Trong hoàn cảnh này, không ít công ty vượt khó, nhờ chuẩn bị trước, kịp thời chuyển hướng phân phối sang thị trường quốc tế qua thương mại điện tử.
Trong đó, Lis Global của CEO Nguyễn Thị Quỳnh Như và DSW của CEO Trần Thị Phi Yến gặt hái thành công ban đầu.
Chủ động thay đổi, sẵn sàng trước nguy cơ
Là doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm chính là gỗ tre, thủ công mỹ nghệ, đồ nhà bếp, trang trí, sân vườn, Lis Global tưởng chừng gặp muôn vàn khó khăn khi giãn cách xã hội khắp cả nước.
Tuy vậy, chị Nguyễn Thị Quỳnh Như, người sáng lập đồng thời là CEO cho biết công ty chủ động về kênh phân phối để giảm thiểu rủi ro phải đối mặt.
“Đại dịch khiến tầm nhìn của các công ty phải thay đổi, triết lý không bỏ trứng vào vào một giỏ trở thành vấn đề thời sự. Trước đây, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn suy nghĩ rằng với lượng khách hàng trong nước quen thuộc, ổn định, tại sao phải tìm kiếm thị trường mới.
Nhưng sau các đợt giãn cách trên cả nước, nhu cầu sụt giảm, lượng khách hàng ít đi. Vì thế, việc mở rộng thị trường là điều bắt buộc. Hiện tại, 80% đơn hàng của Lis Global là xuất khẩu”, chị Quỳnh Như chia sẻ.
Lis Global đã kết nối với các hộ kinh doanh nhỏ ở miền Tây, giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm, nhận đặt hàng gia công cho các đối tác trong nước và quốc tế với hơn 500 mã hàng đa dạng. Là công ty thương mại, Lis Global tỏ ra nhanh nhạy trong việc tìm thị trường mới cho sản phẩm gỗ tre, thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Sản phẩm xuất khẩu của Lis Global là thế mạnh sản xuất của Việt Nam
Tháng 1/2021, gian hàng đầu tiên trên Alibaba của Lis Global bắt đầu hoạt động. Chỉ sau 2 tháng, công ty có đơn hàng đầu tiên từ thị trường quốc tế, trị giá 16.000 USD. Đến tháng 7 vừa qua, đối tác tái ký hợp đồng tăng giá trị lên 120.000 USD. “Hiện tại, doanh số thương mại điện tử của Lis Global vẫn tăng trưởng đều”, CEO Quỳnh Như cho biết.
Chị Quỳnh Như chia sẻ về lý do Lis Global coi kênh thương mại điện tử là con đường giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, bất chấp đại dịch: “Việc tìm kiếm khách hàng bằng cách tham gia các hội chợ chịu ảnh hưởng lớn vì Covid-19. Giao thông đi lại khó khăn, mặt khác, kinh phí cũng không dư dả để triển khai thường xuyên. Nhân viên di chuyển đến hội chợ, thuê gian hàng, vận chuyển sản phẩm tốn kém trong khi số lượng đơn hàng chốt ít hơn. Tham gia hội chợ khi đó chỉ mang tính quảng bá hình ảnh.
Nguyễn Thị Quỳnh Như, người sáng lập đồng thời là CEO Lis Global
Trong khi đó, trên nền tảng thương mại điện tử, chỉ cần ngồi một chỗ để người mua tự liên hệ, người của công ty sẽ tư vấn, gửi thông tin đến đúng khách hàng mục tiêu. Như vậy, doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong thời kỳ khó khăn”.
Khi nào doanh nghiệp cần chuyển đổi số? Đây là câu hỏi thường gặp ở các chủ chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với kinh nghiệm thực tiễn, CEO của Lis Global đưa ra lời khuyên:
'Dấu hiệu rõ nhất là khi công ty ít được khách hàng tiếp cận hơn, thị trường dần bị thu hẹp. Một lúc nào đó, người mua có nhiều thông tin hơn, những mối quan hệ mới và lựa chọn chuyển sang nhà cung cấp tốt hơn với sản phẩm đẹp hơn.
Chủ doanh nghiệp cảm thấy mình thiếu sự liên kết với khách hàng, đang sử dụng cách tiếp cận cũ và không cập nhật sự phát triển thực tế của thị trường. Hoặc đơn giản, khi doanh nghiệp đang tốn quá nhiều chi phí cho cách tiếp cận cũ. Khi đó, doanh nghiệp cần nghĩ tới việc chuyển đổi số, áp dụng cách bán hàng mới, sử dụng thương mại điện tử”.
Hình ảnh, thông tin về sản phẩm được chuẩn bị chu đáo
CEO Nguyễn Thị Quỳnh Như chia sẻ cũng như nhiều công ty khác, Lis Global gặp nhiều khó khăn ở thời điểm ban đầu như cảm giác bỡ ngỡ vì chưa bao giờ làm qua thương mại điện tử, cách vận hành, chỉnh sửa hình ảnh, cập nhật thông tin sản phẩm cho 60 sản phẩm đầu tiên theo yêu cầu của sàn.
