Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, thị trường máy chơi game từng chứng kiến sự thống trị của hai gã khổng lồ Nintendo và SEGA. Thật khó tưởng tượng rằng sẽ có một thương nhân mới giật lấy được ngôi vương của ngành công nghiệp trò chơi điện tử vào thời đó. Tuy nhiên Sony cùng với hệ máy PlayStation của mình đã hoàn thành được nhiệm vụ bất khả thi đó, thay đổi và dẫn dắt cả làng game đến với tương lai sáng lạng như hôm nay.
Song những điều vừa nêu phía trên chỉ là những trang giấy tươi sáng, đầy màu hồng và vẻ vang nhất mà fanboy cũng như Sony mong muốn mọi người thấy. Đằng sau chúng vẫn còn đó những trái đắng, những lần ê mặt trước cộng đồng mà chẳng có fan hâm mộ Sony nào muốn ai đào xới lên.
Hãy cùng TCN nhìn lại những bước đi sai lầm nhất mà Sony và PlayStation từng thực hiện trước khi chạm được đỉnh cao vinh quang ngày nay.
Phần 1: Các thiết bị chơi game
+ PlayStation 3
Năm 2006 là thời điểm mà Sony đang cười hả hê với sự thành công trên thị trường console thông qua việc máy PS2 đạt doanh số kỷ lục so với những sản phẩm đến từ đối thủ. Tuy nhiên việc Xbox 360 được Microsoft giới thiệu năm 2005 cũng thôi thúc Sony ra mắt dòng console thế hệ tiếp theo.
PS3 – sản phẩm được kỳ vọng sẽ cho đối thủ đến từ Microsoft “hít khói” doanh số, tương tự cái cách mà PS2 đã làm với Xbox, được trình làng một năm sau đó. Cấu hình phần cứng mạnh mẽ hơn Xbox 360 một chút, thêm vài tính năng đa dạng như backward compatibility là những yếu tố bảo chứng cho thành công sắp tới của PS3.
Nhưng Sony đã quá tự phụ vào thành công của PS2 và hét một cái giá cao đến không thể chấp nhận được. 499$ cho bản phổ thông và 599$ cho bản cao cấp với vài thứ hay ho như bộ nhớ ngoài có dung lượng lớn hơn cùng kết nối 3G/Wifi.
399$ là cái giá cao nhất mà Microsoft dám vòi vĩnh để khách hàng của họ chi cho một chiếc Xbox 360. Khỏi phải nói là người ta sẽ chẳng đời nào xì ra chừng đó tiền cho mỗi cái máy chơi game kiêm đầu Blu-ray khi mà họ chỉ muốn chơi game và phụ huynh thì chẳng hào phóng lắm.
Rốt cục thì Sony phải ngặm bồ hòn làm ngọt giảm giá bán để bán được hàng và cạnh tranh với đối thủ. Từ 599$ xuống 499$ rồi từ 499$ xuống 399$. Cơ mà đến khi doanh số bán ra PS3 được vực dậy thì Wii của Nintendo đã chạm đích cuộc đua tới phòng khách của mọi nhà từ đời nào rồi.
+ PlayStation Home
Second Life phát hành năm 2003 mang đến trải nghiệm mới lạ chưa từng thấy trong lịch sử làng game, nhất là trên hệ máy console. Trước khi Sony mang Second Life lên nền tảng của họ, game thủ console chỉ biết loay hoay giết quái, làm nhiệm vụ hay thử làm các tay đua kiệt xuất.
Thời kỳ nhàm chán đó cuối cùng cũng có dấu hiệu chấm dứt, mở ra một thế giới ảo tự do cho họ kết bạn giao lưu, sinh con và xây tổ ấm. Cơ mà Sony không hề có ý định bán “rẻ” món lạ này cho người chơi.
Game thủ sẽ phải xì ra cả đống tiền để có được nhân vật như ý cùng vô số vật phẩm vòi vĩnh từng đồng từng cắc tiền thật của họ. Trong khi đó fan Xbox có thể dễ dàng tận hưởng trò chơi mà không phải chi xu nào chỉ vì một cái avatar ngớ ngẩn.
PlayStation Home ra mắt năm 2007, chính thức đi vào hoạt động năm 2008 và dĩ nhiên Second Life cũng được phát hành trong dịp ra mắt dịch vụ này. Năm 2015, PlayStation Home bị đóng cửa vì không mang đến các khoản thu như mong muốn cho Sony.
+ Tay cầm Sixaxis
Trong vòng đời nhiều tai tiếng của PS3, Sony hết lần này đến lần khác phạm phải những sai lầm khó có thể chấp nhận, lần này là với tay cầm điều khiển của nó. Tại E3 năm 2005, Sony đã giới thiệu chiếc console thế hệ mới nhất cùng với chiếc tay cầm không thể đụng hàng và xấu tệ hại.
Trông nó thảm họa khỏi phải nói, nhất là về thiết kế tạo hình vừa cong vừa ốm theo dạng một cái boomerang. May mắn thay, Sony đã quyết định không bán cái của nợ đó ra thị trường và thay thế bằng một thiết kế giống với tay cầm Dualshock 2… rồi cuối cùng lại đổi bằng “huyền thoại” Sixaxis.
Chiếc tay cầm gốc được thiết kế cho Playstation 3 được gọi vui là “bánh sừng trâu”
Nhìn sơ qua có thể thấy cả Sixaxis và Dualshock 2 chả khác gì lắm, vẫn nhiêu đó nút và hai cần analog. Nhưng vấn đề ở chỗ Sixaxis không hề có hệ thống rung giả lập độ giật của súng. Fan thì thất vọng vô cùng còn đại diện PlayStation thì chối quanh: “Rung ư? Cái đó lỗi thời rồi! Ừ, đúng rồi đó, cái thứ đó là tính năng cũ của dòng máy cũ chả gì phải tiếc đâu!” – Phil Harrison một thanh niên nghiêm túc làm việc cho Sony lên tiếng.
