1. Không gian rộng rãi
Nếu gia đình bạn đông người và thích đi chơi xa thì rất nên đầu tư cho một chiếc Crossover cỡ lớn như Ford Explorer. Bởi vì không gian cốp sau của Explorer khi ngồi đủ 3 hàng ghế có dung tích gần 600 lít, đủ để cả gia đình 7 người đi chơi 3-4 ngày. Trong khi với những chiếc crossover 7 chỗ cỡ trung khác thì khoang hành lý phía sau khi ngồi đủ 3 hàng chỉ đủ chứ vài cái ba lô hoặc va li cỡ nhỏ. Nếu muốn mở rộng thêm không gian chứa đồ của xe cỡ trung thì khả năng là các bạn phải gắn thêm thùng chứa đồ trên nóc.
Ngoài ra, hàng ghế thứ 3 của Ford Explorer có thể gập điện thành 1 mặt phẳng chỉ với 1 nút bấm.
Phần không gian ở các vị trí ngồi trên Explorer nhìn chung cũng khá tốt. Người ngồi hàng ghế thứ 2 có thể điều chỉnh độ tựa lưng để thoải mái hơn trong những chuyến đi xa. Còn hàng ghế thứ 3 vừa đủ thoải mái với những người cao từ 1m65 trở xuống.
2. Công nghệ của xe cao cấp
Mặc dù là một chiếc xe phổ thông, nhưng Explorer vẫn sở hữu đầy ắp những trang bị tiện nghi và an toàn cao cấp. Trong đó nổi bật là những công nghệ sau:
1. Hệ thống giải trí thông tin SYNC 3 với màn hình cảm ứng 8', 12 loa, tích hợp hệ thống dẫn đường bản đồ Việt Nam
2. Hệ thống giải trí DVD riêng cho hàng ghế sau
3. Cửa sổ trời panorama
4. Hiển thị áp suất lốp
5. Cảnh báo chệch làn và hỗ trợ giữ làn
6. Cảnh báo điểm mù
7. Kiểm soát đỗ dốc
8. Hỗ trợ đậu xe tự động
9. Ghế trước điều chỉnh điện, tích hợp làm mát/sưởi ấm bên trong và có chế độ mát xa
10. Ghế tài có tính năng nhớ 3 vị trí
11. Bật tắt chế độ pha đèn trước tự động
12. Remote tích hợp tính năng đề máy từ xa
13. Hệ thống khóa số
14. Đèn môi trường (Ambient Light)
Tuy nhiên, có 5 tính năng mình đánh giá cao về độ hữu ích:
1. Mát xa hàng ghế trước: vì khi đi xa tính năng mát xa khỏe sẽ giúp cho người lái tỉnh táo hơn và hạn chế được hiện tượng buồn ngủ sau tay lái.
2. Đề máy từ xa thông qua remote: tính năng rất cấn thiết vào mua hè hay những trưa nắng nóng. Chỉ cần đề máy xe từ xa để hệ thống điều hòa làm việc và khi vào xe chúng ta đã có bầu không khí dễ chịu.
3. Cảnh báo và hỗ trợ giữ làn: trong tình huống chúng ta bị phân tâm như nhắn tin đt, nói chuyện với người kế bên hay đơn giản là buồn ngủ thì hệ thống này sẽ giúp chúng ta an toàn trong một khoảng thời gian ngắn.
4. Bật tắt chế độ pha tự động: đây là tính năng mình nghĩ rất cần thiết khi đi đường xa lộ. Thay vì chúng ta phải bật tắt chế độ pha liên tục khi gặp xe ngược chiều thì bây giờ chiếc xe đã làm điều đó giúp chúng ta.
5. Hỗ trợ đậu xe tự động: áp dụng cả cho kiểu song song và vuông góc. Một tính năng rất có ý nghĩa vì việc đậu một chiếc xe cỡ lớn như Explorer sẽ rất khoai với phụ nữ và những người lái yếu.
Có thể nói là từ trước đến giờ mình chưa từng lái một chiếc Crossover phổ thông nào mà nhàn nhã đến vậy. Mọi thứ dường như chiếc xe nó đã tự động làm cho mình hết: từ bật tắt đèn, gạt mưa, đậu xe, giữ làn đường,…Có lẽ nhờ vậy mà chúng ta sẽ có thời gian để Explore Her
3. Tính năng offroad thân thiện với người sử dụng
Mặc dù được trang bị hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời gian Intelligent 4WD, nhưng khi đọc thông số mình không đánh giá cao khả năng offroad của Explorer vì nó thiếu đi tính năng khóa vi sai mà người anh em Everest có hay vi sai chống trượt LSD (Limited Slip Differential). Cho đến khi test thực tế thì mình khám phá ra một điều rất thú vị. Đó là Ford có trang bị cho Explorer một hệ thống kiểm soát lực kéo chủ động với khả năng giả lập hoạt động của bộ vi sai chống trượt. Ford gọi dưới tên thương mại là AdvanceTrac, một số hãng khác thì gọi là Active Traction Control.
Cụ thể hơn, khi có 1 bánh xe ở 1 cầu bị trượt thì hệ thống vi sai mở (Open Differential) bình thường sẽ có xu hướng truyền lực nhiều hơn về phía bánh bị trượt. Điều đó là không hợp lý vì bánh xe còn đang bám mới là bánh cần lực nhiều hơn. Hệ thống kiểm soát lực kéo chủ động lúc này sẽ can thiệp bằng cách phanh cục bộ ở bánh bị mất độ bám để buộc hệ thống vi sai mở truyền lực nhiều hơn về phía bánh đang bám đường. Từ đó lực kéo sẽ được phân bố hiệu quả và giúp xe vượt qua những tình huống 1 trong 2 bánh xe ở cầu trước hay cầu sau bị mất bám.
