Sau khi lên sàn chứng khoán vào năm 2004, nhận thấy sự phát triển của trò chơi trực tuyến, công ty đã chuyển hướng sang loại hình dịch vụ này. Với bước đầu tư đúng đắn khi phát hành độc quyền CrossFire (phiên bản phát hành ở Việt Nam với tên Đột Kích) và Dungeon & Fighter. Rất nhanh chóng sau đó, Tencent từng bước trở thành công ty game hàng đầu ở Trung Quốc.
Khi đã có tiếng nói trong làng game, nhà phát hành này nhanh chóng tạo ra những xu thế mới trên thị trường. Thời điểm webgame mới bắt đầu xuất hiện, Tencent nhanh chóng phát triển và tung ra những trò chơi thuộc thể loại này với số lượng cực lớn. Thị trường Việt Nam khi đó cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, khi game client dần được thay thế và lấp đầy bằng những sản phẩm webgame có gắn mác Tencent. Với việc siết chặt quản lý game online, xu thế này đã khiến webgame đánh bật game client. Thậm chí những bom tấn như Võ Lâm Truyền Kỳ 3D hay Cửu Âm Chân Kinh khi cập bến nước nhà vẫn không đất dung thân hoặc phải sống chật vật, khó khăn. Xu thế ăn sẵn mà gã khổng lồ tạo ra đã đi sâu vào tâm trí của game thủ, cũng như các NPH.
Bên cạnh webgame, Tencent cũng giành được suất phát hành hàng loạt game client hàng khủng tại thị trường Trung Quốc như Blade and Soul, Monter Hunter Online, MapleStory 2, Thiên Nhai Minh Nguyệt Đao... Đây đều là những game online đầy tiềm năng và có sức hấp dẫn rất lớn ở thời điểm hiện tại. Dường như các nhà phát triển luôn ưu tiên Tencent là nơi để chọn mặt gửi vàng cho những đứa con cưng của mình.
Ở lĩnh vực game di động, Tencent cũng đang cho thấy những bước đi mạnh mẽ và đầy tính toán, nhằm thôn tính triệt để miếng mồi béo bở này. Trong tháng 11 vừa qua, trên nền tảng Android ở thị trường Trung Quốc, Tencent đóng góp 5 trong số 10 trò chơi có doanh thu cao nhất.
Vào tháng 9/2015, Tencent đã chính thức trở thành công ty internet lớn nhất ở châu Á sau khi giá trị cổ phiếu của Alibaba sụt giảm khoảng 90 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, biến gã khổng lồ này thành một trong những công ty internet lớn nhất trên thế giới sánh ngang với Amazon, Google, Facebook... Những dịch vụ mà công ty hiện cung cấp bao gồm mạng xã hội, cổng tin tức, sàn thương mại điện tử và game vẫn là một phần không thể thiếu.
Để có được danh tiếng như thời điểm hiện tại, Tencent đã tận dụng triệt để sức mạnh truyền thông đến từ các sản phẩm khác của mình, đặc biệt là phần mềm chat QQ. Theo thống kê báo cáo của công ty vào đầu năm 2015, ứng dụng này đạt 829 triệu tài khoản đăng ký với đỉnh điểm lên tới 176 triệu người sử dụng cùng lúc. Ngoài ra các cổng thông tin, game, ứng dụng khác nhau trên PC hay mobile của Tencent luôn có số lượng người dùng đứng đầu thị trường Trung Quốc. Điều này đã khiến sản phẩm game của nhà phát hành này luôn tiếp cận dễ dàng tới thị trường mà không phải qua bước trung gian.
Không chỉ vậy, để bành trướng thế lực, Tencent còn vung tiền thâu tóm những công ty game có tên tuổi nhằm tăng sức ảnh hưởng tới thị trường. Theo thống kê, tập đoàn này có ít nhất bốn doanh nghiệp thuộc sở hữu nước ngoài và gần 20 công ty con. Gần đây nhất vào giữa tháng 12, Tencent đã gây shock khi nuốt trọn Riot Games, hãng phát triển của Liên Minh Huyền Thoại, trò chơi trực tuyến có nhiều người chơi nhất trên toàn thế giới ở thời điểm hiện tại.
Ông lớn này đang sở hữu lượng lớn cổ phần ở Kingsoft (hãng phát triển series Võ Lâm Truyền Kỳ), GLU Mobile (công ty chuyên hợp tác với các ngôi sao Hollywood để tạo ra sản phẩm mang tên họ) hay hãng game huyền thoại Activision Blizzard.
Còn ở Việt Nam, cái bóng của Tencent từ lâu đã âm thầm len lỏi và đang hiện hữu tại các công ty game trụ cột. Tháng 7/2013, Phan Sào Nam, chủ tịch VTC Online, khi trao đổi với báo chí đã khẳng định Garena (hiện mang tên VED) là công ty con của Tencent. Vì thế đơn vị này được đại diện cho Tencent phát hành FIFA Online 3 trong khu vực Đông Nam Á. Nếu đúng như vậy, thì giờ đây hai game thể thao điện tử được coi là đình đám và thành công nhất tại Việt Nam, đều có bóng dáng của Tencent đứng sau với vai trò phát triển và phát hành.
Bên cạnh đó, theo nhiều tin đồn Tencent cũng sở hữu lượng không nhỏ cổ phần của VNG và con số cụ thể đến nay vẫn không được tiết lộ. Sự im lặng từ cả hai phía càng khiến cho nhiều người buộc phải nghi ngờ.
Với những gì Tencent đang sở hữu, hãng game này có thể thao túng bất kỳ thị trường game lớn nào trên thế giới, chứ không chỉ ở riêng Việt Nam. Một cái 'hắt hơi nhẹ' của gã khổng lồ, giờ đây cũng có thể khiến cho nhiều công ty game tên tuổi cũng phải run sợ. Ở Việt Nam, hai trong số những nhà phát hành lớn nhất đều có dính dáng tới ông trùm này, và không loại trừ khả năng nhiều công ty game khác cũng đang là 'chân rết' của gã khổng lồ ở thị trường trong nước. Tương lai của ngành game Việt có thể sẽ chịu tác động không nhỏ hoặc thậm chí là hoàn toàn nằm dưới sự điều khiển của tập đoàn Trung Quốc này.