Ngày 12/6, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, Cục Hải quan TP.HCM cho hay từ đầu năm đến ngày 10/6, đơn vị này đã làm thủ tục nhập khẩu cho 3.664 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo trên mạng (máy đào tiền ảo) về TP.HCM.
Trong số này có hơn 3.000 máy được 4 doanh nghiệp nhập về, còn lại là những cá nhân, tổ chức không có mã số thuế đứng tên nhập khẩu.
Trong 4 doanh nghiệp nhập hơn 3.000 máy đào tiền ảo nói trên, có 1 doanh nghiệp đã làm thủ tục nhập gần 2.300 máy đào tiền ảo từ đầu năm đến nay, dù chỉ mới thành lập và hoạt động chừng 8 tháng.
Máy đào tiền ảo ồ ạt nhập về TP.HCM kể từ đầu năm. Ảnh: Xuân Tiến
Chủng loại máy đào tiền ảo nhập khẩu về Việt Nam khá đa dạng, chủ yếu là máy tính xử lý dữ liệu tự động Bitcoin; máy tính xử lý dữ liệu tự động Antminer; máy chủ server ảo…
Trong năm 2017, Cục Hải quan TP.HCM cho biết đã có hơn 7.000 máy đào tiền ảo Bitcoin, litecoin được nhập về TP.HCM qua đường chuyển phát nhanh. Trong đó có gần 3.000 máy được nhập khẩu bởi các cá nhân, tổ chức không có mã số thuế.
Trong khi đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm 2017 đến tháng 4/2018 đã có 15.600 máy đào tiền ảo được nhập về Việt Nam. Các loại máy được nhập về chủ yếu là máy đào tiền ảo Bitcoin, bitmain, máy xử lý thuật toán, máy xử lý dữ liệu tự động…
Số lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm, bất chấp Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ tạm dừng nhập khẩu đối với các thiết bị này.
Trong báo cáo tổng hợp ý kiến của các bộ ngành liên quan đến quản lý hoạt động Bitcoin và tiền ảo đầu tháng 6, Bộ Tài chính đề xuất tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền này.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay máy xử lý dữ liệu tự động không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu, và không thuộc danh mục quản lý chuyên ngành hay hàng hoá gây mất an toàn, nên doanh nghiệp được phép làm thủ tục nhập khẩu một cách dễ dàng.
Nhưng thời gian qua, việc sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin, Litecoin cho mục đích khai thác tiền ảo có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phức tạp trong quản lý, dễ bị các đối tượng lợi dụng để sử dụng như tiền tệ, hoặc một phương pháp thanh toán khác. Theo Bộ Tài chính, điều này đã vi phạm Nghị định 101 của Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được sửa đổi bổ sung.
Bộ cũng viện dẫn vụ lừa 15.000 tỷ đồng xảy ra tại TP.HCM mới đây là điển hình cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý. Vụ việc rất nghiêm trọng khi hơn 32.000 người đã bị lừa thông qua mô hình đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp quản lý chặt chẽ với việc nhập khẩu và sử dụng mặt hàng là máy đào đồng tiền này.
Để ngăn chặn kịp thời các sự vụ khác có thể xảy ra, trước mắt, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo kể trên.
Theo Zing