Công dụng của hệ thống kiểm soát lực kéo chủ động này khá giống với hệ thống vi sai chống trượt LSD vì đều có chung cơ chế phân bổ lực từ bánh mất bám sang bánh đang có độ bám. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của AdvanceTrac lại đơn giản hơn nhiều so với LSD.
Nói chung hiệu năng offroad của Explorer cũng không phải dạng vừa, nhưng để gọi là chuyên nghiệp thì cũng chưa tới. Nhưng mình đánh giá cao cách sử dụng hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời gian trên Explorer vì nó rất thân thiện với đối tượng người dùng phổ thông.
Thay vì phải gài cầu nhanh, cầu chậm, khóa vi sai như những xe 2 cầu chuyên nghiệp thì bây giờ chúng ta chỉ cần chọn đúng địa hình mình đi trong 4 chế độ đi địa hình của núm xoay Terrain Management. Phần còn lại là xe sẽ tự động tính toán phân bố lực kéo đến từng bánh cho chúng ta.
Ngoài ra, hệ thống hộ trợ độ dốc cũng rất hữu ích cho anh em khi đi offroad. Chúng ta chỉ cần đánh lái thôi, còn phanh và ga xe sẽ từ điều phối theo mức tốc độ chúng ta định sẵn. Đến offroad với Expplorer mà cũng quá nhàn hạ.
4. Sức mạnh ấn tượng
Ở tầm giá 2 tỷ thì Explorer là một trong những chiếc xe 7 chỗ có sức mạnh lớn nhất. Động cơ tăng áp Ecoboost 2,3 lít 4 xy lanh thẳng hàng cho công suất tối đa 273 mã lực và mô men xoắn cực đại 420 Nm. Mức công suất này giúp chiếc crossover nặng hơn 2,2 tấn tăng tốc từ 0-100 km/h trong 8,5 giây.
Một điểm cộng là hộp số SelectShift hoạt động rất nhuần nhuyễn với động cơ tăng áp 2,3 lít. Các bước sang số đều khá dứt khoát nhưng vẫn giữ được độ êm ái cần thiết ở một chiếc xe gia đình.
5. Sự thỏa mái
Hồi đầu tháng 11 vừa qua, mình có dịp lái Explorer của một người bạn đi cung đường 400 km và mình cực kỳ ấn tượng với hệ thống treo và khả năng cách âm của chiếc crossover này. Mặc dù ngoài trời mưa bão, nhưng không gian bên trong xe vẫn rất êm ái và nhẹ nhàng. Tiếng lốp từ mặt đường hầu như rất ít khi đủ lớn để gây khó chịu cho người ngồi bên trong dù Explorer sử dụng khung liền khối monocoque.
Hệ thống treo của Explorer nằm ở mức cân bằng nên vừa đủ êm khi đi đường onroad nhưng đi offroad thì mình thấy hệ thống treo của Explorer cứng hơn so với người anh em Ford Everest. Vì mình đã từng có dip đi offroad với cả 2 chiếc xe này cùng lúc ở Phillipines vào năm 2016.
Ngoài ra, Ford Explorer còn có 2 điểm cộng khác là dàn âm thanh 12 loa theo xe thể hiện khá ấn tượng với chất âm chi tiết và dải âm tách bạch. Nói chung là truyền được cảm xúc cho người nghe. Bên cạnh đó, ổ cắm điện dân dụng cho hàng ghế sau cũng rất hữu ích trong những chuyến đi xa.
Ba điểm chưa thích
Cảm giác vô lăng trợ lực điện của Explorer chưa thật sự ấn tượng lắm. Nó thiếu một chút đầm chắc so với sở thích của mình. Nhưng dù sao thì cảm giác vô lăng cũng chỉ là một phần của tổng thể cảm giác lái thôi. Những tiêu chí khác như phản ứng khung gầm xe khi vào cua, khả năng tăng tốc của chiếc xe, cảm giác phanh đều khiến mình hài lòng.
Mặc dù không gian cốp sau khá rộng, nhưng hàng ghế thứ 3 của Explorer lại không điều chỉnh được độ tựa lưng. Ngoài ra, hàng ghế thứ hai chỉ có phần ghế bên phụ là trượt được để mở rộng thêm chỗ để chân cho hàng ghế sau. Phần ghế còn lại là cố định, không trượt được.
Các nút cơ để chỉnh hệ thống điều hòa có kích thước nhỏ và đặt quá xa bên dưới sẽ gây mất tập trung cho người lái khi cần điều chỉnh điều hòa. May mắn là chúng ta vẫn có thể chỉnh điều hòa qua màn hình cảm ứng ngang tầm mắt để giảm sự phân tâm khí lái xe. Thật sự thì mình vẫn thích kiểu điều chỉnh hệ thống điều hòa bằng núm xoay nhất vì nó thân thiện và ít gây mất tập trung.
Kết luận
óm lại, với những trải nghiệm êm ái và thoải mái chất lượng cao, có thể nói Ford Explorer là chiếc xe không thể phù hợp hơn để đưa cả gia đình Go Further. Trường hợp các bạn muốn kiếm một chiếc xe lái nhàn nhã để có thời gian Explore Her, thì Ford Explorer là đáp án không trật ngõ nào được.