Nâng cao vị thế của CNTT trong cải cách hành chính
Hoạt động của KTNN thời gian qua đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, góp phần làm cho nền kinh tế phát triển lành mạnh hơn, sức 'đề kháng' tốt hơn. Trong đó, KTNN không ngừng đổi mới để đáp ứng tốt hơn yêu cầu đặt ra với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt công tác CCHC, từ công tác xây dựng thể chế và chỉ đạo điều hành, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa hành chính cho đến xây dựng nguồn nhân lực.
Những nỗ lực này của KTNN cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí, đánh giá cao khi cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của KTNN: KTNN đã triển khai tích cực, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. KTNN đã có nhiều đổi mới trong phương pháp kiểm toán, cải cách TTHC, áp dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, góp phần tăng cường công tác quản lý và chấn chỉnh kỷ luật tài chính; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; cung cấp nhiều thông tin để Quốc hội, Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Để làm được điều này, trong bối cảnh đẩy mạnh CCHC, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước và xu thế hiện đại hóa KTNN trên thế giới hiện nay, định hướng hiện tại cũng như lâu dài của KTNN là chú trọng nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động, từ đó thúc đẩy nền hành chính công hiện đại, phục vụ tốt hơn yêu cầu của nhân dân. Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã được xây dựng và ban hành, trong đó nêu rõ mục tiêu là nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.
Đặc biệt, Chiến lược cũng xác định 3 trụ cột phát triển, trong đó 'Công nghệ đóng vai trò then chốt, thiết lập, định hướng cho quá trình xây dựng, hình thành các hệ thống nền tảng quản trị thông minh, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi quá trình chuyển đổi số trong tương lai…'.
Một trong những nội dung trọng tâm luôn được Tổng Kiểm toán nhà nước quán triệt toàn ngành tập trung thực hiện, đó là hiện đại hóa nền hành chính thông qua ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động công tác. Chỉ đạo về nội dung này, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh lưu ý, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, các giải pháp ứng dụng CNTT còn giúp kiểm toán viên nhà nước cũng như các đơn vị liên quan giảm tiếp xúc trực tiếp, từ đó giúp giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Theo đó, Tổng Kiểm toán nhà nước giao Trung tâm Tin học phối hợp xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá ứng dụng CNTT của các đơn vị phục vụ công tác đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm của KTNN.
Để hiện đại hóa nền hành chính, KTNN xác định quyết liệt triển khai thực hiện Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN; phấn đấu ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của KTNN, nhất là trong hoạt động kiểm toán. Chú trọng vấn đề bảo mật và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kiểm toán, tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) để số hóa dữ liệu, kết nối liên thông với nguồn dữ liệu của các địa phương, bộ, ngành và nguồn dữ liệu quốc gia; quản lý, vận hành hạ tầng CNTT đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, ổn định cho toàn bộ hệ thống mạng của KTNN; đẩy nhanh ứng dụng phần mềm số hóa và quản lý hồ sơ kiểm toán điện tử.
KTNN từng bước ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành cũng như hoạt động kiểm toán. (Ảnh: Huy Thành).
Triển khai Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT
Để triển khai một cách quyết liệt và có hiệu quả Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngành KTNN đã chia Chiến lược làm 3 giai đoạn, ngắn dài khác nhau, phù hợp với hoạt động của từng thời điểm.
Theo đó, giai đoạn 1 (2019-2020) đã hoàn thành với việc hoàn thiện môi trường làm việc điện tử trong ngành theo hướng tích hợp và chia sẻ dữ liệu; giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua việc ứng dụng các giải pháp văn phòng không giấy tờ, văn phòng điện tử; hoàn thành kết nối, liên thông với các phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại các bộ, ngành, địa phương; Hoàn thành các công cụ hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán; số hóa tài liệu thu thập được từ các đơn vị được kiểm toán và hồ sơ kiểm toán. Xây dựng hệ thống nền tảng và tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng về tài chính, đầu tư, DN; từng bước chuyển đổi sang điện toán đám mây ở mức hạ tầng; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng của KTNN; Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm toán trong môi trường số để cho phép KTNN được khai thác dữ liệu điện tử thuộc phạm vi kiểm toán tại các đơn vị được kiểm toán; tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Bước sang giai đoạn 2 (2021-2025), KTNN đang tích cực tập trung hoàn thành tích hợp, kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương trên diện rộng. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu tri thức, hình thành dữ liệu lớn (Big Data), dữ liệu mở của KTNN; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ số trong hoạt động kiểm toán và chỉ đạo điều hành nội bộ. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thực hiện tự động hóa một số nhiệm vụ kiểm toán (kiểm toán tài chính thường niên, kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN, các nhiệm vụ theo Luật quy định); Hoàn thành điện toán đám mây KTNN ở mức hạ tầng; quy hoạch và chuyển đổi từng bước các ứng dụng sang môi trường đám mây; thiết lập hệ thống quản trị an toàn thông tin toàn diện, thống nhất.
