Nếu là thế hệ 8x hay 9x đời đầu, chắn hẳn ai ai trong chúng ta cũng không thể quên được cảm giác háo hức chờ đợi đến 18h hằng ngày để đón xem những tập phim Tây Du Ký cực hấp dẫn, với mỗi tập phim là một kiếp nạn gian nguy của 4 thầy trò Đường Tăng. Cho dù trong suốt nhiều năm liền bộ phim đều được chiếu đi chiếu lại đều đặn, nhưng sự háo hức, mong chờ ấy vẫn không hề thay đổi trong lòng khán giả nhiều thế hệ.
Dẫu hầu hết khán giả đều có thể nhớ tên hết các nhân vật trong phim hay đọc vanh vách 81 kiếp nạn, tuy nhiên vẫn có những sự thật xung quanh bộ phim này mà ngay cả những fan trung thành nhất cũng chưa chắc đã biết. Đó là những câu chuyện về vai diễn, về cuộc đời diễn viên, về những ghi chép trong sử sách hay thậm chí là những khó khăn mà đoàn làm phim đã từng trải qua trong suốt nhiều năm bươn trải khắp các tỉnh thành Trung Quốc để hoàn thiện từng cảnh quay.
Đường Tam Tạng là có thật
Trần Huyền Trang là nhân vật có thật trong lịch sử. Ông tên là Trần Huy, sinh vào khoảng năm 600 đời Tùy Văn Đế tại huyện Câu Thị, nay là tỉnh Hà Nam – Trung Quốc. Khoảng đầu thế kỷ thứ 7, kinh sách Phật giáo của Trung Quốc có vô số bản dịch và văn bản chữ Hán đại diện cho nhiều quan điểm đối chọi nhau, mỗi bản giải thích một kiểu gây nhiều bất đồng, nhầm lẫn.
Tìm hiểu nguyên nhân, Huyền Trang phát hiện ra rằng, Kinh điển nhà Phật được truyền sang Trung Quốc vẫn chưa được dịch hết, trong khi đó những đại sư thế hệ trước của Trung Quốc lại chủ yếu dịch theo ý nghĩa là chính nên mỗi người giải thích theo một cách. Để giải quyết tình trạng này, thống nhất cách hiểu Phật giáo Kinh điển tại nước nhà, chỉ có một cách là toàn bộ chúng phải được dịch chính xác và đầy đủ từ các bản tiếng Phạn. Vì lẽ đó, Huyền Trang đã thực hiện một chuyến du học sang Ấn Độ, vượt qua 128 quốc gia và kéo dài tới 17 năm.
Nguồn gốc Tôn Ngộ Không
Dựa vào đâu mà tác giả Ngô Thừa Ân lại nghĩ ra nhân vật Tề Thiên Đại Thánh? Đến nay gốc gác của Mỹ Hầu Vương vẫn còn là một ẩn số. Có người nói Ngộ Không là người Cam Túc, người khác lại nói là gốc Ấn Độ.
Tượng Tôn Ngộ Không trong một đền thờ ở Ấn Độ.
Nhưng trong phát hiện của phương tiện truyền thông hiện nay, các chuyên gia đã dựa trên bức vẽ “Đường Tăng thỉnh kinh đồ” tại hang đá rừng cây du của tỉnh Cam Túc, đặc biệt trong bức họa có nhân vật đi sau Đường Tăng và con ngựa mang nét mặt của khỉ. Từ quai hàm nhọn, mũi thấp đến cái đầu lông lá y hệt tạo hình của Tề Thiên.
Ông Đoàn Văn Kiệt – Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Hoàng đã nói rằng người khỉ trong bức vẽ tên là Thạch Bàn Đà, quê ở thành phố Tỏa Dương, huyện An Tây, Tỉnh Cam Túc bây giờ, nên nhiều khả năng Ngộ Không là người Cam Túc.
Có tới 3 Tam Tạng trong phim
Đường Tăng là nhà sư có diện mạo khôi ngô, tuấn tú và phúc hậu, tuy nhiên diễn viên đóng vai này cũng bị thay đổi tới 3 người. Diễn viên đầu tiên được chọn là Uông Việt – một chàng có gương mặt thư sinh đang học năm cuối khoa diễn xuất. Sau khi khởi quay được ba tập phim Tây Du Ký, Uông Việt cảm thấy nản vì mục tiêu anh muốn nhắm tới là phim điện ảnh chứ không phải loại truyền hình chiếm nhiều thời gian này. Đạo diễn Dương Khiết chấp thuận nguyện vọng cho anh rút lui.
