Cụ thể, những gian thương này đã mua iPhone từ các cửa hàng của Apple và thay thế một số linh kiện quan trọng như màn hình, bo mạch chủ hay thậm chí là các ron cao su. Sau khi bị thay thế, những chiếc iPhone này đã được trả lại các của hãng và được yêu cầu hoàn tiền hoặc đổi máy mới.
Sau đó, những linh kiện bị 'luộc' sẽ được mang đi tiêu thụ tại các thị trường khác. Vào thời điểm tình trạng này bắt đầu xảy ra, các máy iPhone 4/ 4s, iPhone 5/ 5C khá dễ dàng tháo gỡ và thay thế linh kiện. Đây chính là kẽ hở để các gian thương thực hiện hành vi xấu và gây thiệt hại rất lớn cho Apple.
Ban đầu, chính sách bảo hành của Apple vẫn còn khá lỏng lẻo, theo đó, người dùng sẽ được đổi máy khi thiết bị vẫn còn mới và 'không có dấu hiệu đã được can thiệp vào bên trong'. Càng về sau, dù đã thắt chặt lại chính sách của mình, tuy nhiên Apple vẫn bị các gian thương qua mặt bằng cách 'lách luật'.
Hàng năm, Apple thường mất khoảng 1.6 tỷ USD để chi vào việc bảo hành các thiết bị của mình, tuy nhiên, con số này đã năng lên 3.7 tỷ USD do vấn nạn 'luộc đồ' đến từ các gian thương Trung Quốc. Thậm chí trước đây, hãng từng phải đóng một cửa hàng Apple Store tại Thâm Quyến vì tình trạng trên.
Để chống lại tình trạng thâm hụt này, Apple đã triển khai hàng loạt chính sách mới như không sửa chữa tại các store mà chuyển thẳng về trung tâm bảo hành và tăng cường độ nhận diện cho các linh kiện của mình. Kết quả khá khả quan, vào năm 2017, chi phí dành cho bảo hành và hậu mãi của Apple đã giảm chỉ còn 4.32 tỷ USD từ con số 4.66 tỷ đô của năm 2016.
Công Minh/ Theo: Engadget