Mỗi giai đoạn một trọng trách
Trong khảo sát hàng năm về vai trò của CIO do IDG thực hiện, ông Lê Trung Thành, Giám đốc số của IDG Việt Nam cho biết tổ chức này đã thực hiện khảo sát đối với 800 CIO ở các khu vực tư nhân, chính phủ, từ sản xuất tới công nghệ, tài chính, bán lẻ, y tế, dịch vụ. Kết quả cho thấy CIO có 3 vai trò chính: đảm bảo hoạt động CNTT xuyên suốt, chuyển đổi công nghệ và tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở các nước phát triển, chân dung CIO có vai trò toàn diện. Ở Việt Nam, vai trò CIO trong giai đoạn này đã có những thay đổi so với 10 năm trước ở thập niên 2010 để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Thừa Thiên Huế, vai trò CIO ở các giai đoạn là như nhau, tuy nhiên, về mặt thực tiễn và nhận thức thì mỗi giai đoạn khác nhau nên có cách làm khác nhau.
'Nếu như trước đây, Giám đốc CNTT phải loay hoay làm thế nào để có được hạ tầng CNTT đủ mạnh, hạ tầng cho các cá nhân làm CNTT được đầy đủ để triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước (CQNN), phục vụ cho công tác quản lý. Giờ đây, trong thời kỳ CĐS, công nghiệp 4.0, cách làm của CIO có thay đổi', ông Sơn cho hay.
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Xuân Sơn giới thiệu hoạt động của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế)
Theo ông Sơn, hiện nay, có 3 thuận lợi để thúc đẩy ứng dụng CNTT, CĐS đó là nguồn dữ liệu, thông tin ngày càng lớn, giúp cho việc phân tích, nhận định, cũng như lựa chọn một số lĩnh vực tập trung cho đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS. Tiếp theo là sự nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành đối với ứng dụng CNTT ngày càng cao nên CIO có được sự thuận lợi trong đồng hành với các ngành khác đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Thứ ba, các ngành đều đã nhận thức nếu mỗi ngành ứng dụng CNTT độc lập, riêng rẽ sẽ gây ra rủi ro lãng phí và không hiệu quả.
Với thuận lợi đó, ông Sơn cho rằng CIO phải xác định sự hợp tác với các ngành để huy động nguồn lực, xây dựng được một lộ trình, sự tham gia của các ngành cùng vào cuộc ứng dụng CNTT.
Cũng theo chia sẻ của ông Sơn, việc ứng dụng CNTT tại Thừa Thiên Huế được đẩy mạnh trong thời gian qua là nhờ nỗ lực dùng dữ liệu chứng minh được các vấn đề tỉnh cần giải quyết, dùng dữ liệu để thể hiện trách nhiệm, vai trò cũng như khả năng xử lý, quản lý của các cấp các ngành... Từ đó, hoạt động quản lý nhà nước của các ngành tại địa bàn được tăng cường. Các cấp lãnh đạo trong tỉnh hiểu được vai trò của ứng dụng CNTT, CĐS và cung ứng các nguồn lực để việc ứng dụng CNTT, CĐS phát triển, thuận lợi hơn.
'Các hoạt động của CQNN đều hướng tới phục vụ xã hội nên mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân giờ đây theo một phương thức mới, cách làm mới, theo đó, CIO có vai trò kết nối, tiếp thu các góp ý và cụ thể hóa bằng các sản phẩm, giải pháp công nghệ giúp cho người dân, DN cùng đồng hành và huy động được nguồn lực xã hội để CĐS', ông Sơn chia sẻ thêm.
Dòng chảy lớn yêu cầu CIO toàn diện hơn
Trong dòng chảy CĐS, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho biết vị thế của CIO bây giờ khác trước. Trước đây, CIO thụ động được chỉ đạo làm gì thì đáp ứng cái đó. CIO bây giờ là gần như là người xây dựng chiến lược, xây dựng nền tảng cho nền tảng để thực hiện tất cả những gì thuộc về CĐS nên CIO hiện nay đòi hỏi trọng trách và kiến thức đầy đủ hơn.
Ông Thắng nhấn mạnh: 'Trách nhiệm của CIO giờ đây là xuyên suốt và quan trọng đối với bất cứ đơn vị Nhà nước, DN nào, là vai trò nền tảng của nền tảng'.
Từng đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT LienvietPostbank và các vị trí cao nhất tại các công ty công nghệ, ông Thắng phân tích thêm, trước đây, CIO chỉ cần giỏi về CNTT là đã có thể đáp ứng được vị trí này. Giờ đây, CIO giỏi CNTT mà không hiểu biết về quá trình vận hành của một tổ chức, DN, quan hệ phối hợp giữa các nguồn lực của DN mà rộng hơn là cả hệ sinh thái thì CIO không thể kiến trúc được một hệ thống đảm bảo ứng dụng CNTT, chứ chưa phải là CĐS. 'CĐS là có thể thay thế tất cả những gì chúng ta đang làm, đó là ứng dụng CNTT rời rạc, bằng tay. Giờ đây, ứng dụng AI, chatbot để có thể thay thế dần các thao tác rời rạc nên CIO chỉ có kiến thức CNTT là không đủ'.
