Bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số đã ra đời 15 năm, đang cho thấy nhiều dấu hiệu trở thành một công cụ thanh toán như những gì nhà sáng lập Satoshi Nakamoto mong muốn.
Bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số đã ra đời 15 năm, đang cho thấy nhiều dấu hiệu trở thành một công cụ thanh toán như những gì nhà sáng lập Satoshi Nakamoto mong muốn.
Ông Richard Mico, Giám đốc điều hành tại Mỹ của Banxa, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng thanh toán, cho biết các thanh toán bằng đồng tiền kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng, dù có phần chịu ảnh hưởng do biến động của thị trường.
Theo số liệu của công ty cung cấp dữ liệu về tiền kỹ thuật số The Block, lượng bitcoin được giao dịch trên Lightning Network, một giao thức 'lớp thứ cấp' hoạt động trên một nền tảng chuỗi khối, tăng hơn 60% trong năm qua, lên mức cao kỷ lục 5.580 xu.
BitPay, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bitcoin có trụ sở tại Mỹ, cho biết khối lượng giao dịch trong năm 2022 tăng 18% so với năm 2021. Nền tảng thanh toán CoinsPaid ghi nhận khối lượng giao dịch trong quý 4/2022 tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, biến động về giá, tốc độ xử lý chậm và sự không chắc chắn về quy định là những yếu tố cản trở các đồng tiền kỹ thuật số trở thành một công cụ thanh toán. Ít doanh nghiệp định giá hàng hóa hay dịch vụ bằng đồng tiền này.
Trong khi đó, những người đề xướng cho rằng phí giao dịch bitcoin thấp hơn và giao dịch được xử lý nhanh hơn so với giao dịch tiền mặt thông thường, đặc biệt là các giao dịch qua biên giới.
Ngoài bitcoin, các đồng tiền kỹ thuật số khác được neo với các đồng tiền truyền thống trở thành các lựa chọn phổ biến trong các thanh toán qua biên giới.
Stellar, một nền tảng chuỗi khối cho các giao dịch qua biên giới, cho biết số lượng giao dịch trên nền tảng này tăng lên 103,4 triệu trong tháng trước, so với 50,6 triệu trong tháng 1/2022.
Số liệu của trung tâm số liệu về tiền kỹ thuật số CryptoCompare cho thấy, khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch giữa đồng bitcoin và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và real của Brazil tăng tương ứng 232% và 72%.
Việc chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền kỹ thuật số không hoàn toàn diễn ra thuận lợi, khi vấn đề được đặt ra là liệu các chuỗi khối có xử lý được hàng nghìn giao dịch cùng lúc, đặc biệt là không làm tăng phí giao dịch hay không.
Những nỗ lực một số nền kinh tế lớn nhất thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ trong việc tạo ra các đồng tiền kỹ thuật số riêng có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng thanh toán của các đồng tiền này./.