Theo ghi nhận từ Cnet, nhận diện khuôn mặt không chỉ là công nghệ dành cho iPhone X mà sẽ tạo ra cuộc cách mạng về bảo mật tại sân bay, đưa hộ chiếu và dãy người xếp hàng dài dằng dặc trở thành quá khứ.
Nhận dạng sinh trắc học tại sân bay dần phát triển ở nhiều quốc gia
Úc là một điểm đến du lịch lý tưởng, nhưng du khách từ các châu lục khác sẽ mất rất nhiều thời gian để đặt chân đến đây bằng máy bay (có thể là cả ngày). Và ngay cả khi đã xuống máy bay, họ vẫn phải tiếp tục đối mặt với “cơn ác mộng” tiếp theo: Xếp hàng làm thủ tục.
Đó là lý do Bộ Nội vụ Úc đang đi đầu trong công nghệ kiểm soát xuất nhập cảnh thông minh. Năm 2007, họ đã giới thiệu SmartGate – cổng đọc hộ chiếu, quét khuôn mặt và xác minh đối tượng tại 8 sân bay quốc tế lớn trong nước.
SmartGate áp dụng cho nhà ga đến vào năm 2007, đến năm 2015 thì mở rộng ra cho cả nhà ga đi. Trong giờ cao điểm, một SmartGate có thể xử lý 150 hành khách mỗi giờ, nghĩa là một người được xử lý thủ tục chỉ trong vòng 24 giây.
Theo hệ thống SmartGate, du khách đến Úc vào quầy thủ tục để quét hộ chiếu điện tử. Hộ chiếu này vẫn có các trang giấy thông thường, nhưng tên, quốc tịch và ảnh mặt kỹ thuật số của du khách được lưu trữ trên một vi mạch nhúng vào trang trung tâm.
Sau khi quét hộ chiếu điện tử, du khách đến SmartGate để quét mặt. Nếu quá trình quét khớp với ảnh hộ chiếu quét tại quầy thủ tục, họ có thể đi qua, rất tiện lợi. Tuy nhiên, chính phủ muốn làm quá trình này diễn ra nhanh hơn nữa.
Tháng 5 – 6/2017, thử nghiệm công nghệ nhập cảnh “không tiếp xúc” đầu tiên trên thế giới được Úc tiến hành. Theo đó, hệ thống sẽ xác định danh tính du khách bằng cách kết hợp khuôn mặt với dữ liệu đã được lưu trữ, cho phép họ đi qua khu vực nhập cảnh mà không cần trình bày bất kỳ loại hộ chiếu hoặc tài liệu du lịch bằng giấy nào.
Đồng thời, sinh trắc học (khuôn mặt) không chỉ được sử dụng để kiểm tra nhập cảnh. Sân bay Sydney hợp tác với Qantas – hãng hàng không lớn nhất nước áp dụng nhận dạng khuôn mặt để đơn giản hóa quy trình khởi hành.
Thử nghiệm mới được tiến hành như sau: Hành khách của Qantas sẽ quét khuôn mặt và hộ chiếu tại quầy làm thủ tục. Sau đó, họ không cần xuất trình hộ chiếu nữa mà chỉ cần quét khuôn mặt khi đi vào phòng chờ và lên máy bay tại cổng. Lúc này, khuôn mặt đã trở thành hộ chiếu và thẻ lên máy bay.
Ngoài Úc, Mỹ và một số nước châu Âu cũng đang tiến hành phát triển những công nghệ tương tự.
Công nghệ sinh trắc học mang lại nhiều lợi ích
Ở thế kỷ 21, con người được thay thế bằng cổng tự động và máy ảnh sinh trắc học có khả năng lập bản đồ khuôn mặt rồi kết hợp với ảnh hộ chiếu đã lưu trữ.
Không chỉ đơn giản là cải thiện tốc độ và sự tiện lợi nhằm tối ưu trải nghiệm cho du khách, công nghệ sinh trắc học giúp nhân viên an ninh dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động thu thập thông tin tình báo, cưỡng chế và theo dõi đối tượng quan trọng – vốn là chìa khóa để ngăn chặn các mối đe dọa ở biên giới.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy nhân viên kiểm tra không thể nhận dạng 1/7 khuôn mặt ứng với ảnh trong hộ chiếu, tức tỷ lệ thất bại lên đến 14%, do con người đôi khi rơi vào tình trạng mệt mỏi hay căng thẳng, còn máy móc thì không.
Những rủi ro về bảo mật
Dĩ nhiên, không có gì là hoàn hảo. Công nghệ mới vẫn đi kèm với rủi ro. Dữ liệu nhận dạng sinh trắc học có thể sẽ được lưu trữ trên đám mây và chia sẻ trên hệ thống của nhiều chính phủ, nghĩa là có khả năng bị truy cập bởi nhiều người hơn. Lượng dữ liệu lớn như vậy cũng là mục tiêu hấp dẫn với giới tin tặc.
Điều gì sẽ xảy ra nếu các hệ thống này bị xâm nhập? Bạn có thể đổi mật khẩu hệ thống, nhưng bạn không thể thay đổi khuôn mặt. Đồng thời, một số chuyên gia về công nghệ thông tin và an ninh đã cảnh báo máy quét sinh trắc học có thể bị đánh lừa bởi phép hóa trang.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Úc cho biết công nghệ sinh trắc học có tỷ lệ thành công cao. Thử nghiệm tiến hành trên 2.000 du khách được quét khuôn mặt tại sân bay quốc tế Canberra cho tỷ lệ thành công trung bình 94% và không có lỗi nhận diện danh tính xảy ra.
Sinh trắc học sẽ là xu thế của tương lai
Sinh trắc học đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Camera trong căn nhà thông minh có thể nhận diện khuôn mặt, camera cảm biến độ sâu có thể mở khóa iPhone. Thậm chí, thương hiệu thức ăn nhanh KFC đã cài đặt công nghệ “cười để trả tiền” sử dụng khuôn mặt thực khách để xác minh thanh toán.
Chính phủ Úc còn có kế hoạch sử dụng bằng lái xe để tạo ra cơ sở dữ liệu sinh trắc học nhằm giúp các cơ quan thực thi pháp luật nhanh chóng xác định khuôn mặt tội phạm từ camera giám sát.
Rất có thể, chẳng bao lâu nữa, bạn sẽ không phải lo lắng về việc lỡ để quên hộ chiếu ở nhà khi bước ra sân bay. Bạn có thể bước vào một quốc gia mà không mang theo hộ chiếu hay thậm chí là chẳng cần nói với ai câu nào.
Tech Funny