Các mạng đa kênh (MCN) đang loại bớt các kênh YouTube nhỏ vì yêu cầu kiểm duyệt chặt chẽ từ phía YouTube.
Tương lai của các mạng đa kênh (multi-channel network – MCN) lớn như Fullscreen, Ritual, BBTV đang bị đặt dấu hỏi khi hàng nghìn nhà sáng tạo nội dung cảm thấy bất mãn với họ.
Mạng đa kênh thường là các công ty lớn, gom hàng trăm hoặc hàng nghìn nhà sáng tạo nội dung lại, hoạt động trong một mạng lưới. Mạng lưới này trả % tiền quảng cáo cho các nhà sáng tạo nội dung, cùng với phí CPM cao hơn (cost per 1.000 impressions – giá mỗi 1.000 lần hiển thị).
Các kênh YouTube nhỏ đang ngày càng thiệt thòi trong một sân chơi mà YouTube muốn thắt chặt chính sách. Ảnh: MakeUseOf.
Tuy nhiên, trang Polygon cho rằng nhiều mạng đa kênh sẽ phải đối diện với nguy cơ tan rã trong vòng một năm tới.
Tất cả bắt đầu khoảng vài tuần trước, khi các nhà sáng tạo nội dung hợp tác với Fullscreen (một trong những mạng đa kênh lớn) chia sẻ về việc họ bị đá ra khỏi mạng lưới mà không có lý do.
Fullscreen nói với một nhà sáng tạo rằng đó là do “một quyết định từ YouTube và việc này ngoài kiểm soát”. Người đại diện của Fullscreen sau đó khẳng định thông điệp này “chưa chính xác”. Mặc dù vậy, vị này thừa nhận Fullscreen chấm dứt hợp tác với “khoảng 160 nhà sáng tạo nội dung” từ ngày 5/4.
Nói với Polygon, ông Howard Pinsky – Giám đốc marketing của Fullscrene khẳng định: “YouTube bắt buộc mọi mạng đa kênh phải loại bỏ các nhà sáng tạo có nguy cơ vi phạm điều khoản dịch vụ (bản quyền, ảnh đại diện gây nhầm lẫn)”.
“Đây không phải quyết định từ mạng lưới mà từ YouTube. Họ đã bắt đầu dọn dẹp nền tảng. Fullscreen và các mạng lưới khác không có gì để nói ở đây. Đây là quyết định từ YouTube. Từ những gì họ lý giải cho chúng tôi, nhiều kênh có nguy cơ vi phạm điều khoản dịch vụ của YouTube và các kênh này cần phải được loại bỏ”.
Quyết định mà ông Pinsky nhắc đến ở đây được gọi là chính sách “Hiểu biết khách hàng”, theo Jason Urgo, CEO của Social Blade, công ty nghiên cứu số liệu trên YouTube. “YouTube đang gây áp lực lớn lên các mạng đa kênh”, Urgo nói.
Các mạng đa kênh (MCN) cũng điêu đứng trước chính sách mới của YouTube. Ảnh: UV Flix.
Chính sách “hiểu biết khách hàng” này đặt các mạng đa kênh ở vị trí khó, theo Urgo. Họ buộc phải loại bỏ một lượng lớn các nhà sáng tạo nội dung để tiếp tục làm việc với YouTube.
“Họ buộc các mạng đa kênh phải kiểm soát từng video đăng tải bởi đối tác, hoặc ít nhất đủ tự tin để khẳng định không video nào vi phạm hiện tại và trong tương lai”, Urgo nói. “Cụ thể, nếu một mạng đa kênh bị dính 50 ‘phốt’ (một phốt được tính là một kênh nào đó bị cấm hoặc mất khả năng kiếm tiền) trong 90 ngày, họ sẽ không thể hợp tác với bất kỳ kênh nào khác trong một khoảng thời gian”.
“Nếu quy luật 50-90 này được kích hoạt nhiều lần, mạng đa kênh đó có thể bị loại bỏ”.
Điều này đồng nghĩa các nhà sáng tạo nội dung bị đá khỏi mạng lưới chưa chắc vì họ vi phạm chính sách của YouTube mà vì mạng đa kênh lo sợ họ sẽ vi phạm.
Tuy nhiên, các mạng đa kênh hoàn toàn không thông báo cho nhà sáng tạo nội dung về lý do này. “Bất cứ khi nào tôi hỏi ai đó về lý do, tôi đều không nhận được câu trả lời hoặc một câu trả lời chung chung”, Justin Rabbit – nhà sáng tạo nội dung từng thuộc kênh Fullscreen nói.
Chính sách mới của YouTube đồng nghĩa “các mạng đa kênh phải loại bỏ hàng loạt đối tác để đảm bảo an toàn, đồng thời phải kiểm duyệt thủ công toàn bộ nội dung nếu muốn nhận đối tác mới. Cả 2 trường hợp đều gây ảnh hưởng kinh tế khá lớn”, Urgo nói.
Trước đó, YouTube cũng yêu cầu các nhà sản xuất nội dung phải đạt đủ điều kiện nhất định mới có thể bật tính năng kiếm tiền. Ảnh: Udemy.
Chính sách này sẽ gây rắc rối lớn cho các nhà sản xuất nội dung nhỏ, những người đã phải đối mặt với một trở ngại khác trước đó. YouTube giới thiệu chính sách, yêu cầu các kênh phải có ít nhất 1.000 người theo dõi và 4.000 giờ xem video trong 12 tháng gần nhất mới có thể kiếm tiền trên nền tảng này.
Đây được xem là lần đầu tiên các mạng đa kênh “thanh lọc” chương trình đối tác của mình để đảm bảo yêu cầu từ YouTube. Đại diện một mạng đa kênh lớn cho hay hàng nghìn nhà sáng tạo nội dung đã bị loại bỏ khỏi mạng lưới sau chiến dịch này.
“YouTube đang cố gắng chặn đường sống của các mạng đa kênh. Tôi không nhìn thấy mạng đa kênh nào có thể vận hành yên ổn sau 6 tháng nữa. Có vẻ như YouTube đang cố gắng làm chúng tôi phá sản”, người này nói.
Theo Zing News