Vào năm 2011 Apple đã từng đăng ký một bằng sáng chế có tên là 'viền màn hình thông minh và MacBook có thể tái thiết lập sống' và đây cũng là các sáng chế đầu tiên về MacBook sử dụng bàn phím ảo.
Gần đây Văn phòng sáng chế và thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã tiếp nhận những tài liệu tinh chỉnh sáng chế và bổ sung nhiều sáng chế mới để bảo vệ phát minh này. Những động thái này cho thấy Apple vẫn đang theo đuổi ý tưởng này và biết đâu trong tương lai những thứ trên giấy sẽ xuất hiện trên sản phẩm thật của táo mẻ?
Trong hình mô tả số 6, Apple mô tả về một hệ thống sử dụng các cảm biến ánh sáng và cảm biến rung để tạo ra một loại bàn phím ảo hoặc các thiết lập theo tình huống (giống Touch Bar hiện tại) hỗ trợ khi chúng ta chơi game, chơi nhạc … Hình số 10B thì cho thấy thiết kế của một thiết bị giống laptop (MacBook) sở hữu bàn phím ảo có thể thay đổi các nút chức năng theo tình huống.
Theo các tài liệu bổ sung, Apple bổ sung loạt mô tả sáng chế như sau:
- Mô tả sáng chế số 1: Liên quan đến màn hình, vỏ máy và bàn phím ảo: sẽ có nhiều cảm biến được tích hợp dưới vỏ máy, các cảm biến sẽ nhận tín hiệu nhập liệu từ vỏ máy và từ đó nhiều thiết bị đầu ra tích hợp sẽ phản hồi tương ứng.
- Mô tả sáng chế số 4: Bổ sung cho mô tả sáng chế số 1: loạt cảm biến tích hợp này là cảm biến điện dung, có thể nhận tín hiệu nhập vào từ ngón tay thông qua vỏ máy.
- Mô tả sáng chế số 5: Thiết bị như ở mô tả số 4, các cảm biến điện dung sẽ gởi tín hiệu đến các thiết bị đầu ra, ở đây là những thiết bị phát sáng có thể làm sáng vỏ máy.
- Mô tả sáng chế số 6: Bổ sung cho mô tả số 5 trong đó những nguồn sáng sẽ phát lên vỏ máy những dấu hiệu có thể thay đổi được dựa trên chế độ nhập liệu mà thiết bị đang hoạt động.
- Mô tả sáng chế số 7: Bổ sung cho mô tả số 1, phần vỏ máy sẽ bao gồm một bề mặt phẳng mượt không khoảng trống, bao phủ bên ngoài loạt cảm biến thu nhận tín hiệu đầu vào và các thiết bị đầu ra.
- Mô tả sáng chế số 8: Một chiếc bàn phím có thành phần gồm một lớp vỏ bọc ngoài và một loạt các cảm biến điện dung nằm bên dưới. Các cảm biến điện dung được thiết lập để nhận tín hiệu nhập liệu từ hành vi chạm (touch) thông qua lớp vỏ ngoài. Kế đến một loạt các thành phần tạo phản hồi xúc giác nằm dưới lớp vỏ ngoài được thiết lập để rung phản hồi với mỗi thao tác chạm nhận được bởi các cảm biến điện dung.
- Mô tả sáng chế số 10: Bổ sung cho mô tả số 8, trong đó lớp vỏ ngoài của bàn phím được làm bằng nhựa.
- Mô tả sáng chế số 14: Một thiết bị điện tử bao gồm một lớp vỏ đóng vai trò là bề mặt nhập liệu, được thiết lập để nhận các thao tác chạm ở nhiều chế độ nhập liệu khác nhau. Một loạt các cảm biến nằm bên dưới bề mặt nhập liệu này sẽ nhận biết thao tác chạm và một loạt các thiết bị phát sáng tích hợp sẽ chiếu những dấu hiệu lên bề mặt nhập liệu, những dấu hiệu này có thể thay đổi dựa trên chế độ nhập liệu.
- Mô tả sáng chế số 17: Bổ sung cho mô tả số 14 trong đó các dấu hiệu được chiếu lên bề mặt nhập liệu có thể là một layout bàn phím QWERTY và tùy theo chế độ nhập liệu, các dấu hiệu sẽ thay đổi theo.
- Mô tả sáng chế số 18: Bổ sung cho mô tả số 17 trong đó các dấu hiệu được chiếu lên bề mặt nhập liệu cho phép điều khiển các ứng dụng đa phương tiện, chẳng hạn như một nút Play trong một chế độ nhập liệu khác.
Chung quy lại là Apple muốn nhắc đến một dạng bàn phím cảm ứng, bề mặt được làm bằng nhựa, layout bàn phím được chiếu lên bề mặt cảm ứng bằng đèn và layout này có thể thay đổi tương ứng với ứng dụng, giống như concept của thanh Touch Bar trên MacBook Pro mới. Liệu chăng trong tương lai, Apple sẽ giới thiệu một chiếc MacBook Pro không còn bàn phím vật lý? Anh em nghĩ thế nào về một thiết bị như vậy?
Theo: Patently Apple