Chatbot đã được ứng dụng ở nhiều tổ chức, DN Việt Nam
'CIO ngoài kiến thức về công nghệ, nắm bắt ứng dụng mới, còn phải thấu hiểu về vận hành DN và cả khả năng thuyết phục nữa. Nhiều người đứng đầu tổ chức, DN hiện nay còn kiêm luôn vị trí CIO để lãnh đạo DN, tổ chức xuyên suốt, đồng bộ làm cho CĐS thành công. CIO giỏi CNTT rồi thì hãy học hỏi thêm kinh nghiệm tổ chức, vận hành, quan hệ, thuyết trình để có thể đảm nhiệm cả vị trí cao nhất của tổ chức', ông Thắng chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: CNTT ngày càng tham gia sâu và lớn vào các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt khi Việt Nam quyết đẩy mạnh CĐS. 'Dòng chảy to lên. Trách nhiệm, nhiệm vụ cũng phải lớn lên cùng với các yêu cầu cao hơn', ông Quang nhấn mạnh.
Chia sẻ từ khía cạnh là lãnh đạo startup công nghệ, ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập Got It cho biết Got It là một startup công nghệ số nên người đứng đầu cũng có thể kiêm CIO và phải dẫn dắt startup đi nhanh. 'Startup chỉ có lợi thế về tốc độ, bởi vì nguồn lực về vốn, con người là không có nhiều. Startup chỉ có thể tận dụng tốc độ để đi thật nhanh để đưa ra giải pháp. Trong thời đại số, mọi người nói đến dữ liệu, AI nên CIO có thể dựa trên hệ thống thu thập dữ liệu và đưa ra quyết định giờ đây dựa trên dữ liệu để tránh quyết định cảm tính'.
CIO trong mùa dịch
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, các chuyên gia ICT cho rằng các CIO cần chủ động sáng tạo các sản phẩm, giải pháp CNTT hiệu quả.
Ông Trần Việt Hùng cho biết đại dịch Covid-19 với số lượng người bị nhiễm và bị bệnh khổng lồ là một thách thức thật sự với hệ thống y tế ở bất kỳ quốc gia nào. Với số lượng bác sỹ và cơ sở y tế có hạn gây ra tình trạng quá tải và suy kiệt hệ thống y tế. Đây chính là cơ hội để công nghệ góp sức vào quá trình dập dịch bằng cách đưa ra các giải pháp tăng hiệu suất cho các hoạt động y tế, giảm tải cho đội ngũ y bác sỹ. Trên thế giới và ở cả Việt Nam cũng đã có rất nhiều sáng kiến công nghệ thực sự hiệu quả. Got It mong muốn đóng góp công sức bằng các giải pháp công nghệ.
Việc xây dựng hệ thống công nghệ thường kéo dài, có tính kết nối nhưng trong thời điểm dịch bệnh, thời gian hạn hẹp. Việc dập dịch như đánh giặc nên phải nhanh, giải pháp phải đơn giản nhất dù bài toán vô cùng phức tạp. Dự án 'Giúp tôi!' ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
'Triết lý về CĐS, thiết kế sản phẩm lúc này là phải đáp ứng nhu cầu chống dịch Covid-19. Thời điểm chống dịch như hiện nay đã làm sản phẩm công nghệ là phải đơn giản, hiệu quả và phải thần tốc vì không thể chần chừ được. Tất cả các thành phần CNTT cần phải hợp tác để làm sản phẩm lan toả', ông Hùng cho hay.
Theo ông Hùng, người dùng sản phẩm thấy có lợi thì sẽ dùng ngay, chả có quảng cáo, bơm tiền nào mà có thể giữ chân người dùng cả. Phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu 'nỗi đau' của người dùng là gì, cái gì giúp người dùng kiếm được nhiều tiền, giúp thuận tiện hơn và phải thực sự thì mới giữ chân được người dùng chứ miễn phí, giảm giá dùng xong lại thôi. Không chỉ ở Việt Nam mà ở Thung lũng Silicon cũng tương tự.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng: 'Một sản phẩm ứng dụng CNTT muốn đông người dùng thì phải đáp ứng nhu cầu của người dùng, chứ không phải từ ý tưởng của người sáng lập, CIO hay là của 1 DN. Chúng ta có thể nghĩ đến tại sao Facebook, TikTok lại lan tỏa nhanh như thế. Bởi vì, các nền tảng này đáp ứng đúng nhu cầu của người trẻ. Facebook đáp ứng nhu cầu về chia sẻ, là tấm gương ai cũng thấy cả, chả có quảng cáo nào tốt hơn là đáp ứng nhu cầu phục vụ người dùng, khách hàng, phục vụ tốt nhất thì sẽ lan toả.
Một thuận lợi cho người làm công nghệ là thời kỳ Covid được ông Thắng nêu là CNTT đã chứng minh lợi ích to lớn đối với tổ chức, người dân. Theo đó, DN, tổ chức cần tận dụng thời gian 'lặng' này để nhìn lại chính mình, nhận thấy chỉ có ứng dụng CNTT, CĐS mới sống còn và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong giai đoạn hậu Covid, DN có thể bắt tay ngay vào việc khắc phục những điểm còn yếu, chưa đầy đủ để CĐS nhanh hơn để phát huy năng lực, tính cạnh tranh của mình.
Các chuyên gia ICT cũng thống nhất cũng cho rằng, cần xây dựng các nhóm thiện nguyện CNTT để hỗ trợ hoạt động cứu trợ trước mắt là phòng chống Covid-19, sau này có thể hỗ trợ phòng thiên tai, bão lũ, đáp ứng kết nối, chia tải cho người dân nghèo. Các nhóm thiện nguyện CNTT nên được thành lập để các hoạt động thiện nguyện không bị trùng lặp. Dữ liệu phải được mở và cộng hưởng với nhau để tạo ứng dụng phục vụ cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo một cách tốt nhất./.