Diễn viên Uông Việt
Sau đó nữ đạo diễn chọn Từ Thiếu Hoa, vốn dĩ được phân đóng vai Đông Hải Long Vương, kiêm thêm Bạch Long Mã, nhưng khi Uông Việt bỏ vai thì đạo diễn cho anh làm Tam Tạng luôn. Nhưng lại một lần nữa Từ Thiếu Hoa cũng không thể đến “Tây Trúc thỉnh kinh” vì quyết định học tiếp đại học, anh chỉ đóng được 8 tập phim sau đó chuyển qua Trì Trọng Thoại.
Diễn viên Từ Thiếu Hoa
Đối với Trì Trọng Thoại, trong cuộc đời diễn xuất của anh chưa đến 10 vai diễn nhưng với hóa thân thành Tam Tạng Huyền Trang đã giúp anh tỏa sáng và trở thành ngôi sao nổi tiếng Trung Quốc.
Diễn viên Trì Trọng Thoại
Tiết lộ về bảy yêu tinh nhền nhện
Trong tập 21 – Rơi vào động Bàn Tơ, đạo diễn Dương Khiết yêu cầu các con nhện phải có 7 màu sắc khác biệt trùng với trang phục 7 yêu nữ nhền nhện đang mặc. Bên cạnh đó các chú nhện phải thật sống động, các hoạt động phải ăn khớp với động tác của các diễn viên.
Sau khi áp dụng phương án dùng động cơ điện đặt dưới bụng của các chú nhện mô hình, hay lắp bộ phận ròng rọc để có cử động như thật nhưng không khả thi và rắc rối, thì đoàn làm phim quay lại với cách làm thủ công là sử dụng cần câu và dây câu cá để làm dụng cụ điều khiển các con nhện khổng lồ, kết hợp với chất liệu tạo hình các con nhện từ khung tre, dây thép, vải nỉ sơn màu khác nhau thì đã có một bầy nhện hoàn hảo, có con nhỏ, con lớn, không con nào giống con nào. Đủ sức thuyết phục người xem rồi!
Nước thánh là bia hơi
Trong tập phim “Đấu phép hạ tam quái”, người xem chắc chắn không ít có những tràng cười đau bụng khi ba đồ đệ Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng đại náo điện Tam Thanh. Nhất là chi tiết ba huynh đệ tè vào ba chiếc bình để ban 'nước thánh' cho ba yêu đạo là Hổ Lực, Dương Lực và Lộc Lực nhưng sau đó phát hiện ra đây chỉ là nước tiểu của khỉ và heo (của Tề Thiên và Bát Giới tè vào). Sự thật thì nước thánh đó là bia hơi vì có màu vàng cộng với bọt khí hao hao như nước tiểu.
3 vại 'nước thánh' trong tập phim 'Đấu phép hạ Tam quái'
Phụ đề phim là chữ viết tay
Thêm một sự thật có thể bạn chưa biết về Tôn Ngộ Không và Tây Du Ký do phó quay phim Đường Kế Toàn tiết lộ nữa là việc soạn thảo đề mục, font chữ tên đoàn phim, diễn viên, đạo diễn, ê kíp hậu trường, lời bài hát chạy lên ở đầu và cuối phim đều thực hiện thủ công. Đối với ngày nay thì công việc này thực hiện trên máy tính bằng phần mềm rất dễ dàng. Còn ngày đó phương tiện và công nghệ còn thô sơ, nên phải chơi chiêu “chế đồ”. Như với font chữ, họ mời một nhà viết thư pháp tới hỗ trợ.
Nghệ nhân này sẽ viết những nội dung yêu cầu lên một tờ giấy kiếng trong suốt, sau đó áp lên trên màn ảnh cho khán giả đọc
Do đó, toàn bộ chữ từ đầu tới cuối phim đều là chữ viết tay. Đây cũng là một bí ẩn hết sức thú vị và ngạc nhiên hơn nữa, nghệ nhân thư pháp tài hoa lại là thư ký trường quay Mã Lệ Châu được đạo diễn Dương Khiết mời đến làm trợ thủ đắc lực.
BI VI
Nguồn : Gamesao