 2
La Vinh
Nguồn gốc của ‘quốc sắc thiên hương’ và vì sao chỉ có Mẫu Đơn mới xứng là hoa trong thiên hạ?
Vì sao người xưa gọi hoa mẫu đơn là ‘quốc sắc thiên hương’?
Tôi thấy gì nơi quán trọ trần gian?