Đặt ra thứ hạng của những tuyển thủ hàng đầu thế giới có vẻ như là một công việc đầy khó khăn. Bất kỳ những danh sách có nội dung tương tự như vậy đều sẽ gây ra sự tranh cãi và khiến nhiều fan hâm mộ cảm thấy thất vọng trong việc xếp hạng hoặc tên của ai đó không có trong danh sách…
Nhưng những lý do trên không đủ để ngăn cản trang Dot Esports lắp ráp nên những siêu đội hình, theo phong cách KT Rolster, với thành phần gồm những tuyển thủ được xác định là hay nhất năm 2016.
Thay vì chỉ đơn thuần xếp hạng cho những tuyển thủ, trang Dot Esports ghép họ vào bốn đội hình khác nhau dựa trên tài năng là điều ưu tiên số một, nhưng cũng làm thế nào để họ phù hợp với nhau. Ngoài ra, bạn sẽ tìm ra đâu đó một vài sự lựa chọn “an toàn” (như Lee “Faker” Sang-hyeok ở hạng một), nhưng nếu có thể, tác giả đang cố gắng không đi theo lối mòn và sử dụng những ý tưởng độc đáo. Mục đích chính chỉ là vui vẻ trong những ngày cuối cùng của năm 2016.
Chắc chắn rằng sẽ có nhiều người (hoặc gần như tất cả) không đồng ý với những lựa chọn sau đây. Hãy cho biết suy nghĩ của bạn và cùng nhau trao đổi!
Đội hình một
- Đường trên: Looper
- Đi rừng: Peanut
- Đường giữa: Faker
- Xạ thủ: PraY
- Hỗ trợ: GorillA
Faker là đường giữa là một quyết định rõ ràng. Giữ cặp đôi Kim “PraY” Jong-in và Kang “GorillA” Beom-hyeon tiếp tục cùng nhau ở đường dưới. Sự kết hợp này đã gây ra những cơn “đau đầu” cho SK Telecom T1 tại CKTG 2016, đặc biệt khi GorillA lựa chọn một hỗ trợ cực kỳ bất ngờ và đem lại hiệu quả bất ngờ là Miss Fortune. Cùng với những cú Đại Băng Tiễn không thể trượt đi đâu được của PraY, chúng ta đã hoàn thiện được cơ bản được một đội hình hàng đầu.
Yoon “Peanut” Wang-ho cũng là một sự lựa chọn hiển nhiên. Có rất nhiều người đi rừng phù hợp cho đội hình này, nhưng Peanut đã có một năm đáng kinh ngạc và SKT đã quyết định đem anh về để chơi cùng với Faker. Tại sao lại không đồng ý được?
Còn một lựa chọn hẳn sẽ để lại nhiều nghi vấn: Jang “Looper” Hyeong-seok. Looper không phải là Song “Smeb” Kyung-ho, người đã có hai lần giành danh hiệu MVP tại LCK và trước CKTG 2016, nhận được đông đảo sự đồng thuận là tuyển thủ LMHT số một hành tinh, vượt qua cả Faker. Nhưng làm thế nào mà Smeb không có tên mà thay vào đó lại là Looper?
Câu trả lời rất đơn giản: Dot Esports không muốn Smeb và Faker “chung đụng” với nhau. Họ đang là hai đối thủ “không đội trời chung” và đặt hai cái tên với đầy sức hút này trong cùng một đội hình sẽ phá hỏng tất cả. Dot Esports thậm chí còn không biết họ có quý mến nhau nữa không. Và bạn có thể tưởng tượng được Smeb sau khi nhìn thấy ba người đồng đội cũ tại ROX Tigers có tên cùng nhau mà mình bị bỏ ở ngoài? Đây tiếp tục là một trở ngại nữa mà một tuyển thủ hàng đầu cần phải vượt qua để đứng được trên đỉnh.
Còn về Looper, anh là một tuyển thủ tuyệt vời của Royal Never Give Up, thường là người chơi tốt nhất trong đội hình. Tại CKTG 2016, Looper đối đầu khá tốt với Lee “Duke” Ho-seong bên phía SKT, bất chấp không có áp lực đến từ đường giữa và có được chút ít sự giúp sức từ tướng đi rừng. Looper chơi tốt khi đảm nhiệm cả vai trò gánh đội lẫn đỡ đòn, và đã từng có một danh hiệu vô địch CKTG.
Đội hình hai
- Đường trên: Smeb
- Đi rừng: Reignover
- Đường giữa: Bjergsen
- Xạ thủ: Uzi
- Hỗ trợ: Mata
“Màn tra tấn tâm lý” của Smeb sẽ dừng lại tại đây vì để anh xếp sau thêm một đường trên nữa sẽ gây ra một sự náo loạn không hề nhẹ trên mạng Internet. Smeb sẽ phối hợp với đồng đội mới trong màu áo KT, Cho “Mata” Se-hyeong và người đi cùng đường trước kia, Jian “Uzi” Zi-hao. Đội hình này sẽ dồn rất nhiều nguồn lực cho đường trên, nên chúng ta cần một xạ thủ biết tự chăm sóc lấy bản thân. Ngoài Uzi ra, trên thế giới có rất ít xạ thủ làm được điều đó.
