Quảng cáo là cách tốt nhất để giao tiếp với khách hàng. Từ lâu, việc truyền thông quảng cáo được coi như là chiến lược chính để doanh nghiệp phát triển. Thế giới sáng tạo quảng cáo luôn phát triển và xoay vần không ngừng. Do đó, doanh nghiệp cần nắm vững luật quảng cáo trong kinh doanh để không mắc phải những sai lầm không đáng có làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp. Cùng TCN tìm hiểu những sản phẩm, dịch vụ và những hành vi bị cấm quảng cáo theo luật quảng cáo Việt Nam năm 2012.
Luật quảng cáo là gì?
Luật quảng cáo đề cập đến nội dung luật liên quan đến phương tiện và phương thức truyền đạt thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ cho công chúng. Rõ ràng, truyền thông tiếp thị hiệu quả là chìa khóa cho sự thành công của bất kỳ doanh nghiệp nào, nhưng tất cả các doanh nghiệp cũng có nghĩa vụ pháp lý để đảm bảo rằng bất kỳ tuyên bố nào họ đưa ra trong quảng cáo là trung thực, không lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật.
Một số khái niệm nguyên tắc về luật quảng cáo và tiếp thị bao gồm sự thật trong quảng cáo và thực tiễn thương mại. Đây là những luật quy định cách thức các doanh nghiệp liên quan đến lợi ích của sản phẩm với công chúng. Ví dụ về các luật này bao gồm các lệnh cấm chống lại các tuyên bố về sức khỏe không hợp lý (ví dụ, một viên thuốc làm cho cơ thể bạn trở nên hoàn hảo), vi phạm nhãn hiệu hoặc đại diện khác về tác động môi trường của sản phẩm (vd: tuyên bố rằng sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế) trong khi thực tế không phải vậy.
Luật quảng cáo đề cập đến nội dung luật liên quan đến phương tiện và phương thức truyền đạt thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ cho công chúng (Ảnh: Recounter)
Những sản phẩm, dịch vụ bị cấm quảng cáo theo luật quảng cáo Việt Nam 2012
Quảng cáo có mặt tại khắp mọi nơi. Mỗi ngày chúng ta đều thấy vô số quảng cáo truyền hình, quảng cáo tạp chí, biển quảng cáo, áp phích và hơn thế nữa – tất cả mục đích của chúng đều là thuyết phục chúng ta mua sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu không xem xét các luật quảng cáo và quy định chi phối cách thức mà các công ty truyền thông.
Mỗi doanh nghiệp cần có một luật sư chuyên về luật quảng cáo, cung cấp hướng dẫn thông qua các công ty luật hoặc cố vấn nội bộ giúp doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ các quy tắc khi quảng cáo về mặt pháp lý và đạo đức. Dưới đây là những sản phẩm và dịch vụ bị cấm quảng cáo theo luật Việt Nam năm 2012.
Hàng hóa, dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật:
- Thuốc lá.
- Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
- Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
- Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
- Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
- Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
- Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.
Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên bị cấm quảng cáo (Ảnh: Behance)
Hành vi cấm bị cấm trong hoạt động quảng cáo
- Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 của Luật này.
- Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.
- Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
- Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
- Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
- Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.
- Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.
- Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
- Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
- Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.
- Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
- Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
- Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.
- Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.
- Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.
Kết
Nắm vững luật quảng cáo sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi những vi phạm pháp lý không đáng có và gây ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của thương hiệu. Do đó, thương hiệu cần đầu tư vào tìm hiểu về luật quảng cáo hiện hành.
Nguồn: Luật quảng cáo Việt Nam – Luật số: 16/2012/QH13
Nguồn : https://marketingai.admicro.vn/nhung-san-pham-dich-vu-bi-cam-quang-cao-theo-luat-quang-cao-viet-nam-2012/