“Ban đầu, tôi chưa quen với việc nhận tin nhắn, thư của khách hàng khắp thế giới hỏi sản phẩm vào ban đêm, rạng sáng. Bởi trước đó với khách hàng trong nước, mình có thể hoàn toàn nghỉ ngơi khi hết giờ làm. Tuy vậy, tôi lập tức chú trọng vào khâu trả lời bởi khả năng phản hồi cho khách hàng càng nhanh, tỷ lệ nhận nhiều sao càng cao, việc tiếp cận khách hàng càng tốt”, chị Quỳnh Như cho biết.
Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ, thông tin về chứng chỉ toàn cầu, hình ảnh, quy trình sản xuất của nhà máy hay khả năng phân biệt được RFQ (yêu cầu báo giá) tiềm năng là các vấn đề doanh nghiệp cần giải quyết trong thời gian đầu để lên sàn thương mại điện tử.
“Tuy vậy, về lâu dài, nâng cao chất lượng, dịch vụ vẫn là yếu tố tiên quyết để khách hàng tìm đến, marketing, chăm sóc hình ảnh gian hàng, giá cả chỉ là một phần”, CEO Lis Global khẳng định.
Có những đơn hàng lớn chỉ sau 2 năm
Công ty DSW của CEO Trần Thị Yến Phi cũng đưa các mặt hàng nông sản miền Tây lên sàn thương mại điện tử và bước đầu gặt hái thành công.
“Tôi quê ở Tiền Giang, lớn lên ở Long An, tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng. Khi thành lập doanh nghiệp, tôi muốn đưa sản phẩm của người nông dân đi tiêu thụ ở thị trường quốc tế. Ở trong nước, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa liên tục xảy ra. Nhiều khi chi phí cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu còn cao hơn cả giá bán nông sản”, chị Yến Phi nói. Hiện tại, 85% nông sản được công ty DSW tiêu thụ trên sàn đến từ tỉnh Tiền Giang, Long An.
CEO DSW Trần Thị Yến Phi
CEO của DSW kể lại quá trình khởi nghiệp của bản thân: “Sau 7 năm làm cho doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, tôi cảm thấy nhàm chán vì công việc hàng ngày lặp đi lặp lại. Ban đầu, chúng tôi dự tính đưa sản phẩm vào thị trường châu Âu nhưng phải chuyển hướng sang châu Á vì nhiều lý do. Vì thế, điều quan trọng đầu tiên của các doanh nghiệp là lựa chọn kỹ thị trường mục tiêu để xây dựng sản phẩm phù hợp”.
Khác với 1 doanh nghiệp đang hoạt động có hệ thống bán hàng trong nước ổn định, chỉ mở thêm 1 kênh bán hàng mới trên sàn, DSW khai sinh và xác định bán online ngay từ đầu. Vì thế, sự phát triển của công ty cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi nguồn vốn, nhân lực cũng như kinh nghiệm đều từ con số 0 đi lên.
Khó khăn trở ngại là điều chị Yến Phi và DSW phải đối mặt hàng ngày. “Tháng 2/2019, tôi lập doanh nghiệp, tháng 5 bắt đầu tìm hiểu Alibaba và tháng 7 vận hành tài khoản. Sau 2 tháng, công ty có đơn hàng đầu tiên từ EU nhưng trong các tháng sau đó, không có nhiều đơn hàng từ châu Âu. Rồi dịch lại bùng phát, các đối tác châu Âu coi thường hàng hoá châu Á với câu hỏi “có virus không”. Cước phí hàng không tăng phi mã khiến tôi phải thay đổi chiến lược”, chị Yến Phi chia sẻ.
Các mặt hàng nông sản chủ lực của DSW
Lúc này, DSW phải chuyển đổi hướng tới thị trường châu Á. CEO Yến Phi cho biết: “Tháng 8, chúng tôi thay đổi sản phẩm chiến lược, chỉnh sửa gian hàng sang thị hiếu thẩm mỹ của người châu Á. Đơn hàng đầu tiên đi Nhật Bản là container 40 chở sầu riêng. Khi mới bắt đầu, doanh thu từ đơn hàng là 3.000 USD rồi 10.000 USD. Tiền lãi rất ít. Tuy vậy, sau 1 năm sau, tình hình được cải thiện rất nhanh, doanh thu của công ty tăng lên 260.000 USD. Mục tiêu trong năm 2021 của chúng tôi là 300.000 USD, bất chấp dịch bệnh”.
Hiện tại, DSW bắt đầu có những đơn hàng lớn từ khu vực châu Á với 2 thị trường tiềm năng là Nhật Bản và Trung Quốc.