Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, tại buổi tọa đàm trực tuyến CTO Talks với chủ đề 'Kết nối trong đại dịch' do báo VnExpress tổ chức sáng nay 24/8.
Sử dụng tích cực, hiệu quả các nền tảng, giải pháp số trong thời gian tới
Theo Thứ trưởng Dũng, công nghệ đã góp phần quan trọng trong nhiều khâu, đầu tiên là bệnh viện tuyến trên với các tuyến dưới để tư vấn từ xa. Hiện đã có 2.000 điểm kết nối, đảm bảo 100% bệnh viện tuyến trung ương được kết nối với tuyến huyện. Đặc biệt có nhiều ứng dụng để kết nối chăm sóc sức khỏe, kết nối bác sĩ với bệnh nhân mà điển hình như ứng dụng VOV - bác sĩ 24.
Trong đợt dịch thứ tư này, công nghệ không chỉ giúp các bệnh viện kết nối với nhau, mà còn kết nối bác sỹ với người cần tư vấn, người khó khăn với người có khả năng giúp đỡ. Chúng ta đã phát triển, đưa vào ứng dụng, vận hành hiệu quả các nền tảng như Zalo Connect, tổng đài 1022, SOSmap … Đây là các công cụ số tiện ích, hữu dụng thể hiện tính nhân văn, phát huy các giá trị giúp đỡ, chia sẻ với người dân, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch bệnh. Zalo Connect hàng tháng đã có khoảng 50 triệu người dùng và hiện thị được số lượt những người trợ giúp; tổng đài 1022 mỗi ngày nhận khoảng 15-20 nghìn lượt gọi trợ giúp từ các khu phong tỏa…
'Với những ưu điểm này, chúng ta cần tăng cường, đẩy mạnh việc sử dụng hiệu quả các nền tảng, giải pháp số trong thời gian tới', Thứ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm trực tuyến
Đồng tình với các quan điểm của Thứ trưởng Dũng về các giá trị của ứng dụng công nghệ trong kết nối thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế cho rằng, với việc phòng chống dịch, giãn cách xã hội là tất yếu. Nhờ có các giải pháp, nền tảng công nghệ số mà những người lao động, người yếu thế không có thu nhập, không có việc làm được chia sẻ, giúp đỡ bớt khó khăn, giúp họ an tâm ở nhà giãn cách xã hội, không phải ra đường bươn trải. Khi giải quyết được bài toán an sinh xã hội, người dân sẽ an tâm, tuân thủ các biện pháp chống dịch. Đây là điều cấp thiết, kịp thời giúp đẩy lùi dịch bệnh.
Với vai trò là đơn vị tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch, thực hiện sứ mệnh chăn sóc, khám, chữa bệnh cho toàn thể người dân, thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo định hướng, xây dựng vận hành hiệu quả nhiều nền tảng số nhằm kết nối giữa các cơ sở y tế với người dân và người dân có thể dễ dàng liên hệ được với các bác sĩ các tuyến cơ sở hoặc có thể gọi trực tiếp đến đường dây nóng của Bộ Y tế.
'Các bác sĩ thông qua các nền tảng số đã tương tác, thăm khám, điều trị hiệu quả từ xa cho bệnh nhân, người dân, giúp họ yên tâm thực hiện việc giãn cách xã hội tại nhà', ông Nam nhấn mạnh.
Khẳng định vai trò của công nghệ trong việc kết nối thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay, chuyên gia công nghệ Tập đoàn Thyssenkrupp Industrial Solution AG (Đức), ông Nguyễn Đình Quân cho biết các nước hiện nay đều tập trung phát triển các ứng dụng công nghệ số, nhất là các nền tảng chăm sóc, tư vấn sức khỏe cho người dân.
Ở Đức hiện nay, các ứng dụng như hỗ trợ chẩn đoán điều trị bệnh, kết nối bệnh nhân với bác sĩ, hay đơn giản là tư vấn dinh dưỡng, lối sống lành mạnh đang lên ngôi, phát triển mạnh mẽ.
Cũng theo ông Quân, trước khi dịch bệnh Covid-19, theo quy định các công cụ tư vấn y tế qua video hoặc từ xa tại Đức chỉ dùng cho 20% bệnh nhân và cho 20% tổng số dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhưng khi xảy ra dịch bệnh Đức đỡ gỡ bỏ các giới hạn này.
Luật Y tế Đức quy định khi các ứng dụng được sử dụng sẽ cần phải được đánh giá rủi ro trước khi cấp phép. Bác sĩ cũng sẽ được bảo hiểm chi trả chi phí tư vấn qua ứng dụng – điều này giúp giải quyết thách thức về CĐS đối với y tế; giải quyết bài toán ai sẽ chi trả cho các ứng dụng y tế, đồng thời quy định rõ ràng về quyền riêng tư người dùng, tính bảo mật.
