Lan man, huyên thuyên, nói nhiều, ba hoa, huênh hoang. Những người đang nói quá nhiều tại văn phòng không chỉ tự 'giành lấy' cho mình những biệt danh chẳng-mấy-ai-muốn mà còn gây phiền phức cho những người xung quanh. Nhiều nghiên cứu chỉ rằng thói quen này còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc và tương lai sự nghiệp của họ, đặc biệt là với phụ nữ.
Liệu rằng bạn có đang thuộc nhóm người này và bạn không hề nhận ra điều đó? Vậy thì hãy kiểm tra ngay lập tức 4 dấu hiệu sau đây trước khi chính bạn tự khiến cơ hội thăng tiến của mình bị hủy hoại.
1. Mọi người ngồi gần bạn đều đeo tai nghe
Nếu mọi người ngồi gần bạn đều sử dụng tai nghe, đặc biệt là tai nghe nhét trong (earbud) hoặc nếu họ không đeo tai nghe nhưng mỗi khi bạn tiến đến gần, họ lại vội vàng thực hiện điều này thì có lẽ, đồng nghiệp đang cố gắng tránh bạn. Tình huống có thể trở nên tồi tệ hơn nữa và họ đã bắt đầu phát ra một cảnh báo đỏ dành cho bạn rồi đấy.
Để tránh những tình huống khó xử như vậy, hãy lên một kế hoạch rõ ràng để thảo luận với mọi người về các chủ đề liên quan đến công việc khi cần thiết và cố gắng tập trung vào những vấn đề đó. Dành những câu chuyện ngoài lề vào thời gian rảnh và đừng lan man. Bạn nên thể hiện sự tôn trọng với đồng nghiệp và thời gian của họ. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì cả văn phòng sẽ có cái nhìn tích cực hơn về bạn thay vì cho rằng bạn là một kẻ nói nhiều 'bẩm sinh' đấy.
2. Bạn nói liên tục
Tự nhận thấy rằng bạn trò chuyện với đồng nghiệp hầu hết thời gian, ngay cả khi bạn đang đọc bài viết này và nếu bạn gần như là người làm chủ mọi chủ đề tán gẫu thì rất có thể bạn là một 'kẻ nói nhiều' khó chối cãi.
Nếu vẫn không nhận ra điều này thì cũng đừng lo, vì không chỉ có mình bạn như vậy. Theo Annie Stevens, đối tác quản lý tại ClearRock - một công ty chuyên tổ chức những chương trình huấn luyện dành cho các nhà quản lý cấp cao có trụ sở tại Boston thì hầu hết mọi người đều không biết rằng mình đang nói quá nhiều. Phương châm khôn ngoan trong giao tiếp tại nơi làm việc của cô ấy rất đơn giản: 'Be brief, be brilliant, be gone' (Tạm dịch: Ngắn gọn, tỏa sáng, kết thúc).
Một ví dụ cho việc áp dụng nguyên tắc 'Be brief, be brilliant, be gone'.
Khách hàng của bạn, đồng nghiệp của bạn rất bận, thực sự rất bận rộn. Bạn cần hiểu và tôn trọng điều đó.
'Brief' (ngắn gọn):
1. Đưa ra kế hoạch của bạn với các điểm nhấn quan trọng.
2. Tập trung vào các vấn đề cốt lõi.
3. Sử dụng các công cụ hỗ trợ có hình ảnh để thể hiện câu chuyện/tình huống/thông số. Mọi người tin vào điều họ nhìn thấy chứ không phải điều họ nghe thấy.
4. Giải quyết vấn đề.
'Brilliant' (Tỏa sáng):
1. Tự luyện tập những gì bạn sẽ nói.
2. Truyền tải câu chuyện của bạn với niềm đam mê.
3. Quản lý nhóm và làm việc với những tiêu chuẩn công việc cao nhất, đừng chỉ dừng lại ở mức trung bình.
4. Theo dõi phản ứng của khách hàng đầu tiên. Liệu rằng họ sẽ nhìn thấy vấn đề gì trong đề nghị của bạn?
5. Đưa ra phản hồi của bạn.
'Be gone' (kết thúc):
1. Đặt vấn đề khôn ngoan để nhận lại được câu trả lời 'có' hoặc 'không'.
2. Yêu cầu phản hồi ngay lập tức.
3. Không chần chừ. Hãy hoàn tất mọi thứ và chuyển sang công việc khác.
Thay vì khởi xướng mọi cuộc trò chuyện, hãy chờ đợi đồng nghiệp thảo luận trước. Điều này có vẻ khó khăn với những người nói nhiều nhưng bạn cần kiên trì luyện tập và kiềm chế hết sức có thể trong khi người khác đang nói. Đừng ngắt lời họ!
3. Mọi người nhìn vào điện thoại khi bạn đang nói
Họ nhìn vào điện thoại, đồng hồ, nhìn xuống sàn nhà, thậm chí là đôi giày của họ hoặc bất cứ nơi nào khác chứ không phải chú ý đến bạn. Điều này nghĩa là bạn đã nhận được một tín hiệu xấu rồi đấy và một lần nữa, bạn vẫn không hề nhận ra điều đó. Nếu người đối diện liếc sang nơi khác và trông như thể họ thích rời văn phòng thay vì ở lại bạn làm việc nghe bạn huyên thuyên thì đó là bởi vì họ thực sự muốn như vậy.
Nếu cần thông báo một việc gì đó khẩn cấp, hãy gửi email hoặc tin nhắn. Đừng sử dụng lời nói của bạn.
4. Bạn không thể trả lời một câu hỏi chỉ trong vòng một hoặc hai câu
Khi ai đó hỏi bạn mấy giờ rồi và bạn nói với họ rằng ai đó cũng đã hỏi bạn như vậy trước đó. Bạn tiếp tục đề cập đến việc cũng từng hỏi người khác điều này trên tàu và kéo theo nhiều thứ chẳng-hề-liên-quan? Quả là một điều khó chịu khi người nghe không nhận được câu trả lời họ muốn từ bạn, mặc dù bạn có thể nói chính xác thời gian ngay lập tức.
Tốt nhất bạn nên trả lời câu hỏi chỉ trong vòng một hoặc hai câu. Dừng lại, lắng nghe câu hỏi và nghĩ về câu trả lời trước khi bắt đầu nói. Bạn không phải nói ra tất cả những gì đã xuất hiện trong đầu. Ngoại trừ đó là một cuộc thảo luận còn không, hãy ngắn gọn nhất có thể và đừng phức tạp hóa những thứ không cần thiết.
Nếu cảm thấy khó chịu khi trở thành một 'kẻ nói nhiều' tại văn phòng, đừng khủng hoảng và tuyệt đối không tìm đến người đồng nghiệp thân nhất để phàn nàn về điều này. Nói quá nhiều tại văn phòng - hoặc bất cứ nơi đâu - đều là một thói quen xấu. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được chỉ cần có thời gian và quyết tâm kiềm chế.
Hãy thiết lập quy tắc này cho bản thân ngay từ bây giờ: Nói ít đi, làm nhiều hơn và cam kết thay đổi.
Cập nhật: 01/06/2016 Vân Anh - Theo Entrepreneur