Công tác cải cách hành chính được cộng đồng DN đánh giá cao
Theo Tổng cục Thuế, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã giúp ngành Thuế đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp (DN). Việc triển khai những dịch vụ thuế điện tử đã giúp DN giảm thời gian đi lại nộp hồ sơ, nộp tiền thuế; thông tin khai, nộp thuế của DN được lưu trên hệ thống của cơ quan Thuế có thể được tra cứu lại dễ dàng giúp giảm chi phí quản lý, DN cũng không phải cung cấp lại thông tin cho cơ quan quản lý đối với những hồ sơ điện tử đã nộp tới cơ quan Thuế.
Tính đến hết tháng 4/2021, ngành Thuế đã có 32 thủ tục hành chính (TTHC) đạt mức 3 và 150 TTHC đạt mức 4. Trong đó, tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đều có giải pháp xác thực điện tử bằng hình thức chữ ký số trên hồ sơ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử của người nộp thuế gửi đến cơ quan thuế nhằm đảm bảo an toàn thông tin.
Cũng đến cuối tháng 4/2021, đã có 99,7% số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử. Tỷ lệ đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử là 99% trên tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Tổng số DN tham gia hoàn thuế điện tử trên tổng DN hoàn thuế đạt tỷ lệ 97,38%.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ tích hợp Cổng Dịch vụ công của các Bộ, ngành với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ, đến nay, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ hoàn thành triển khai tích hợp 150 dịch vụ công trực tuyến về thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, vượt 61% so với chỉ tiêu mà Bộ Tài chính giao.
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã giúp ngành Thuế đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người dân, DN.
Ngành Thuế cũng phối hợp với các cơ quan đăng ký kinh doanh; đăng ký đất đai, hải quan, cơ quan Công an trao đổi thông tin giúp giảm thời gian xử lý TTHC, mang lại lợi ích thiết thực cho người nộp thuế.
Ngoài ra, với việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý đã giúp cán bộ thuế xử lý thông tin ngày càng tốt hơn, tạo thuận lợi cho việc chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ đó thời gian giải quyết hồ sơ sẽ được giảm thiểu.
Đánh giá về công tác cải cách TTHC thuế hiện nay, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, công tác cải cách, hiện đại hóa đang được ngành Thuế tiếp tục triển khai thực hiện. Việc hiện đại hóa công tác quản lý thuế được thực hiện từ khâu đăng ký thuế, đến khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế đều bằng phương thức điện tử. Thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu… đều được đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện đăng ký, khai thuế, nộp thuế, nhưng vẫn đảm bảo cơ quan thuế có đầy đủ thông tin quản lý cần thiết về người nộp thuế.
Đảm bảo hệ thống CNTT tốt nhất phục vụ thuận tiện cho người dân và cộng đồng DN
Cũng theo Tổng cục Thuế, hiện nay bên cạnh những kết quả đạt được thì hệ thống CNTT ngành Thuế đang đối mặt với nhiều thách thức. Có thể kể đến tình trạng hệ thống cung cấp dịch vụ thuế điện tử đôi khi bị quá tải, nghẽn mạng hoặc xử lý chậm do thói quen của nhiều người nộp thuế đến ngày cuối cùng của thời hạn mới thực hiện khai, nộp thuế. Do đó, hệ thống ứng dụng CNTT cung cấp các dịch vụ thuế điện tử phải tiếp nhận và xử lý một lượng giao dịch rất lớn tập trung vào các kỳ cao điểm.
Bên cạnh đó, việc triển khai cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp qua bộ phận một cửa liên thông chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân do việc triển khai giữa các cơ quan chưa được đồng bộ. Một số cơ quan chưa chấp nhận chứng từ hoặc các văn bản xác nhận nghĩa vụ thuế điện tử...
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc này, Tổng cục Thuế đã và đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật về thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng với những phương pháp tiếp cận dễ hiểu, dễ thực hiện các thủ tục về thuế để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.
Đồng thời, ngành Thuế đã và đang tiếp tục nâng cấp mở rộng băng thông, đường truyền, nâng cao chất lượng hạ tầng truyền thông để đảm bảo hệ thống CNTT tốt nhất phục vụ thuận tiện nhất cho người dân và cộng đồng DN.
Tổng cục Thuế cũng phối hợp với các Bộ, ngành ban hành các văn bản pháp lý, quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để đảm bảo tiến độ triển khai trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan trong việc cung cấp dịch vụ điện tử.
Trong giai đoạn 2021-2030, mục tiêu của ngành Thuế là phát triển hệ thống CNTT tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy cải cách hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước theo định hướng của Chính phủ về Chính phủ điện tử và chuyển đổi số.
Cùng với đó, ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ điện tử và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, từ đó, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thực hiện TTHC trong lĩnh vực thuế. Đồng thời, xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngành Thuế sẽ ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế.
Đồng thời, đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, tích hợp với hệ thống Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hệ thống của các bộ, ngành, tham gia, phối hợp thực hiện các TTHC một cửa liên thông điện tử; phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu.