Nhu cầu và mức độ chi trả thuốc được dự báo tăng mạnh trong 5 năm tới đã khiến thị trường dược Việt Nam trở thành miền đất vàng với các nhà sản xuất, phân phối dược phẩm trong và ngoài nước.
Động thái mới nhất của các ông lớn ngành dược phẩm Việt Nam dự báo thị trường sẽ có sự phân hóa sâu sắc và cuộc cạnh tranh bám đuổi giữa các công ty này sẽ ngày một quyết liệt hơn. Chắc chắn sẽ có sự đào thải dần những nhà sản xuất chất lượng kém
Tiềm năng lớn
Theo IMS Health, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng chi tiêu cho tiền thuốc giai đoạn 2017-2021 của Việt Nam sẽ đạt 15-17% nhờ vào dân số tăng trưởng nhanh cùng với thu nhập bình quân đầu người cải thiện, dẫn tới sự quan tâm chăm sóc sức khỏe ngày càng cao. Việt Nam bắt đầu bước qua giai đoạn già hóa dân số từ năm 2017, trong khi các nghiên cứu cho thấy, số năm bệnh tật và số loại bệnh trung bình mắc phải của người già đang gia tăng nhanh chóng.
Dư địa tăng trưởng của ngành dược các theo tính toán còn rất cao. IMS cho biết, chi tiêu tiền thuốc bình quân đầu người của Việt Nam hiện mới đạt 33 USD/người/năm. Dự báo con số này vào năm 2021 mới đạt 55 USD, so với mức bình quân 117 USD/người/năm của 22 thị trường dược mới nổi.
Trong khi đó, đối với Việt Nam, chỉ số EPI do Đại học Yales xây dựng và công bố định kỳ năm 2016 rất thấp, đứng thứ 131/180 quốc gia. Chỉ số này đo đạc chất lượng không khí, nguồn nước, vệ sinh môi trường, sản xuất nông lâm ngư nghiệp… cho thấy, Việt Nam vẫn thuộc nhóm có môi trường ô nhiễm cao, gây ra nhiều loại bệnh tật cho con người. Vì vậy, nhu cầu thuốc sẽ tiếp tục tăng.
Tăng tốc đường đua
Trong vòng 2 năm trở lại đây, các công ty dược trong nước đã mạnh tay đầu tư nhà máy mới, thay đổi cung cách quản trị để thích ứng với sự chuyển động trên thị trường. Nhưng từ năm 2017 này, cuộc đua sẽ bước sang một giai đoạn mới, cạnh tranh quyết liệt và bài bản hơn.
Chiến lược tăng trưởng cho giai đoạn 2017-2020 vừa được Traphaco công bố đã gây ấn tượng rất mạnh trên thị trường. Theo đó, Traphaco đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp số 1 trong thị trường dược Việt Nam về tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận, vốn hóa thị trường. Những cái đích mà doanh nghiệp này đặt ra là vốn hóa thị trường đạt 10.000 tỷ đồng, tổng doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận 500 tỷ đồng vào năm 2020.
Nếu nhìn vào kế hoạch năm 2017 mà công ty này đặt ra là 2.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 242 tỷ đồng, không ít nhà đầu tư cho rằng, những con số mà Traphaco đặt ra cho năm 2020 là hết sức tham vọng.
Song phân tích sâu hơn có thể thấy, giai đoạn 2011-2016, Traphaco được ghi nhận là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành, đạt trung bình 16%/năm. Chỉ cần duy trì tốc độ này, mục tiêu trên hoàn toàn trong tầm tay.
Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco cho biết, trong chiến lược mới bên cạnh thị trường truyền thống là miền Bắc, Traphaco sẽ tập trung khai thác thị trường miền Nam với mục tiêu doanh thu đạt 400 tỷ đồng từ năm 2017. Việc nhà máy mới Hưng Yên vận hành thương mại vào quý II/2017 hứa hẹn cho ra nhiều sản phẩm mới đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ. Được biết, trong năm 2017, Traphaco dự kiến đưa ra 8 sản phẩm mới.
Sức mạnh cạnh tranh chủ yếu của Traphaco trong giai đoạn mới là hệ thống phân phối rộng khắp, hiện có thể coi là đứng đầu trong số các doanh nghiệp dược Việt Nam với hơn 23.000 nhà thuốc trên toàn quốc và khả năng kiểm soát giá bán đồng nhất trên toàn hệ thống. Đồng thời, Traphaco sẽ ứng dụng công nghệ thông tin một cách tối đa vào sản xuất, kinh doanh.
