Công ty này từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới. Nhưng hiện tại, BlackBerry sẽ dừng việc sản xuất điện thoại và tập trung vào gia công phần mềm cho các đối tác.
Thật ra, 'cái chết' của BlackBerry đã được dự đoán từ trước giống như trường hợp một ông lớn khác của thị trường di động là Nokia. Cả hai công ty này đã từng đứng trên đỉnh cao của thị trường di động nhưng rồi lần lượt bị vượt qua bởi Samsung, Apple.
Trước khi đưa ra quyết định này, BlackBerry từng cố gắng thực hiện những lựa chọn khác như sử dụng hệ điều hành Android của Google cho những chiếc điện thoại của công ty. Tuy nhiên, hiệu quả của việc chuyển đổi này không đủ để BlackBerry tiếp tục giữ lại mảng phần cứng.
Giám đốc điều hành John Chen cho biết: 'Công ty có kế hoạch chấm dứt hoạt động tất cả bộ phận phần cứng và sẽ thuê các đối tác làm việc này'. Nghĩa là, trong tương lai vẫn có những chiếc điện thoại BlackBerry trên thị trường nhưng sẽ do một đối tác của công ty thực hiện phần cứng, BlackBerry chỉ chịu trách nhiệm về phần mềm cho các thiết bị. Việc đóng cửa bộ phận phần cứng sẽ tiết kiệm một số tiền lớn cho chi phí hoạt động của công ty.
BlackBerry hi vọng rằng họ có thể hồi sinh bằng cách tập trung vào phần mềm, mảng kinh doanh mà BlackBerry có kinh nghiệm và uy tín.
BlackBerry đã từng là một hiện tượng văn hóa - tạo cảm hứng cho trào lưu 'Crackberry': cập nhật email theo thời gian thực. Cùng với đó, BlackBerry Messenger cũng trở thành công cụ liên lạc hàng ngày được nhiều người dùng yêu thích.
Tuy nhiên, khi trào lưu điện thoại cảm ứng xuất hiện với những tên tuổi như Samsung, Apple, BlackBerry đã tỏ ra quá chậm chạp. Những nỗ lực quá muộn màng của BlackBerry gần đây chỉ tô điểm thêm cho sự 'bi tráng' của một thương hiệu đã đi dần vào quá khứ.
Theo VnReview