Cũng như các “đàn anh” như Grab, Uber, thị trường mà Go-Viet chọn để thử nghiệm phiên bản xe ôm công nghệ và giao nhận thức ăn là TP.HCM. Dự kiến, tháng 6 này, Go-Viet sẽ cho ra mắt ứng dụng này tại Việt Nam.
Go – Viet cho biết, doanh nghiệp công nghệ duy nhất tại Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ từ Go – Jek (Indonesia) sẽ ra mắt sản phẩm thử nghiệm tại TP.HCM với 2 sản phẩm là kết nối dịch vụ vận tải xe hai bánh hay còn gọi là ứng dụng kết nối xe ôm công nghệ và sản phẩm kết nối dịch vụ giao hàng theo nhu cầu cá nhân.
Ứng dụng gọi xe Go- Viet được hậu thuẫn bởi Go-Jek sắp có mặt tại Việt Nam
Được biết, Việt Nam sẽ là thị trường chiến lược đầu tiên của Go-Jek khi vươn mình ra Đông Nam Á và Go-Viet là công ty được Go-Jek lựa chọn và chuyển giao công nghệ cũng như đầu tư mạnh về mặt tài chính để hoạt động.
Go-Jek được thành lập vào năm 2010 và hiện dẫn đầu thị trường gọi xe với khoảng 900.000 tài xế đối tác tại Indonesia, thị trường lớn nhất Đông Nam Á. Không dừng lại ở dịch vụ gọi xe công nghệ, định hướng của Go-Jek là trở thành một nền tảng phục vụ người dùng ở nhiều dịch vụ khác nhau như gọi thức ăn, hỗ trợ khách hàng đi chợ, giúp việc tại nhà, thanh toán trực tuyến,... chứ không phải chỉ là gọi xe.
Vào đầu năm 2018, tập đoàn Go-Jek đã được định giá ở mức 5 tỷ USD sau khi có tin đồn huy động vốn thành công từ những “gã khổng lồ” như Google, JD.com, KKR, Warburg Pincus, Tencent. Mức định giá của Go-Jek đã gần bằng Grab ngay cả khi công ty này chưa mở rộng ra các nước khác.
Không chỉ về mặt tài chính, công nghệ cũng là một thế mạnh của Go-Viet khi bên này được chuyển giao nền tảng công nghệ từ chính Go-Jek và ứng dụng được tối ưu hóa và điều chỉnh riêng để phù hợp nhất cho thị trường Việt Nam.
Ngân Tuyền (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/doi-thu-dang-gom-cua-grab-go-viet-sap-co-mat-tai-viet-nam.html