Khoảnh khắc mở ra kỷ nguyên vàng của smartphone.
Theo Telegraph, chiếc iPhone đầu tiên được ra mắt vào 10 năm trước trông khác rất xa với hiện nay và chỉ sở hữu những tính năng hết sức cơ bản. Khi đó, iPhone đời đầu được miêu tả như là một 'thiết bị kết hợp giữa máy nghe nhạc iPod và điện thoại, có màn hình có thể xem phim và chương trình truyền hình, chụp ảnh với camera 2 MP, lướt web với trình duyệt, gửi email và tin nhắn văn bản'.
Tuy nhiên, vào thời điểm ra mắt, iPhone thật sự được coi là một sự thần kỳ của làng công nghệ. Màn hình cảm ứng, trình duyệt web hay hỗ trợ nghe nhạc đều không phải là mới với các nhà sản xuất điện thoại khác nhưng họ chưa bao giờ có thể đạt tới mức tiện lợi và dễ sử dụng như iPhone của Apple.
Hình ảnh của iPhone đời đầu.
Việc iPhone ra đời được cũng được coi là dấu mốc mở ra kỷ nguyên vàng của smartphone với sự thống trị của Apple. Trong năm 2009, Apple đã vượt mặt Nokia để trở thành hãng sản xuất điện thoại có lợi nhuận lớn nhất thế giới. Tới năm 2011, Apple đã trở thành hãng điện thoại có doanh số lớn nhất thế giới.
Kể cả cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008 cũng không thể ngăn được bước tiến của Apple khi hãng đã vượt qua cả tập đoàn dầu khí Exxon Mobil để thành công ty có vốn hóa lớn nhất trên thị trường trong năm 2011.
Mặc dù iPhone đã thành công trong việc đánh bại các dòng điện thoại cơ bản nhưng điều đó không có nghĩa là sự cạnh tranh sẽ dừng lại. Ngay sau khi nhận thấy tiềm năng của thị trường smartphone, hàng loạt hãng như Samsung, HTC hay Motorola đã nhảy vào với các mẫu điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android của Google.
Apple đã chế nhạo những điện thoại của các hãng kể trên là đồ sao chép và ông Steve Jobs, CEO Apple khi đó, thậm chí còn gọi Android là một 'sản phẩm ăn cắp'. Tuy nhiên, các smartphone, đặc biệt là smartphone giá rẻ chạy trên nền tảng Android đã được rất nhiều người dùng ưa chuộng và làm thị trường smartphone bùng nổ một cách nhanh chóng.
Dù vậy, không phải hãng smartphone Android nào cũng thành công. HTC là hãng tung ra chiếc smartphone Android đầu tiên trên thế giới đã gặp vô số thất bại trong những năm sau đó. Amazon đã phát hành một chiếc smartphone vào năm 2014 nhưng đó lại là chiếc duy nhất của hãng. Google đã trả 12,5 tỉ USD để mua Motorola vào năm 2012 để trở thành nhà sản xuất smartphone nhưng đã phải nhanh chóng bán lại với giá chỉ 3 tỉ USD vào 2 năm sau đó.
Kể cả 2 ông lớn một thời là Nokia và BlackBerry cũng không khá khẩm gì. BlackBerry dù đặt ra tham vọng lớn nhưng các smartphone của hãng đều không có gì nổi bật. Trong khi đó, Nokia thậm chí đã phải bán bộ phận smartphone cho Microsoft vào năm 2013. Dù vậy, vẫn có những hãng smartphone Android đủ sức thách thức Apple như Samsung.
Doanh số bán smartphone trên toàn cầu theo từng năm.
Năm 2010, doanh thu bán smartphone trên toàn thế giới đã tăng trưởng tới một mức không tưởng là 76% và liên tục tăng trưởng ở mức cao trong những năm sau đó. Năm 2013, doanh số bán smartphone trên toàn cầu đã lên tới 1 tỷ chiếc và năm 2014 con số này đã tăng lên thành 1,3 tỷ chiếc. Giai đoạn 5 năm từ 2010 đến 2014 được coi là thời kỳ đỉnh cao trong kỷ nguyên vàng của smartphone.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng nhanh của thị trường smartphone đã bị chặn lại vào năm 2015. Công ty nghiên cứu thị trường IDC cho biết là tốc độ tăng doanh số bán smartphone trên toàn cầu trong năm 2015 đã giảm xuống còn 10,4% từ 28% trong năm 2014. Tốc độ này thậm chí còn chậm hơn nữa trong năm 2016 và có thể là cả năm 2017.
