Các hình thức lừa đảo hiện nay càng trở nên tinh vi hơn rất nhiều, ngay cả trên smartphone cũng là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo thực hiện hành vi.
Chỉ cần một đường link nhỏ thôi, người dùng nhấn vào cũng trở thành nạn nhân của những kẻ xấu, thậm chí vô tình trở thành tiếp tay cho chúng khi chúng ta chia sẻ đường link hay thông tin nào đó. Trong bài này, chúng tôi sẽ giúp bạn cảnh giác trước những kiểu lừa đảo trên Android.
1. Lừa đảo bằng tin nhắn:
Hình thức này ở Việt Nam xuất hiện rất nhiều và hiện nay đang lan rộng ra trên cả những thiết bị smartphone. Thông thường người dùng sẽ nhận được một tin nhắn từ một số lạ yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ...để có thể xác nhận trúng thưởng trong một chương trình mà bạn chưa hề tham gia trước đó.
Hoặc bạn sẽ nhận được email thông báo tài khoản cá nhân của bạn tại website nào đó hoặc Facebook đã bị đánh cắp và cần bạn xác minh lại thông tin cá nhân bằng cách cung cấp lại mật khẩu, mã PIN...vào một địa chỉ liên kết họ gửi đến. Chỉ tích tắc vài phút sau là tất cả mọi thông tin cá nhân của bạn đã được kẻ xấu hoàn toàn nắm giữ và có thể sử dụng bất kỳ lúc nào. Với hình thức này bạn cần phải tuyệt đối tỉnh táo và khôn được tin vào bất cứ tin nhắn văn bản hay email nào trừ phi bạn biết chắc đó là mã số tin nhắn tổng đài hoặc email chính thức từ trang web.
2. Ứng dụng giả mạo:
Ứng dụng giả mạo một thời trở nên 'sôi nổi' khi tràn lan các loại ứng dụng lởm không rõ nhà sản xuất. Khi bạn tìm kiếm link download một số phần mềm nổi tiếng trên Google sẽ ra một loạt kết quả với nhiều link download khác nhau. Tất nhiên chỉ có đúng duy nhất 1 link đưa bạn tới nơi download phần mềm chuẩn mà thôi.
Hoặc một số trang web khi bạn truy cập vào sẽ hiện ra thông báo thiết bị của bạn đang bị virus xâm nhập, và đề nghị bạn tải một phần diệt virus. Tất cả các file Apk còn lại bạn tải về thực chất là malware hoặc trojan, nếu như bạn cài đặt chúng thì những những thông tin cá nhân sẽ bị đánh cắp. Để không bị tình trạng này, bạn chỉ nên cài đặt những phần mềm có nguồn gốc rõ ràng và tốt nhất là trên kho Google Play.
3. Hỗ trợ kỹ thuật giả mạo:
Hỗ trợ kỹ thuật lừa đảo hoặc lừa đảo công nghệ cao đã bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 90, bắt đầu từ máy tính để bàn và lan dần sang smartphones. Sẽ có một người lạ gọi điện cho bạn và tự nhận bản thân đến từ nhà sản xuất hoặc nơi cung cấp thiết bị, họ khẳng định máy bạn đang bị nhiễm virus và hứa sẽ giúp đỡ bạn tối đa chỉ cần bạn chi trả phí cho lần đầu tiên.
Sau đó họ sẽ dụ dỗ bạn thanh toán tiền qua một trang web giả mạo và những thông tin cá nhân và thẻ ngân hàng sẽ bị lấy cắp. Bất cứ khi nào bạn nhận đươc tin nhắn hay cuộc gọi như vậy thì đừng vội vàng làm theo lời họ mà hãy cúp máy và gọi liền cho số tổng đài dịch vụ nơi bạn mua hàng để biết chắc chắn hơn.
4. Sửa chữa lừa đảo:
Một số cửa hàng điện thoại di động chuyên thay thế linh kiện hoặc đánh cắp thông tin khi khách hàng gửi điện thoại đến sửa chữa. Những linh kiện có thể dễ dàng bị đánh tráo nhất là pin, màn hình, loa, camera...Do đó chỉ nên gửi thiết bị cho các cửa hàng sửa chữa uy tín hoặc tốt nhất là đến cửa hàng chính hãng được ủy quyền.