Sự thiếu hụt nguồn nhân lực IT đến từ nhiều phương diện: số lượng sinh viên ra trường không đủ cung ứng, đội ngũ nhân sự mới thiếu kỹ năng cần thiết và khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thiếu cả lượng và chất
Những năm gần đây, cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của xã hội, trong đó, CNTT ngày càng thể hiện vai trò then chốt trong phát triển các ngành kinh tế. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có bước đi đúng trong phát triển CNTT, dành sự quan tâm rất lớn đến lĩnh vực này. Từ năm 2000 đến nay, Thừa Thiên Huế xác định, phát triển CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn và đã đạt được những thành quả đặc biệt: Là một trong những địa phương của cả nước đi đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh, Thừa Thiên Huế nhiều năm liền đứng trong top đầu về chỉ số ICT Index - mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT…
Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định CNTT và truyền thông là đột phá, phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh theo cơ chế thị trường; hình thành khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao và các tổ chức nghiên cứu đủ sức giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) của vùng và quốc gia, trở thành trung tâm lớn của cả nước về KHCN. Đây là định hướng rất rõ ràng, song muốn hình thành một nền CNTT đủ mạnh, ngoài cơ sở vật chất, con người là yếu tố then chốt.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cho rằng, trong đề án phát triển nguồn lực CNTT, phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ bắt buộc: Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh cần 10.000 nhân lực CNTT phục vụ phát triển công nghiệp CNTT của tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế, “khát” nhân lực CNTT luôn là bài toán gây đau đầu cho rất nhiều DN.
Phó Giám đốc Brycen Việt Nam - Lê Hồng Sơn chia sẻ, sinh viên học xong đa phần đi các thành phố lớn tìm việc. Với các doanh nghiệp (DN) CNTT trong tỉnh, việc thu hút các em giỏi “đầu quân” không dễ. Dù Huế có nhiều cơ sở đào tạo về CNTT, là 1 trong 3 “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực CNTT.
Bên cạnh Trường đại học (ĐH) Phú Xuân, ĐH Huế có các đơn vị truyền thống về đào tạo CNTT là Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Kinh tế cùng các đơn vị mới là Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa Quốc tế, Viện Đào tạo mở và CNTT, hàng năm cho “ra lò” hàng trăm sinh viên ngành IT.
Đại diện lãnh đạo Công ty CP Phần mềm Quốc tế 3S cho rằng: 'Không chỉ thiếu nhân lực chung về CNTT mà chúng ta thiếu cả đội ngũ nhân lực bậc trung và cao, chất lượng cao. 3S không chỉ cần nguồn nhân lực phong phú và còn cần chất lượng cao. Nhu cầu nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT có thể ở các công việc khác nhau, yêu cầu trình độ cũng khác nhau”.
Tại Thừa Thiên Huế, có khoảng 200 DN có liên quan đến CNTT, nhưng chỉ có 40 DN chuyên về phần mềm, nhưng quy mô không lớn nên khó cạnh tranh về lương và chính sách hỗ trợ người học.
CEO PI Software, ông Tống Phước Minh cho rằng, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng tác động rất lớn đến thị trường nhân lực IT.
“Các DN Huế cũng kỳ vọng “chiêu mộ”, “níu chân” được nhân sự CNTT từ các thành phố lớn phía Nam “hồi hương” về Huế. Chúng tôi đã thử đàm phán với một số nhân sự bằng các chính sách hấp dẫn, nhưng thực tế, không thể nhận được cái gật đầu đồng ý khi mức lương ở Huế vẫn chưa thể so với các DN lớn”, ông Minh nói.
Sinh viên CNTT ra trường sẽ có việc làm ngay ở các doanh nghiệp
Nhân lực IT đang ở đâu?
Sự thiếu hụt này đến từ nhiều phương diện, chủ yếu do nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, trong khi đội ngũ nhân sự mới lại thiếu những kỹ năng cần thiết do chương trình đào tạo tại các trường ĐH thiếu sự định hướng, chưa đúng trọng tâm DN tìm kiếm.
Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh - HueCIT, ông Hoàng Bảo Hùng nhận định, nếu chỉ dựa vào nguồn đào tạo từ ĐH Huế và các trường ĐH trên địa bàn, chắc chắn không đạt đến con số 10.000 người, mà tối đa đến năm 2025 chỉ đạt khoảng 2.000 người. Chưa nói đến chất lượng, nhưng để đáp ứng số lượng nhân sự chỉ trong một thời gian ngắn là rất khó.
Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, quy mô các ngành đào tạo trình độ ĐH về CNTT tại ĐH Huế khoảng trên 1.800 sinh viên và số sinh viên hằng năm khoảng 500. Đề án phát triển CNTT của tỉnh đến 2025 cần đến khoảng 10.000 nhân lực và ĐH Huế cũng đã tính toán kế hoạch tuyển sinh giai đoạn này; trong đó, tổng quy mô của 11 ngành tại tất cả đơn vị trong 5 năm là khoảng 10.940 sinh viên.
Thực tế, con số trên nếu đạt vẫn còn nỗi lo khi thời gian qua lượng sinh viên CNTT Huế tốt nghiệp tìm việc địa phương khác không nhỏ. Bên cạnh đó, đầu vào sinh viên không thực sự quá cao phần nào ảnh hưởng chất lượng đầu ra, trong khi việc thu hút nhân tài CNTT tại các địa phương về Huế không đơn giản.
Mặt khác, “khó khăn là nhiều DN đầu tư về lĩnh vực CNTT nhưng chưa có văn phòng đại diện và tòa nhà làm việc thực sự trên địa bàn tỉnh để sinh viên an tâm làm việc. Việc kết nối giữa ĐH Huế, tỉnh và DN chưa thực sự cụ thể, chưa phân định vai trò và chức năng của từng đơn vị. Thời gian qua, nhu cầu nhân lực CNTT của các DN còn thấp (mức lương chưa cao) nên hầu hết sinh viên ra trường đều đi làm ở các tỉnh khác. Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp và số lượng học CNTT tại Huế của con em ở tỉnh Thừa Thiên Huế chưa cao”, ông Chương nói.
Khảo sát, thống kê của ĐH Huế cho thấy, chỉ có 5% con em của tỉnh nhà học CNTT tại Huế, số người ở lại Huế làm việc rất thấp, nhất là ngành CNTT. Còn theo đánh giá của các DN, số cử nhân CNTT ra trường có chưa đến 30% làm việc được ngay, 70% phải đào tạo bổ sung, chưa kể nhiều nhân sự thiếu kỹ năng làm việc nhóm.
Năm học 2020- 2021, số sinh viên ngành CNTT ra trường của Trường ĐH Khoa học Huế chỉ xấp xỉ 100, điều đáng mừng, hầu hết các em đều được các DN nhận vào làm ngay.
Lâu nay, muốn tuyển được nhân sự, các DN đều “om” người tài từ năm 2, năm 3. Như ở PI Software, DN liên kết với các trường ĐH đưa sinh viên về thực tập, hướng dẫn khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên gần một 1/2 nhân sự được tuyển dụng từ hình thức này.
“Nếu chỉ chờ đăng tin tuyển dụng thì rất khó. Vì vậy, mới có câu chuyện DN tuyển được 1 nhân sự khi thông báo rộng rãi mà mừng hơn bắt được vàng”, CEO PI Software bày tỏ.
Theo một chuyên gia lâu năm của ngành CNTT, các DN thường xuyên kêu “khát” nhân lực, nguyên nhân là do DN muốn có sẵn nhân lực tốt để đưa vào sử dụng luôn, điều này không hợp lý vì ngay nhiều công ty CNTT nổi tiếng cũng phải tuyển người về đào tạo một thời gian, cho họ tham gia vào dự án thực tế, nhờ đó sẽ giúp cho nhân lực phát triển theo đúng hướng của DN./.
baothuathienhue.vn