Phát biểu tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho rằng, MobiFone từ một nhà khai thác viễn thông thuộc VNPT nay đã trở thành một nhà khai thác viễn thông độc lập hoàn toàn, trong đó có nhiều việc cần phải làm như tài nguyên thông tin, kết nối với doanh nghiệp khác. Vì vậy, MobiFone phải nhanh chóng có kế hoạch trở thành nhà mạng viễn thông độc lập, đàm phán bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Một khó khăn nữa là sau khi tách khỏi VNPT, MobiFone chỉ là doanh nghiệp nhỏ trong 3 doanh nghiệp viễn thông lớn hiện nay. Đây là thời điểm MobiFone cần tăng tốc phát triển nhanh mới có cơ hội đuổi kịp hai nhà mạng lớn trong thị trường viễn thông Việt Nam.
Liên quan đến tiến trình cổ phần hóa, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải yêu cầu Tổng Công ty cần xem xét, đề xuất đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp dựa trên tiêu chí về nguồn vốn, kinh nghiệm thị trường, công nghệ để trình lên Bộ TT&TT.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, hiện hầu hết các doanh nghiệp viễn thông di động đều của nhà nước hoặc nhà nước chiếm cổ phần chi phối nên phải tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực viễn thông. Vì vậy, Chính phủ quyết định phải cổ phần hóa MobiFone để cho đối tác nước ngoài tham gia đầu tư và quản trị công ty sẽ đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, việc cổ phần hóa MobiFone không chỉ nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước mà có cả nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài vì thiếu vốn và công nghệ nhưng hiện nay chúng ta cần kinh nghiệm và quản trị doanh nghiệp.
Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về cổ phần hóa MobiFone được tổ chức cuối năm 2014, Ngân hàng Standard Chartered phân tích, thị trường di động Việt Nam có 4 yếu tố cơ bản để hấp dẫn nhà đầu tư. Thứ nhất, thị trường di động Việt Nam có cơ cấu thuận lợi khi có tới 93% thị phần thuộc về 3 mạng di động lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone. Thứ hai, tỷ lệ xâm nhập của dịch vụ di động mới là 78%, như vậy vẫn còn hơn 20% dân số chưa sử dụng dịch vụ di động. Thứ ba, doanh thu dịch vụ dữ liệu của Việt Nam vẫn ở tỷ lệ thấp và dự kiến doanh thu từ dịch vụ này tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm tới. Việt Nam đang có số lượng thuê bao sử dụng 3G mới đạt 29% nên vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Thứ tư, thị trường Việt Nam có tiềm năng bắt kịp với các nước trong khu vực, đặc biệt là về độ sử dụng dữ liệu và doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao.
Tuy nhiên, Ngân hàng Standard Chartered cũng đưa ra 2 điểm đáng chú ý của thị trường di động Việt Nam là sự suy giảm doanh thu về thoại gần đây và phát triển công nghệ không dây chậm hơn với các nước trong khu vực.
Theo đánh giá của Ngân hàng Standard Chartered, MobiFone là mạng di động lớn thứ 2 ở Việt Nam và thị trường vẫn rất tiềm năng, thế nhưng nếu nhìn cơ cấu lợi nhuận của doanh nghiệp này thì đang “đi ngang”. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ đem lại nguồn gió mới cho doanh nghiệp. Các nhà đầu tư chiến lược có thể chia sẻ kinh nghiệm, những chiến lược mới cho MobiFone để phát triển.
Đại diện Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, MobiFone chỉ cần có 1 nhà đầu tư chiến lược sẽ khả thi nhất. Khi Chính phủ Việt Nam muốn bán MobiFone ở mức giá nào sẽ phải tham chiếu đưa về giá tương đồng với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…