Hạn chế những tiêu cực
Song hành với những thành tựu đạt được từ các ứng dụng công nghệ, có thể nói, hiện nay vẫn còn tình trạng các nhóm lợi ích trục lợi đưa các thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội vì những động cơ không đúng đắn. Trước tình trạng này, trên quan điểm đại diện cơ quan quản lý, Thứ trưởng Dũng cho rằng, một vấn đề luôn có 02 mặt tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy được ghi nhận trong thời gian qua không nhiều, ước tính chỉ dưới 3%.
Khi các cơ quan quản lý phát hiện các tiêu cực này đã nhanh chóng phân loại, sàng lọc, xử lý nghiêm minh, đồng thời đã đưa ra các giải pháp tuyên truyền, vận động người dùng nâng cao nhận thức, cảnh giác với các tiêu cực. Chúng ta đã lồng ghép nhiều chương trình cụ thể như : 'Lời kêu cứu ảo', 'Không phải như thế', 'Không có người như thế tồn tại'… và các chiến dịch tuyên truyền này này đã đạt nhiều kết quả tích cực và đến nay các hiện tượng này không có dấu hiệu gia tăng hay có thể trở thành xu hướng phổ biến.
Đồng tình quan điểm với Thứ trưởng Dũng, ông Quân đề xuất thêm, vấn đề này chúng ta cần tăng cường các quy định về pháp luật, ràng buộc trách nhiệm với các nhà phát triển nền tảng và tăng cường các công cụ phát hiện cho người dùng trên các nền tảng công nghệ này.
Ứng dụng công nghệ để phục vụ người dân tốt nhất, hiệu quả nhất
Trên quan điểm tăng cường việc kết nối thông tin thông qua công nghệ số hiện nay, ông Quân cho rằng bên cạnh đà phát triển thì các sản phẩm ứng dụng công nghệ khi ra đời cần phải được ưu tiên, đảm bảo bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư.
Thứ trưởng Dũng nhấn mạnh, thực chất các nền tảng công nghệ số hay CĐS là để giải quyết các 'nỗi đau' của xã hội bằng công nghệ. Để làm tốt điều này cần sự chung tay hơn nữa của các chuyên gia, kiều bào, các công ty, tập đoàn công nghệ cùng tích cực vào cuộc.
Chúng ta đã chú trọng đến câu chuyện, vấn đề thể chế, minh bạch hóa việc bảo vệ thông tin cá nhân, dữ liệu người dùng. 'Phần mềm ứng dụng Bluezone là một điển hình về cơ chế áp dụng mã nguồn mở phù hợp với thực tiễn, quy định của pháp luật hiện nay', Thứ trưởng Dũng nêu ví dụ.
Các ứng dụng công nghệ số giúp tăng hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cũng theo Thứ trưởng Dũng, hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước khi triển khai chống dịch mục tiêu xác định cuối cùng là nhằm phục vụ mọi người dân tốt nhất, sử dụng công nghệ đơn giản, hiệu quả nhất. Do đó, các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước đã có những thống nhất nhằm giải quyết được bài toán tập trung dữ liệu và các ứng dụng liên thông dữ liệu với nhau theo một tiêu chuẩn. Ví dụ thời gian vừa rồi, các phần mềm thống nhất sử dụng một chuẩn QR code.
Đánh giá về sự cần thiết của mã QR code, ông Nam cho biết thêm, cần thống nhất mã QR code liên thông, cần thiết sớm phải có mã QR code riêng cho công tác phòng chống dịch - trong đó có các thông tin định danh được cụ thể đối với cá thể, người dân trên phần mềm phòng, chống dịch.
Ông Nam đề xuất, để tiếp tục duy trì các thành quả công nghệ mang lại hiện nay, Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia sẽ là đầu mối có vai trò tập hợp, thống kê các sản phẩm công nghệ đang được dùng, xem đâu là các sản phẩm ứng dụng tích cực, hiệu quả thì cần đẩy mạnh, tiếp tục phát huy hơn nữa đối với người dùng, đồng thời cần thiết bổ sung, xây dựng thêm các giải pháp số tập trung, đồng bộ, tránh việc thiếu tính liên thông, khó khăn cho người dùng, ngành y tế…
'Đặc biệt đối với các quy trình xử lý công nghệ cần có sự thống nhất đồng bộ với các phương pháp, cách thức triển khai; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dùng hiểu hơn ý nghĩa việc phòng, chống dịch', Cục trưởng Nam nhấn mạnh./.