Phấn đấu đưa Trung tâm Dữ liệu của KTNN trở thành Hệ thống giám sát tài chính quốc gia; Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực các cấp của KTNN đảm bảo đủ năng lực triển khai, vận hành và khai thác sử dụng các hệ thống thông tin trong quá trình chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo đồng bộ, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn về đổi mới công nghệ; từng bước hội nhập, chia sẻ dữ liệu kiểm toán số với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, trước mắt là với Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI).
Tất cả nhằm chuẩn bị cho giai đoạn 3 (2026-2030) với mục tiêu hướng tới một môi trường kỹ thuật số bảo mật và tích hợp cao, cho phép KTNN triển khai các cuộc kiểm toán có chất lượng cao, gia tăng giá trị tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ cũng như giúp các đơn vị được kiểm toán hoạt động một cách hiệu quả.
Song song với đó, chuyển đổi từ kiểm toán thủ công, trên giấy sang kiểm toán trên dữ liệu với sự hỗ trợ của các công nghệ trí tuệ nhân tạo một cách chủ động. Tăng cường hoạt động 'tiền kiểm' một số lĩnh vực (dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, các chủ trương lớn, các chương trình mục tiêu quốc gia); Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, các công cụ tự động hóa và các nguồn dữ liệu mở để triển khai các cuộc kiểm toán có giá trị cải thiện chi tiêu công, mang tính dự báo, hoạch định kinh tế vĩ mô cũng như phát triển các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh; phát triển kỹ năng kiểm toán CNTT của kiểm toán viên; hoàn thiện hành lang pháp lý trong thời kỳ chuyển đổi sang kiểm toán số; hội nhập toàn diện, chia sẻ dữ liệu kiểm toán quốc tế trong các tổ chức: Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), ASOSAI và Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI).
Đồng thời, tích cực ứng dụng CNTT trong hoạt động đối ngoại, nhất là khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) khu vực châu Á - ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN đã tích cực đưa ra nhiều vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng công nghệ số 4.0 để tận dụng kho tri thức số sẵn có trên một số lĩnh vực kiểm toán như: kiểm toán môi trường, kiểm toán CNTT.
Tháng 9/ 2019, với tư cách là Chủ tịch ASOSAI, Đoàn Việt Nam đã tham dự Đại hội Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao lần thứ 23 tại thủ đô Matxcơva, Liên bang Nga. Trong đó, Việt Nam đã tích cực tham dự hai phiên thảo luận về các chủ đề 'Công nghệ thông tin đối với sự phát triển hành chính công' và 'Vai trò của các SAI trong việc đạt được mục tiêu và ưu tiên quốc gia'. KTNN Việt Nam đóng góp bài tham luận đăng trên website chính thức của Đại hội, tập trung làm rõ 03 đóng góp của KTNN trong việc hoàn thành các mục tiêu trọng tâm quốc gia: hoạt động kiểm toán nhà nước đã góp phần đánh giá tính kinh tế, hiệu quả trong quản lý tài chính của các Chương trình phát triển kinh tế, xã hội quan trọng của Quốc gia; góp phần đánh giá việc thực hiện các chủ trương chính sách lớn của Nhà nước trên nhiều lĩnh vực như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản và quản lý ngân sách; ngăn chặn kịp thời các sai phạm và gian lận trong quản lý tài chính và tài sản công.
Tham luận nhấn mạnh, hoạt động kiểm toán trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các mục tiêu quốc gia, đảm bảo nền tài chính công minh bạch và hiệu quả, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là góp phần vào việc duy trì tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam luôn ở mức cao trên 6%/năm đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên trong thời gian qua.
(https://ictvietnam.vn/)