Nhưng thật ra là Sony lúc này đang gặp rắc rối với Immersion, công ty sở hữu bằng sáng chế của “Haptic feedback” – hiệu ứng xúc giác tác động lên cơ thể người chơi theo tình tiết trong game, thứ mà Sony cần để áp dụng vào tính năng rung “mát-xa” trên tay cầm của mình.
Tay cầm Sixaxis, thảm họa nối tiếp theo “bánh sừng trâu”
Đến năm 2007 khi mà Sony và Immersion đạt được thỏa thuận nhất quán trong việc sử dụng công nghệ trên thì tay cầm Dualshock 3 ngay lập tức được sản xuất và dĩ nhiên Sixaxis bị khai tử ngay sau đó.
+ PlayStation Move
Đây lại là một lần nữa Sony định thử làm gì đó mới mẻ để rồi thất bại thảm hại, không phải PlayStation Move quá cồng kềnh hay vô dụng mà do sự vô tâm trong việc phát hành game hỗ trợ nó.
PlayStation Move trông y như cái điều khiển tiivi có dây buộc chống trượt tay của Wii U thêm vào một cái bóng đèn to trên đầu. Sản phẩm nhận được đánh giá rất tích cực từ cộng đồng cũng như giới chuyên môn vì sự chính xác và tốc độ phản hồi cao.
Nó đáng lẽ sẽ là một thành công nếu như Sony thực sự quan tâm đến dự án này nhiều hơn một chút. Thiếu game hỗ trợ các tính năng của PlayStation Move cùng việc những tựa game hiếm hoi quan tâm khai thác tiềm năng của nó lại chẳng làm tốt lắm khiến nó bị bỏ xó không lâu sau khi được lên kệ.
May mắn thay, Sony quyết định hồi sinh đứa con chết yểu này bằng cách tái hỗ trợ nó thông các tựa game VR trên PS4.
+ PlayStation Vita
PlayStation Portable bán được 76 triệu bản toàn cầu và Sony quyết định kiếm thêm thu nhập với PlayStation Vita, dòng máy chơi game cầm tay thế hệ mới tiếp theo sau sự thành công của PSP. Sản phẩm được giới thiệu lần đầu năm 2012 trong sự háo hức của người hâm mộ trong khi các chuyên gia thì khen nức nở phần cứng của PS Vita.
Tính năng hỗ trợ chơi mạng thông qua Wifi/3G cùng khả năng liên kết với PS3 – sau này là PS4, tương đương với việc bạn có thể quẩy game cùng bạn bè trên PS3 bằng chiếc Vita tại bất kỳ nơi đâu và bất cứ lúc nào càng làm game thủ thèm muốn sở hữu một chiếc Vita.
Nhưng rồi Sony bất ngờ tự tay bóp *ái mình bằng việc cho ra mắt PS4 vào năm 2013 trong khi PS Vita mới được công bố một năm trước đó. Cùng với sự lơ là của Sony khi chỉ phát hành rất ít game cho PS Vita, chiếc máy này trở thành món hàng thứ yếu của game thủ, chỉ được dùng chơi mấy trò đơn giản trên đường đi trong khi PS4 mới là chân mệnh thiên tử chuyên dùng chiến các tựa game AAA.
Với 10 triệu máy bán ra toàn cầu, thành tích của PS Vita nhìn chung cũng không phải tệ lắm nhưng tham vọng hốt bạc như thời PSP tan vỡ cùng việc chính bản thân tự tay bóp chết đứa con của mình chẳng phải là việc hay ho cho lắm.
+ PlayStation TV
Những tưởng PlayStation học được bài học đáng giá sau hàng loạt quyết định sai lầm trên, thế nhưng họ lại chọn chơi dại thêm lần nữa.
PlayStation TV là chiếc máy chơi game console mà Sony thiết kế dành cho những người thích chơi các game của máy Vita trên màn hình lớn của chiếc TV. Nếu như PS Vita là dạng máy cầm tay, chơi trên màn hình cảm ứng 5 inch thì PlayStation TV được làm nhỏ gọn như một cục pin sạc di động, có cổng xuất HDMI để phát hình ảnh ra màn hình lớn.
Là một thiết bị đặt cố định nên đi kèm với nó là một tay cầm DualShock 3 không dây, dùng để điều khiển cũng như chơi game, nhược điểm của chiếc máy này là nó không có con quay hồi chuyển, màn hình cảm ứng như Vita, nên không chơi được những game đòi hỏi những tính năng này.
Khi vừa ra mắt với giá 96$, lại một lần nữa, người ta lạc quan rằng PlayStation TV sẽ thành công rực rỡ trong khi thực tế nó đã sấp mặt khá đậm. Nguyên do nằm ở việc chiếc máy vốn được tạo ra với mục đích hỗ trợ người dùng PS Vita chơi game của hệ máy này trên màn hình TV rộng cho đã mắt mà PS Vita lại bán không chạy cho lắm dẫn đến không có nhiều người mua PlayStation TV.
Rồi các tính năng khác được bổ sung cho PlayStation TV như chơi 4 người một máy hay PlayStation Now với hy vọng vớt vát phần nào doanh thu cũng nhanh chóng chìm xuồng và số phận của chiếc máy chọn sai đồng đội này cũng xem như xác định khi giá bán lao dốc không phanh xuống còn 19.99$ nhưng vẫn ế hàng.
(Còn tiếp)
Nguồn : https://motgame.vn/nhung-lan-sony-phai-chap-nhan-trai-dang-tren-thi-truong-p-1.game