Lai Châu là tỉnh biên giới, với đặc thù đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 86%, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Vùng đồng bào DTTS lại xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông đi lại hiểm trở càng khiến cho Lai Châu bị cô lập. Trước thực tế đó, trong những năm gần đây bằng nhiều chương trình của tỉnh và Trung ương, tỉnh Lai Châu đã tập trung đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống của bà con.
Một trong điểm nổi bật là tỉnh đã đầu tư phát triển hệ thống đài truyền thanh, loa truyền thanh cơ sở nhằm giúp nhân dân tiếp cận, nắm bắt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức, tự giác tuân thủ chấp hành pháp luật, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, đồng thời chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phát triển kinh tế -xã hội.
Đài truyền thanh cơ sở được mở rộng, phủ sóng rút ngắn khoảng cách tiếp cận thông tin của bà con giữa các vùng trong tỉnh
Theo Sở TT&TT tỉnh Lai Châu, từ nhiều năm qua, đài truyền thanh cơ sở đặt tại trụ sở xã, phường, thị trấn được kết nối với các loa ở khu dân cư, thôn bản giúp bà con nghe rõ, nắm bắt đầy đủ thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống, kinh tế địa phương. Nhiều thông tin hữu ích giúp người dân phòng, tránh và thực hiện kịp thời, hiệu quả như: việc phòng chống, khắc phục dịch Covid-19, mưa đá, gió lốc, tiến độ sản xuất nông nghiệp và tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho gia súc.
Giờ đây, đài truyền thanh cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả, truyền tải thông tin nhanh nhất đến với người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có 96 đài truyền thanh cấp xã, gần 760 cụm loa truyền thanh, trong đó có gần 260 cụm loa ứng dụng CNTT - viễn thông.
Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đầu tư, nâng cấp, đưa vào sử dụng thêm 34 đài truyền thanh cơ sở, trong đó tiếp nhận 6 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ mới do Bộ TT&TT tài trợ. Theo đó, 96/906 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đài truyền thanh cơ sở.
Hệ thống Đài truyền thanh cơ sở hoạt động từ 2,5 - 5 giờ mỗi ngày; mở rộng, phủ sóng nhằm rút ngắn khoảng cách tiếp cận thông tin của bà con giữa các vùng trong tỉnh. Qua đó, người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới được tiếp cận thông tin nhanh, chính xác góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an ninh - quốc phòng địa phương.
Thực tế cho thấy, hệ thống đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh đưa thông tin nhanh, chính xác đến với người dân vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới. Toàn tỉnh có 78% người dân nông thôn theo dõi thông tin từ hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Nhiều huyện quan tâm đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống đài truyền thanh cơ sở như: Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Tam Đường… Nhờ đó, bà con cập nhận thông tin nhanh nhạy, kịp thời.
Theo ông Trần Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lai Châu, trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có 96 đài truyền thanh cấp xã, gần 760 cụm loa truyền thanh, trong đó có gần 260 cụm loa ứng dụng CNTT - viễn thông.
Hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn đã giúp truyển tải nhanh nhất, chính xác và kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới đồng bào. Đặc biệt, từ hệ thống loa này, đã giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
'Loa truyền thanh có lợi là bà con đi làm nương cũng có thể nghe được. Hơn nữa, loa truyền thanh có thể len lỏi được đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch đã được các xã triển khai đến vùng dân tộc, phù hợp với địa phương để bà con có thể nghe được những thông tin từ Trung ương, tỉnh và huyện chỉ đạo. Qua hệ thống truyền thanh cơ sở, ý thức của bà con các dân tộc trong tỉnh được nâng cao rõ rệt; từ người già đến trẻ em đều đảm bảo các quy định của Bộ Y tế về 5K', ông Trần Văn Sáu cho biết.
Trong thời đại 4.0 như hiện nay, công chúng có thể tiếp cận thông tin từ nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, với tỉnh miền núi, biên giới, nhiều đồng bào DTTS như Lai Châu thì loa truyền thanh đã, đang mang đến những hiệu quả vượt trội. Tiếng loa như người bạn tâm tình, là món ăn tinh thần không thể thiếu với đồng bào.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hệ thống loa truyền thanh ở Lai Châu càng cho thấy hiệu quả, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương giữ vững thành quả 'vùng xanh', thực hiện hiệu quả 'mục tiêu kép' trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Hệ thống loa truyền thanh phát huy hiệu quả phòng chống dịch bệnh
Lai Châu hiện đang nằm trong số ít các địa phương thuộc 'vùng xanh' trên bản đồ Covid-19 của cả nước. Thành quả đó có sự góp công không nhỏ của việc tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh ở các địa phương, giúp người dân nâng cao ý thức, chung tay phòng, chống dịch bệnh, giữ bình yên cho mỗi bản làng.