Sau đó, nên kể tới sự kết hợp giữa đi rừng và đường giữa. Soren “Bjergsen” Bjerg vẫn là tuyển thủ xuất sắc nhất của Team SoloMid trong năm vừa qua – có điều gì mới mẻ hơn không? Ngay cả khi bị bật ra khỏi CKTG 2016 ngay sau vòng bảng, Bjergsen vẫn có nhiều màn gánh đội. Và trong suốt năm qua, anh vẫn được coi là một trong những đường giữa hay nhất xét trên bình diện tất cả các khu vực.
Để giúp Bjergsen phát huy tối đa khả năng, Dot Esports điền thêm tên Kim 'Reignover' Yeu-jin, người cũng đã có một năm nổi bật tại một đội tuyển mới ở Bắc Mỹ. Chắc chắn rồi, Immortals luôn gặp vấn đề ở cả hai vòng play-off LCS Bắc Mỹ và bỏ lỡ những giải đấu quốc tế, nhưng đó không phải là lỗi chính tới từ phía Reignover. Anh có khả năng nói cả hai thứ tiếng Hàn và Anh sẽ mở khóa tiềm năng cho đội hình này.
Đội hình ba
- Đường trên: Duke
- Đi rừng: Score
- Đường giữa: Crown
- Xạ thủ: Bang
- Hỗ trợ: CoreJJ
Đội hình này rất khó để lắp ráp vì Dot Esports gần như đã bỏ quên họ. Xạ thủ Bae “Bang” Jun-sik lại một lần nữa chứng minh anh là một con quái vật thực sự. Ezreal, Jhin, bạn biết rồi đấy, Bang có thể gánh đội khi sử dụng chúng. Anh vừa đi đường tốt và thống trị trong giao tranh. Khá là gượng gạo khi điền tên Jo “CoreJJ” Yong-in nếu xét về màn trình diễn trong cả mùa giải 2016. Nhưng ở nửa cuối mùa giải, khi CoreJJ được góp mặt trong đội hình xuất phát, bộ đôi đường dưới của Samsung Galaxy không thể bị ngăn cản.
Đồng đội của CoreJJ tại Samsung, Lee “Crown” Min-ho đã có một giải đấu CKTG 2016 thành công và chỉ suýt chút nữa xếp trên Faker. Nhưng quyết định chọn anh hay những đường giữa khác như Song “Fly” Young-jin là rất khó khăn. Fly đã nâng tầm Aurelion Sol tại Hàn Quốc và có một mùa giải rất tốt, nhưng Crown vẫn là người được nở nụ cười.
Fly mạnh hơn khi được chơi cùng Go “Score” Dong-bin, người cũng có tên trong đội hình này. Score chỉ bỏ lỡ CKTG 2016 sau một tình huống ở hang Baron cực kỳ thiếu may mắn. Cuối cùng, Duke vẫn là một con quái vật ở giai đoạn đi đường và xứng đáng được công nhận là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của SKT ở mùa giải vừa qua.
Đội hình bốn: Không Hàn Quốc!
Hàn Quốc đang ngày càng tăng cường vị thế của họ ở đấu trường LMHT chuyên nghiệp, và Dot Esports cảm thấy cực kỳ mệt mỏi khi phải lựa chọn những đội hình với nòng cốt là các tuyển thủ tới từ Xứ Kim Chi. Những tuyển thủ ở dưới đây đã được Dot Esports lựa chọn mà không dính dáng chút nào tới Hàn Quốc, xét ở cả góc độ đội tuyển và đồng đội đang thi đấu:
- Đường trên: Hauntzer
- Đi rừng: Karsa
- Đường giữa: Maple
- Xạ thủ: FORG1VEN
- Hỗ trợ: aphromoo
Huang “Maple” Yi-tang và Hung “Karsa” Hau-Hsuan xứng đáng nhận được nhiều tình cảm yêu mến sau một năm đáng nhớ. Phần khó khăn nhất ở đội hình này là tìm ra người đi đường trên thích hợp, và có vẻ như Kevin “Hauntzer” Yarnell đáp ứng được những đòi hỏi cao nhất khi anh vừa là tuyển thủ hàng đầu của LCS Bắc Mỹ, vừa có thể bắt nhịp được với những ngôi sao Đài Loan. Hauntzer là một tảng đá thực thụ của TSM và mặc dù cán đích không được như ý, nhưng không thể phủ nhận đóng góp của tuyển thủ đường trên cho nhà ĐKVĐ LCS Bắc Mỹ.
Ở đường đôi, xạ thủ Konstantinos “FORG1VEN” Tzortziou đủ sức tự lo cho bản thân tại đường dưới. Chưa rõ tiếng anh của Karsa có tốt không, nhưng có thể tạm khẳng định rằng, FORG1VEN muốn người đi rừng “ngủ” ở đường trên thay vì ham xuống đường dưới. Xạ thủ người Hy Lạp đã có thể làm được nhiều điều hơn nếu như anh không liên tục chuyển đội tuyển thi đấu.
Zaqueri “aphromoo” Black cũng có được một suất vì khả năng kêu gọi và màn trình diễn tuyệt vời với Counter Logic Gaming tại MSI 2016, giải đấu mà họ bất ngờ lọt vào tới trận Chung kết. Có nhiều hỗ trợ hay hơn aphromoo ở thời điểm cuối mùa giải, nhưng anh đã cho thấy một sự ổn định hơn trong cả năm 2016.
June_6th (Theo Dot Esports)