Sản phẩm hữu cơ - sản phẩm gắn nhãn organic - đang ngày càng phổ biến trên các kệ hàng, từ hàng mỹ phẩm đến thực phẩm, từ hàng mỹ nghệ đến quần áo...
ây thật sự là cơ hội cho những nhà sản xuất nắm lấy để góp mặt vào thị trường bằng chính sản phẩm truyền thống của mình nhưng được sản xuất theo công nghệ mới, không sử dụng những nguyên liệu, hóa chất, hạt giống, bao bì theo cách thông thường mà phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của một quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ.
Chẳng hạn với mặt hàng gạo hữu cơ thì không được sử dụng hạt giống biến đổi gen, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa chất; phải đảm bảo dư lượng các hóa chất được sử dụng ở ngưỡng cho phép (tùy vào quy định của các quốc gia). Các sản phẩm đạt chuẩn sẽ được gắn nhãn “organic label” do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt với sản phẩm thông thường.
Hiện nay, có khá nhiều sản phẩm của Việt Nam được gắn nhãn hữu cơ sau khi trải qua quá trình kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt từ các tổ chức như USDA (United State Department of Agriculture), EU (European Union), ACO (Australian Certified Organic), bên cạnh các nhãn VietGAP (Good Agricultural Practice), Global G.A.P, G.M.P (Good Manufacturing Practice). Vì phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất - đóng gói - vận chuyển - phân phối, cộng thêm chi phí cho việc kiểm chứng toàn bộ quá trình và cấp chứng nhận đạt chuẩn nên các sản phẩm hữu cơ thường có giá thành cao đáng kể so với các sản phẩm không gắn nhãn hữu cơ. Thường các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ, bên cạnh việc tìm kiếm lợi nhuận họ còn kỳ vọng mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm với các đặc tính nổi bật liên quan đến bảo vệ sức khỏe, không gây hại môi trường... Điều này phần nào thể hiện trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất.
Sản phẩm hữu cơ đang ngày càng phổ biến trên các kệ hàng. Ảnh: internet.
Mặt khác, dù đã có những quy định, hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ đúng chuẩn để nâng giá trị sản phẩm cũng như mở thêm thị trường xuất khẩu, nhưng có vẻ như nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà. Bởi làm đúng thì tốn kém mà có khi vẫn không đạt yêu cầu. Thay vào đó, họ tự quảng bá sản phẩm của mình là hữu cơ mà không cần bất kỳ một chứng nhận nào từ bên thứ ba. Hoặc một số doanh nghiệp chỉ làm chứng nhận một trong nhiều công đoạn tạo ra sản phẩm là hữu cơ nhưng lại công bố sản phẩm của mình là hữu cơ, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Cũng đã có nhiều nhãn hàng tranh thủ gắn mác hữu cơ vào sản phẩm mà những nhãn mác đó không có cơ quan thẩm quyền nào xác nhận. Việc làm này có thể xem là lợi dụng lòng tin người tiêu dùng để bán hàng giá cao nhằm thu lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp. Mong muốn được sử dụng những sản phẩm hữu cơ là mong muốn chính đáng của người tiêu dùng, và việc lợi dụng lòng tin của khách hàng nhằm trục lợi của một số doanh nghiệp cần phải được ngăn chặn và có biện pháp xử lý thích đáng.
Người tiêu dùng ngày nay không chỉ cần sản phẩm “sạch” đúng nghĩa để đảm bảo an toàn sức khỏe mà còn cần các mặt hàng hữu cơ có mức giá hợp lý. Tuy vẫn biết nhà sản xuất phải tốn nhiều chi phí để đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt và để được chứng nhận sản phẩm hữu cơ, song phần lớn họ chưa sẵn lòng chi trả một mức giá tương xứng. Nói cách khác, sự kỳ vọng của người tiêu dùng đang dẫn doanh nghiệp đến một bài toán chi phí - lợi nhuận khó giải. Cũng chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp rất thận trọng cân nhắc đi vào con đường sản xuất hữu cơ.
Cơ hội nào cũng đều đi kèm những thách thức. Đối với các doanh nghiệp muốn sản xuất và đưa sản phẩm hữu cơ đến tay người tiêu dùng, con đường trước mắt họ quả thật còn rất gian nan. Nhưng nếu họ thực sự nỗ lực và nỗ lực ở mức cao nhất, tin rằng người tiêu dùng sẽ không bỏ qua những sản phẩm chất lượng, đảm bảo sức khỏe, có trách nhiệm với môi trường và xã hội, đặc biệt là những sản phẩm do chính người Việt làm ra để phục vụ cho người Việt.
Hồng Nguyễn
* Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn