Trung Quốc sử dụng cây ATM nhận dạng khuôn mặt. (Nguồn: Daily Mail)
Các cây ATM tại ba chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) ở thành phố Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, đã bắt đầu được ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để thay thế thẻ ngân hàng trong mỗi giao dịch rút tiền hoặc gửi tiền.
Bên cạnh ABC, China Merchants Bank (CMB, Ngân hàng Chiêu Thương Trung Quốc) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (Construction Bank of China) cũng đã tích hợp công nghệ mới mẻ này vào mạng lưới ATM.
Với công nghệ mới, tất cả những gì khách hàng phải thực hiện là nhấn vào nút kích hoạt hệ thống nhận dạng khuôn mặt, quét khuôn mặt thông qua camera, nhập số điện thoại di động hoặc số thẻ căn cước (ID), nhập vào số tiền cần giao dịch và mật khẩu.
Theo ABC, công nghệ này có thể loại trừ nguy cơ sao chép trái phép thông tin thẻ cũng như khả năng ATM “nuốt” thẻ, đồng thời nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Các chuyên gia kỹ thuật của ABC khẳng định công nghệ nhận dạng khuôn mặt có độ an toàn cao bởi vì công nghệ này cũng đòi hỏi số ID hoặc số điện thoại di động và mật khẩu.
Bên cạnh đó, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng cũng sẽ được so sánh với hình ảnh được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) của cơ quan công an. Ngoài ra, camera hồng ngoại thế hệ mới nhất cũng có khả năng hạ thấp nguy cơ về các hành vi trái pháp luật.
ABC hạn chế mức rút tiền tối đa xuống 3.000 NDT (khoảng 457 USD) khi khách hàng sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác thực các giao dịch. Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc dự kiến sẽ tích hợp công nghệ này vào các cây ATM tại 24.064 chi nhánh trên toàn quốc.
ABC không phải là ngân hàng đầu tiên ở Trung Quốc ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại ATM. Năm 2015, CMB đã bắt đầu triển khai công nghệ này tại thành phố Thâm Quyến. Năm 2016, CMB đã tích hợp công nghệ vào khoảng 1.000 chiếc ATM tại 106 thành phố trên toàn Trung Quốc.
Tuy nhiên, công nghệ này cũng gặp phải một số rào cản nhất định, chẳng hạn như chi phí bảo trì cao. Ngoài ra, theo Viện nghiên cứu Thành phố thông minh Quý Châu (GSCRI), nhiều khách hàng lớn tuổi có thể cảm thấy khó có thể tin tưởng hoặc làm quen với công nghệ này trong các giao dịch rút tiền. Song GSCRI vẫn khẳng định việc công nghệ này trở nên phổ biến trong xã hội chỉ còn là vấn đề thời gian. GSCRI cho biết trong tương lai, thanh toán bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và thanh toán di động sẽ là lựa chọn tất yếu của người tiêu dùng.
Tại Trung Quốc, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã thúc đẩy sự sáng tạo trong hoạt động ứng dụng công nghệ này theo rất nhiều cách khác nhau. Thí dụ, Công viên Thiên đàn (Tiantan) ở Bắc Kinh đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại hệ thống nhà vệ sinh công cộng để ngăn chặn hành vi đánh cắp giấy vệ sinh.
Tại thành phố Tế Nam, cảnh sát giao thông đã triển khai máy quét khuôn mặt tại các giao lộ để bắt giữ và bêu tên những người đi bộ không chấp hành luật giao thông. Các siêu thị ở một số thành phố lớn đã ứng dụng công nghệ này tại khu vực gửi đồ của khách hàng.
Đại học Sư phạm Bắc Kinh tháng 4/2017 đã bắt đầu triển khai những chiếc máy quét khuôn mặt đầu tiên và mở rộng phạm vi ứng dụng tại tất cả các phòng ở ký túc xá trong kỳ nghỉ Hè. Hiện nay, hình ảnh khuôn mặt của 70% sinh viên thuộc trường đại học này đã được ghi vào hệ thống CSDL.
Theo Đại học Sư phạm Bắc Kinh, quét khuôn mặt sẽ là một trong những thủ tục bắt buộc đối với tất cả các các sinh viên năm thứ nhất mới nhập trường./.