Cửa hàng Zara đầu tiên khai trương tại TP. Hồ Chí Minh khiến các tín đồ của thương hiệu thời trang đến từ Tây Ban Nhà có cơ hội mua trực tiếp sản phẩm mà không cần qua trung gian, online hay ra tận nước ngoài để có được món đồ mình yêu thích. Nhưng đây lại là một tin không vui đối với các shop, các đầu mối chuyên nhận đặt mua hộ hàng của thương hiệu này.
Nguyễn Văn Trúc Lâm, chủ một shop chuyên nhận đặt mua hàng Zara ở phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh, khẳng định sự có mặt của Zara tại Việt Nam chắc chắn có ảnh hưởng đến hoạt động không chỉ của shop mà tất cả các cửa hàng, đầu mối chuyên nhận order nhãn hiệu thời trang này từ trước đến nay. Theo anh Lâm, giá bán các sản phẩm của Zara Việt Nam đang rất “mềm” so với các mẫu hàng anh đặt về, do vậy shop anh không thể cạnh tranh được. “Họ làm giá tốt, mẫu mã đa dạng, chưa có dịp ghé Zara nhưng đọc báo, Facebook thấy mọi người đổ xô đến mua quá đông, bạn bè check in liên tục khiến mình thấy lo lắng.”, anh Lâm nói.
Tuy nhiên theo anh Lâm, thương hiệu này mở cửa hàng tại Việt Nam không phải là tín hiệu quá xấu, bởi hiện tại, Zara Việt Nam chưa có hệ thống bán hàng online, trong khi shop của anh đang mạnh ở khâu này. Từ khi các tín đồ thời trang “sốt” với Zara thì lượng truy cập vào trang web của shop cũng nhiều hơn, đơn hàng từ đó cũng tăng.
“Mới chỉ có một cửa hàng ở TP. Hồ Chí Minh, các nơi khác như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng hay Nha Trang… khách hàng vẫn chưa có cơ hội tiếp cận, vẫn phải đặt mua online qua các cửa hàng chuyên order. Tại TP. Hồ Chí Minh, có thể thời gian đầu khách tò mò, đến xem mẫu mã nhưng chắc gì độ tò mò kéo dài, không phải ai cũng có thể đến tận cửa hàng tìm mua được.”, anh Lâm khẳng định.
Để có thể cạnh tranh lâu dài, đầu mối này cho biết đang tính đến các phương án thay thế. Một trong những cách đó là đẩy mạnh quảng cáo trực tuyến, bán hàng qua mạng và vận chuyển hàng toàn quốc, dịch vụ đổi trả, thậm chí phải chuyển hướng nhận order cả các thương hiệu khác cùng phân khúc như H&M, Mango… Anh cũng tự tin, có thể cùng một thương hiệu nhưng nhiều mẫu mã chỉ có ở nước ngoài, Zara ở Việt Nam chưa chắc đã có.
Tại Hà Nội, mặc dù cơn bão Zara chưa “càn quét” nhưng nhiều đầu mối đặt hàng cũng đau đầu. Chị Nguyễn Trà My, một chủ shop chuyên nhận đặt mua hộ các mặt hàng thời trang của Zara, H&M, Mango… qua mạng cho hay, đơn hàng bắt đầu có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân một phần là do thời tiết đang ở giai đoạn chuyển mùa, một phần vì sự có mặt của Zara khiến nhiều khách ngưng đặt mua mà nhờ người thân, bạn bè ở TP. Hồ Chí Minh đến tận cửa hàng để mong tiếp cận sản phẩm thực tế, mua được giá mềm. My còn tiết lộ, nhiều cửa hàng tại Hà Nội đang bán thanh lý các mặt hàng có sẵn với giá giảm 50-60%, vì sốt ruột khi thấy lượng khách mua giảm.
Tuy nhiên, cũng có nhiều cửa hàng lại coi sự có mặt của Zara hay các thương hiệu ngoại nổi tiếng khác ở Việt Nam là cơ hội mới cho mình. Chủ shop JustMe trên phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, chuyên nhận order thương hiệu H&M đánh giá, đây là một tín hiệu tốt cho người dùng Việt Nam vì hiện tại cứ khoảng 10 người nghe và biết thương hiệu thì chỉ có 1-2 người có cơ hội mua. 8-9 người còn lại phải dùng nhiều hàng trôi nổi, hàng nhái chất lượng kém.
“Theo tôi hàng order chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng về lâu dài. Nhưng hiện tại chúng tôi chỉ cạnh tranh với hàng trôi nổi, hàng fake, còn hàng thương hiệu chính hãng thì không đáng lo ngại. Ở Sài Gòn, Zara vẫn chưa bán hàng online, người tiêu dùng ở xa TP. Hồ Chí Minh vẫn phải mua qua các cửa hàng như chúng tôi”, chủ shop khẳng định.
Kinh doanh ngay hôm nay cùng Bizweb!