Cư mỗi buổi sáng sớm và chiều tối hằng ngày, trên địa bàn biên giới xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, hệ thống loa tuyên truyền về nội dung phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19 lại vang lên bằng cả tiếng phổ thông và tiếng của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Mọi thông tin về dịch Covid-19 và những khuyến cáo dành cho người dân được cập nhật liên tục, mới mẻ.
Hệ thống loa truyền thanh đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.
Ông Giàng A Lình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Tè chia sẻ: 'Huyện vùng cao biên giới có rất đông đồng bào DTTS sinh sống. Ngoài các hình thức tuyên truyền miệng bằng tiếng dân tộc đến từng người dân, hộ gia đình, phát tờ rơi, hay thông qua các buổi họp bản, sinh hoạt chi bộ, công tác tuyên truyền bằng pa nô, áp phích, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cố định và di động cũng rất hiệu quả'.
Nói về điều này, anh Lỳ Hà Xu, bản Tù Nạ, xã Ka Lăng cũng bộc bạch: 'Được nghe tuyên truyền bằng tiếng của dân tộc mình, chúng tôi hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh và nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Từ đó, mọi người dân trong bản, trong xã đều nỗ lực, góp sức để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả'.
Ở xã Bản Giang, huyện Tam Đường, đều đặn mỗi sáng, chương trình phát thanh với các bản tin phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng cả 2 tiếng (phổ thông và dân tộc) lại vang lên từ các cụm loa ở khắp các bản làng. Tiếng loa vang vọng, được nối dài bởi hệ thống truyền thanh không dây, nên từ bản gần đến bản xa, khi ở nhà hay đang làm nương rẫy, người dân đều có thể nghe rõ.
Anh Lù Văn Tình, một người dân tại địa phương chia sẻ, dạo trước, hai vợ chồng anh trở về từ vùng dịch Bắc Giang và phải cách ly ở nhà. Thời gian đầu thực hiện cách ly, mọi người trong gia đình ai cũng rất hoang mang, lo lắng. Qua nghe hướng dẫn về cách phòng, chống dịch bệnh trên loa phát thanh của xã, bản, anh và vợ đã xin ra ở cách ly tại lán nương để đảm bảo an toàn cho gia đình và bà con trong bản. 'Hàng ngày tôi được nghe loa tuyên truyền về phòng, chống dịch nên tôi chấp hành tốt việc cách ly đúng theo quy định của Bộ Y tế'.
Bản Giang, thuộc xã Bản Giang, huyện Tam Đường có gần 150 hộ, với 700 nhân khẩu, đa phần là đồng bào dân tộc Giáy. Ông Lèng Văn Sơn, Trưởng bản Bản Giang cho biết, hàng ngày không chỉ được nghe các chương trình tiếp sóng của đài Trung ương, bà con còn được nghe các bản tin phòng, chống dịch do chính cán bộ xã sản xuất, nên rất gần gũi. Để bà con hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của dịch bệnh và cùng có ý thức phòng chống dịch, lãnh đạo bản còn dùng hệ thống loa truyền thanh đặt tại nhà văn hóa của bản để tuyên truyền bằng chính tiếng của đồng bào, qua đó, giúp bà con dễ nghe, dễ hiểu và dễ làm theo.
'Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho bà con về tác hại của dịch Covid-19 để bà con biết; cũng thường xuyên nhắc nhở bà con làm theo quy định của Bộ Y tế về thực hiện đúng 5K. Nội dung tuyên truyền thì theo định hướng của cấp trên, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền trên loa cho bà con rõ, để bà con thực hiện tốt nghĩa vụ phòng, chống dịch Covid-19'.
Toàn xã Bản Giang có 7 bản, chủ yếu 3 dân tộc Giáy, Dao và Mông sinh sống. Thời gian qua, xã đã tiếp nhận 55 trường hợp là lao động từ các tỉnh, thành phố trong cả nước về địa bàn. Nhờ tận dụng hiệu quả hệ thống 9 cụm loa truyền thanh trong tuyên truyền, phòng chống dịch Covid-19 mà đến nay, trên địa bàn không có ca bệnh xâm nhiễm.
Ông Đoàn Văn Nhưỡng, Chủ tịch UBND xã Bản Giang cho biết: 'Chúng tôi coi trọng và phát huy tối đa hệ thống loa truyền thanh không dây trên địa bàn đối với công tác phòng, chống dịch; xây dựng các bản tin từ 3 đến 5 phút, phát với thời lượng một ngày ba lần. Các bản tin tập trung vào việc biên soạn lại các văn bản chỉ đạo của các cấp ngắn gọn, dễ hiểu và tuyên truyền người dân thực hiện quy định về 5K. Do vậy, trong thời gian qua, việc phòng, chống Covid-19 trên địa bàn là tốt và ổn định'.