Nếu trong bán lẻ có khái niệm one-stop-shop, tức cửa hàng tích hợp nhiều dịch vụ, sản phẩm, thì trong công nghệ cũng có khái niệm tương tự với tên gọi là all-in-one app, ứng dụng tích hợp nhiều dịch vụ khác nhau hay còn gọi là “siêu ứng dụng”.
“Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một ứng dụng Đông Nam Á đáp ứng tất cả nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của bạn ở mọi lúc, thậm chí có thể phục vụ nhu cầu của bạn cả trước khi bạn biết rằng bạn cần đến chúng.
Người dùng Grab sẽ tận hưởng các dịch vụ vô cùng hấp dẫn như mua sắm, tiện ích, giải trí và nhiều hơn nữa từ siêu ứng dụng hữu ích nhất cho cuộc sống của Đông Nam Á”, ông Jerald Singh, Giám đốc Phụ trách sản phẩm của Grab, đã vẽ lên viễn cảnh của một “siêu ứng dụng” như vậy dựa vào hệ sinh thái ứng dụng và dữ liệu người dùng khổng lồ.
Ở Việt Nam, cuộc chiến siêu ứng dụng đang nóng lên từng ngày. Mới đây, Zalo bất ngờ phát đi thông báo tuyển dụng Giám đốc Kinh doanh cho mảng O2O (tạm dịch: kinh doanh đa kênh) với mức lương lên đến hơn 120 triệu đồng/tháng. Song song đó, Zalo cũng tung ra bản thử nghiệm cho ứng dụng cùng tên khi tích hợp thêm dịch vụ gọi Taxi (Zalo Taxi), gọi đồ ăn (Zalo Food), du lịch (Zalo Travel), tin tức tài chính (Zalo Bank) và các dịch vụ liên quan đến chính phủ điện tử.
Đại diện Zalo từ chối trả lời các vấn đề liên quan nhưng không khó để nhận ra sau thông điệp đạt 100 triệu người sử dụng hồi tháng 5 vừa qua. Thông điệp tiếp theo của Zalo là cung cấp đầy đủ các dịch vụ cần thiết cho những người sử dụng này để giữ chặt họ với ứng dụng.
Có thể nói đây là kế hoạch đã có từ trước của Zalo và việc tung ra vào thời điểm này không chỉ mình Zalo mà còn có nhiều doanh nghiệp khác. Gần đây nhất là Grab. Sau khi tung ra dịch vụ GrabFresh, ông Anthony Tan, Giám đốc Điều hành kiêm nhà sáng lập, cũng không giấu tham vọng đưa Grab thành siêu ứng dụng ở Đông Nam Á. Nhất là vào thời điểm Grab công bố vừa nhận thêm 2 tỷ USD trong vòng gọi vốn hiện tại.
Đối thủ trực tiếp của Grab, Go-jek cũng đang đi theo định hướng siêu ứng dụng. Go-Viet, đại diện công ty ở Việt Nam hiện chỉ mới tung ra dịch vụ gọi xe máy nhưng giới quan sát dự đoán Go-Viet sẽ sớm tung ra các dịch vụ tiếp theo trong bối cảnh hiện nay.
Đại diện cuối cùng tham gia trong sân chơi siêu ứng dụng nhiều khả năng là LINE, trực thuộc Naver (Nhật). LINE là cái tên khá quen thuộc ở Việt Nam trong giai đoạn 2012-2013, thời điểm bùng nổ của các ứng dụng nhắn tin. Tuy nhiên, LINE đã âm thầm rời khỏi thị trường và nhường sân lại cho Zalo và Facebook Messenger.
Tính đến nay, LINE có hơn 168 triệu người sử dụng ở Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan và Indonesia. Tốc độ tăng trưởng người sử dụng mới của LINE đã chậm lại từ năm 2015 và đơn vị này đang chịu áp lực tìm kiếm người sử dụng mới.
Bên cạnh việc tích hợp nhiều dịch vụ hữu ích, gần như chắc chắn, các chiến dịch khuyến mãi để thu hút người sử dụng sẽ là vũ khí quen thuộc trong cuộc chiến giành thị phần của các siêu ứng dụng. Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp được lợi gì khi giữ chặt người sử dụng với nền tảng của họ?
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, người đang giữ vị trí điều hành của Quỹ ESP Capital, cho rằng trong cuộc chiến siêu ứng dụng, thanh toán trực tuyến sẽ là nền tảng và các dịch vụ cộng thêm sẽ là yếu tố thu hút và giữ chân người sử dụng. Gần như các doanh nghiệp tham gia đều có dịch vụ thanh toán trực tuyến riêng như Grab có GrabPay, Go-jek có Go-Pay... và đều có nhu cầu đẩy mạnh lượng giao dịch trực tuyến thông qua các nền tảng này. Theo thống kê của Grab, nếu như thị trường cho di chuyển ở Đông Nam Á trị giá 25 tỷ USD, thì thị trường thanh toán không dùng tiền mặt lên đến 500 tỷ USD.
Theo thống kê của website Statista, giá trị thanh toán trực tuyến ở Việt Nam năm 2017 là 6,14 tỉ USD. Con số này dự kiến tăng gấp đôi lên 12,33 tỷ USD vào năm 2022. Cũng theo bà Vy, cạnh tranh trong việc tích hợp các dịch vụ sẽ diễn ra gay gắt vì bên nào có hệ sinh thái kém hấp dẫn sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ. Về phía người sử dụng, sẽ có cuộc cách mạng về hành vi sử dụng.
“Các siêu ứng dụng sẽ có lợi thế trong việc thu hút và giữ chân khách hàng. Do các siêu ứng dụng có thể khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều hơn một dịch vụ nên ngân sách dành cho việc tìm kiếm khách hàng mới sẽ nhiều hơn so với các ứng dụng riêng lẻ. Với nhiều điểm mạnh cộng hưởng, các siêu ứng dụng sẽ có khả năng thay đổi toàn diện hành vi tiêu dùng của khách hàng trong vòng 3 năm tới”, bà Vy nói.
Lợi thế lớn nhất của Zalo là phát triển từ nền tảng giao tiếp, đây là phương thức chia sẻ thông tin, dịch vụ nhanh nhất trên thị trường hiện nay. Trên thực tế, nhiều ứng dụng mở rộng từ mô hình chat khá thành công trên thế giới như WeChat (Tencent), LINE. Việc am hiểu thị trường nội địa cũng là lợi thế đáng kể cho Zalo trong quá trình triển khai việc kết nối. Về phần mình, đại diện Grab cũng khá tự tin trong việc am hiểu thị trường và nền tảng công nghệ của Công ty. Theo đó, Công ty có thể khám phá và triển khai trong thời gian ngắn theo từng khu vực.
“Điều này giúp chúng tôi có lợi thế trong việc tăng trưởng nhanh đối với các cuộc chơi mang tính lâu dài”, đại diện Grab cho biết.