Chi tiêu tiền thuốc bình quân đầu người của Việt Nam hiện mới đạt 33 USD/người/năm. Dự báo con số này vào năm 2021 mới đạt 55 USD, so với mức bình quân 117 USD/người/năm của 22 thị trường dược mới nổi.
Ngay tại ĐHCĐ của Traphaco hôm 30/3, đã có cổ đông đặt câu hỏi so sánh hệ thống phân phối của Traphaco và Dược Hậu Giang – doanh nghiệp đứng đầu ngành dược hiện nay. Trên thực tế, 2 doanh nghiệp kẻ tám lạng, người nửa cân và hơn ai hết dù kết thúc 2016 vẫn giữ vững vị thế số 1 ngành dược Việt Nam, nhưng dược Hậu Giang dường như cảm nhận được sức nóng hầm hập từ cạnh tranh ngay sau lưng mình. Một loạt giải pháp đã được HĐQT DHG công bố nhằm giữ vững vị thế doanh nghiệp sản xuất thuốc generics lớn nhất Việt Nam về doanh thu. Trong số đó có việc áp dụng chính sách lương thưởng, đãi ngộ mới từ 1/1/2017; phát triển kênh phân phối hiện đại như chuỗi nhà thuốc, siêu thị, cửa hàng tiện dụng tại 5 thành phố lớn là TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội; áp dụng KPI với nhân viên bán hàng trên các chỉ tiêu: doanh thu khoán, độ bao phủ, phủ sản phẩm chiến lược, sản lượng của sản phẩm chiến lược.
Dược Hậu Giang cũng đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu thuần bình quân ít nhất 15%/năm, đạt 6.750 tỷ đồng vào năm 2020. Nếu như trước đây bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc công ty cho biết, DHG không chủ trương làm marketing trên truyền hình hay các kênh quảng cáo khác thì nay tư duy của công ty đã thay đổi.
Cuộc bám đuổi của doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn thứ hai trên sàn chứng khoán, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm cũng không kém phần quyết liệt. Bà Trần Thị Đào, Tổng giám đốc Imexpharm cho biết, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số năm 2017, với mức doanh thu 1.260 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 160 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23,4% và 13,9% so với năm trước. Bà Đào cho hay, động lực tăng trưởng chủ yếu của công ty bà sẽ đến từ nhóm hàng Imexpharm. Bên cạnh việc tập trung đầu tư cho các nhà máy kháng sinh công nghệ cao Vĩnh Lộc và Bình Dương, Imexpharm cũng đề ra chiến lược đi nhanh bằng cách M&A với các doanh nghiệp khác khi có cơ hội. “Việt Nam đang giữ lợi thế là nơi có chi phí sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn EU-GMP cạnh tranh trên thế giới, thấp hơn 20-40% so với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, nhờ vào chi phí lao động chuyên môn cao còn rẻ, chi phí xây dựng cơ bản thấp và chi phí vận hành thấp.”, vị CEO lý giải cho mục tiêu bứt phá.
Tận dụng lợi thế từ M&A để gia tăng năng lực cạnh tranh đang được Domesco, một ông lớn khác trong ngành dược tập trung khai thác từ năm 2017. Cổ đông lớn nhất của Domesco là Tập đoàn Abbott (Mỹ) cuối năm ngoái đã có sự hiện diện sâu hơn bằng cách đưa thêm 2 ứng viên vào HĐQT Công ty và có buổi gặp gỡ truyền thông cho toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp về chiến lược mới ngay sau ĐHCĐ bất thường. Trước đó, từ tháng 9 đến tháng 11/2016, Abbott đã cử nhiều đoàn khảo sát đến nhà máy của DMC ở Đồng Tháp để đưa ra phương án nâng cao năng lực toàn diện cho DMC. Theo bà Lương Thị Hương Giang, Tổng giám đốc DMC, các khuyến nghị được đưa ra trên cơ sở đánh giá hiện trạng hoạt động của DMC và so sánh với chuẩn hoạt động của các nhà máy của Abbott tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nên sẽ mang tính khả thi cao. Dự kiến Abbott sẽ thực hiện chuyển nhượng quyền thương mại 28 sản phẩm của Abbott cho DMC, trong đó có 17 sản phẩm thuốc thông thường và 11 sản phẩm thuốc điều trị ung thư.
Quan sát những chuyển động trên thị trường dược gần đây, PGS. TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định, ngành dược Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển sôi động và cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn nữa trong năm 2017 và 5 năm tiếp theo.
Thế Phương
* Nguồn: Doanh Nhân Online