Theo Dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được công bố lấy ý kiến, Bộ Tài chính nêu rõ: Luật Quản lý thuế hiện hành dù đã được sửa đổi bổ sung ba lần, tạo tiền đề áp dụng quản lý thuế điện tử song chưa đảm bảo được cơ sở pháp lý cho việc chuyển hẳn sang áp dụng rộng rãi phổ biến.
Cơ quan thuế hiện gặp khó trong thu thuế đối với Facebook, Google...
Hoạt động mua bán bằng phương thức điện tử phát triển với tốc độ ngày càng nhanh, việc khai thuế, đăng ký nộp thuế điện tử của các doanh nghiệp đã được áp dụng phổ biến nhưng cách quản lý thuế hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý đầy đủ, chính xác đối với loại hình kinh doanh này.
Cũng theo dự thảo, hoạt động của mạng Internet là giao dịch xuyên biên giới, các công ty vận hành mạng nước ngoài hầu hết không đăng ký kinh doanh và không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam, gây khó khăn cho ngành thuế trong việc quản lý.
Hiện Google và Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua hai phương thức: phương thức thông qua các đại lý tại Việt Nam thì chính các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam khi phát sinh doanh thu.
Phương thức thứ hai là mua bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử.
Trường hợp này chưa được quy định rõ, phía mua dịch vụ sẽ bị thiệt vì không có hoá đơn nên sẽ không được tính vào chi phí hợp lý, hoặc bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hoá bằng cách mua hoá đơn của một dịch vụ khác.
Như vậy, khi thanh kiểm tra thuế cũng sẽ khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng (nhiều trường hợp cần đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn và phải truy lần theo thông tin thanh toán thực tế).
Mặt khác, với việc thanh toán dựa vào số lần click chuột trả tiền thì việc xác định doanh thu quảng cáo của nhà mạng nước ngoài không dễ dàng vì phải đối chiếu thông tin giữa 2 ngân hàng (của người mua/người bán) tham gia thanh toán trong điều kiện họ không phải là đối tượng nộp thuế trực tiếp và ngân hàng của công ty mạng cũng ở nước ngoài.
Người mua dịch vụ của các tổ chức nước ngoài là cá nhân nên khó có cơ sở đề nghị khấu trừ thuế nhà thầu của tổ chức nước ngoài khi mua dịch vụ.
Do đó, để quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam đạt được hiệu quả, cơ quan chức năng cần sửa đổi Luật quản lý thuế để các bộ, ngành cùng vào cuộc.
Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp nghiên cứu để thực hiện giải pháp về thanh toán: yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa (thông qua Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia – Trung tâm Napas của Ngân hàng Nhà nước). Từ đó cơ quan thuế mới kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế.
Đề nghị thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện chính thức của các công ty vận hành mạng nước ngoài tại Việt Nam để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam.
Đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook, Apple... khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Cơ quan thuế sẽ thông báo cho nhà cung cấp nước ngoài biết, đồng thời thông báo cho cơ quan thuế nước sở tại (nơi có cơ sở thường trú của tổ chức hoặc cư trú của cá nhân) biết.
Phối hợp và trao đổi cung cấp thông tin với cơ quan thuế các nước, với các công ty cung cấp dịch vụ Internet (VDC, FPT, MobiFone, VinaPhone, Viettel…) để nắm bắt được về số lượng và giá trị giao dịch thương mại điện tử, về việc thanh toán qua ngân hàng trong các giao dịch thương mại điện tử).
Riêng với các cá nhân bán hàng qua mạng, cần nghiên cứu bổ sung quy định pháp luật liên quan về chính sách thu thuế đối với hàng hóa giữa các cá nhân này. Bộ Tài chính đề xuất một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ %, không thu thuế đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng/lần.