Doanh thu của Apple tụt giảm vì iPhone thiếu đột phá trong 3 năm qua.
Bạn chỉ có thể thấy rõ sự chững lại của thị trường smartphone khi nhận ra đến cả Apple cũng có dấu hiệu hụt hơi. Doanh số bán iPhone của Apple đã giảm trong 3 quý gần đây và 2016 cũng năm đầu tiên sau 15 năm, doanh thu của Apple bị sụt giảm so với năm trước.
Trong khi đó, hãng smartphone Android lớn nhất là Samsung cũng có một năm 2016 không thể tệ hại hơn với bê bối cháy nổ của Galaxy Note 7. Hãng đã phải thu hồi Galaxy Note 7 tới 2 lần và cuối cùng quyết định khai tử smartphone này. Thất bại này đã khiến Samsung thiệt hại hàng tỷ USD.
Ba năm trước, Samsung và Apple chiếm tới hơn một nửa thị phần smartphone toàn cầu nhưng hiện giờ cả hai chỉ còn chiếm chưa đầy 1/3.
Ranjit Atwal, giám đốc của hãng nghiên cứu thị trường Gartner nhận định nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng smartphone chậm lại là do thị trường đã phát triển quá nhanh tới mức ít ai ngờ tới.
'Việc chuyển đổi từ điện thoại cơ bản sang điện thoại thông minh đã bùng nổ trong vòng khoảng 3 tới 4 năm qua, kể cả trong các thị trường phát triển lẫn đang phát triển', ông Atwal nói, 'Số người mua smartphone lần đầu đang ngày một ít đi, từ đó dẫn tới sự bão hòa trên thị trường hiện nay'.
Người dùng đang ngày càng chán smartphone.
Bên cạnh đó, việc các nhà sản xuất smartphone ít đưa ra được các cải tiến đột phá cũng góp phần làm chậm lại đà tăng trưởng. Trong 3 năm gần đây, Apple đã sử dụng cùng một kiểu thiết kế iPhone, điều chưa hề có tiền lệ. Trong khi đó, các cập nhật về cấu hình được Apple đưa ra cho iPhone đều không có gì đột phá.
Ngoài ra, sự gia tăng của các hãng sản xuất smartphone giá rẻ với cấu hình cao của Trung Quốc cũng làm trầm trọng hơn vấn đề. Người dùng không có lý do gì để nâng cấp khi các smartphone mới ra có giá đắt nhưng lại sở hữu cấu hình không hơn gì so với smartphone giá rẻ hiện tại của họ.
Việc người dùng ít có nhu cầu nâng cấp hơn thật sự là một mối nguy vì có thể khiến thị trường smartphone đi vào vết xe đổ thị trường máy tính khi các chu kì thay thế chậm hơn và ngày càng thiếu đi các công nghệ mang tính cách mạng. Việc doanh số bán chậm lại sau 5 năm tăng trưởng nhanh là dấu hiệu dễ thấy cho việc này.
Để tránh việc này, các nhà sản xuất chỉ cần đơn giản là làm cho smartphone tiếp theo của họ trở lên hấp dẫn hơn nhiều so với các sản phẩm trước đó. Tuy nhiên, việc này lại thật sự khó trong bối cảnh thiếu các công nghệ đột phá hiện nay. Các nhà sản xuất hiện chỉ quanh quẩn trong việc nâng cấp chip hoặc camera trong khi một trong những điều được người dùng mong muốn cải thiện nhất trên smartphone là thời luợng pin thì gần như không có cải tiến nào đáng kể.
Trước khó khăn chung, nhiều hãng smartphone cũng đang dần chuyển sang thử sức với các lĩnh vực khác như HTC bắt đầu nhảy vào thị trường thiết bị thực tế ảo hay Samsung đang cố gắng xác lập vị trí của mình trong lĩnh vực IoT (vạn vật kết nối).
Trong khi đó, Apple đã thử mở rộng vào thị trường smartwatch với mẫu Apple Watch dẫn đầu trong suốt những năm qua và tập trung phát triển phần mềm với việc doanh thu hãng kiếm được từ kho ứng dụng App Store đã tăng 40% trong năm 2016.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có lĩnh vực mới nào có thể tạo ra hẳn một kỷ nguyên vàng như smartphone. Thực tế là cuộc cách mạng smartphone được Steve Jobs bắt đầu vào 10 năm trước với iPhone là rất khó để có thể sao chép.