Sự rối rắm về tên gọi là nỗi ám ảnh của những ai mong muốn tìm mua một chiếc smartphone Android hay Windows Phone, và giờ đây nỗi ám ảnh đó có vẻ như sắp đến với một nạn nhân tiếp theo: người dùng iOS.
Những ai ưa thích sản phẩm Apple đều có thể dễ dàng kể tên các mẫu máy cũ lẫn mới, tuy nhiên đó là câu chuyện của hai năm trở về trước, khi mà giờ đây số lượng máy với rất nhiều tên gọi được Apple đặt ra đã và đang làm phức tạp hóa triết lý “đơn giản” mà họ theo đuổi. Và với iPhone SE và iPad Pro 9,7” mới được tung ra, mọi thứ ngày càng rối rắm hơn nữa.
Trước hết, cần phải thực tế một chút! Khi bước vào một cửa hàng bán thiết bị Apple, sẽ có những trường hợp dưới đây
Mua iPhone: iPhone SE, iPhone 6 , iPhone 6 Plus, iPhone 6s , iPhone 6s Plus. iPhone 6s và 6s Plus có 4 màu và 3 mức dung lượng, iPhone 6 và 6 Plus thì chỉ có 3 màu, riêng iPhone SE thì chỉ có hai mức là 16GB hoặc 64GB, các phiên bản còn lại không có dung lượng 16GB bộ nhớ trong.
Mua iPad : iPad Mini 2, iPad Mini 4 (ủa chứ sao không có iPad Mini 3???), iPad Air 2, iPad Pro 9,7”, iPad Pro 12,9”. iPad Mini là chiếc iPad nhỏ nhất, iPad Air 2 thì to hơn với kích thước truyền thống 9,7”, iPad Pro cao cấp nhất khi có hiệu năng cao nhất. Vậy iPad Air 2 và iPad Pro 9,7” làm sao phân biệt? Mà nếu có tìm được điểm khác nhau rồi, thì làm sao biết mua cái nào khi ngoại hình cơ bản là gần như đồng nhất? Và rồi khi nói về iPad Pro, chúng ta nói về cái nào, 9,7” hay 12,9”, gọi là iPad Pro 9,7” hay iPad Pro mới hay iPad Pro nhỏ hơn. Rồi sau này ra thêm một phiên bản iPad Pro nữa thì cái cũ gọi là gì? iPad Pro cũ chăng, cũ thì 12,9” cũng cũ rồi
Mua MacBook : MacBook 12”, MacBook Air, MacBook Pro Retina. Mảng này thì đơn giản hơn khi chúng ta chỉ phân vân về kích thước và màn hình (hiệu năng là thứ phải xem rồi không kể vào)
Mua Apple Watch: Ác mộng! Mình đố bạn nào kể tên hết được tất cả phiên bản của Apple Watch đấy. Có quá nhiều phiên bản, quá nhiều chất liệu, quá nhiều loại dây và cũng quá nhiều mức giá. Mình chỉ thấy điểm phân biệt dễ nhất đó là kích thước mặt đồng hồ 38mm và 42mm.
Tất nhiên, độ phức tạp của những mẫu mã sản phẩm Apple khi so với Samsung hay LG hay Microsoft vẫn chưa là gì, nhưng nó là dấu hiệu cho thấy Apple đang tiến gần hơn đến thứ gọi là “sự phân mảnh tên gọi”. Mọi thứ sẽ càng trở nên rối hơn nữa khi mà trong năm sau Apple sẽ tiếp tục đẻ ra thêm các phiên bản tiếp theo như iPhone SE2, iPhone 7/7+, rồi nếu vui lên hay hứng thú lên như năm nay thì biết đâu họ sẽ ra iPhone AE (Apple Edition) hay iPhone JE (Jobs Edition) hay iPhone CE (Cook Edition) nữa thì sao.
Sẽ có ý kiến cho rằng tại sao Apple không tạo ra một dòng iPhone và sau đó phân biệt chúng với kích cỡ màn hình, ví dụ như chỉ ra mắt iPhone 6 với ba kích cỡ: 4-inch, 4,7-inch và 5,5-inch, không cần đặt tên SE hay Plus cho rắc rối?
Thực tế nếu làm như vậy thì sẽ đồng nghĩa với việc tất cả các mẫu iPhone sẽ có cùng cấu hình và đặc điểm phần cứng, chỉ khác nhau về kích thước màn hình và màu tùy vào lựa chọn khách hàng. Trong khi đó Apple lại muốn theo đuổi một hướng đi khác: mỗi phiên bản thiết bị (iPhone hay iPad) sẽ có ưu điểm và nhược điểm riêng, tùy vào nhu cầu người mua.
Ví dụ người mua chọn iPad Pro 12,9' sẽ chấp nhận camera kém hơn so với bản 9,7', ngược lại nếu chọn iPad Pro 9,7' thì lại chỉ có 2GB RAM và hiệu năng không tối đa. Tương tự, muốn một chiếc máy nhỏ và mạnh như iPhone SE thì phải chấp nhận Touch ID đời đầu và thiết kế của những năm về trước. Xét về mặt tích cực, hướng đi của Apple giúp cho họ duy trì sự cân bằng về nhu cầu giữa những mẫu thiết bị trong cùng một dòng, sẽ không có một mẫu máy nào thực sự nổi trội hơn so với phần còn lại.
Apple dưới thời Steve Jobs luôn hướng đến triết lý đơn giản, sáng tạo, mọi thứ từ Apple luôn rất dễ hiểu, dễ nhớ và dễ nắm bắt. Tuy nhiên, đây là thời đại của Tim Cook - người chú trọng vào việc làm kinh tế, tăng sức cạnh tranh của Apple, mang Apple trở thành một thương hiệu phổ biến với nhiều đối tượng người dùng cuối. Điều này có thể dễ dàng nhận ra khi Apple bắt đầu tung ra iPad mini, ra hai phiên bản iPhone với hai kích thước màn hình riêng biệt, ra mắt iPhone 5c giá rẻ đầy màu sắc, và đặc biệt là tung ra Apple Watch.
Và khi bạn đẻ ra quá nhiều con thì bạn cũng phải dành thời gian đặt tên cho chúng. Apple biết điều này nhưng họ đành phải chấp nhận: họ biết không thể nào thu lại lợi nhuận lớn, không thể nào thu hút lượng người dùng nếu như cứ giữ truyền thống mỗi năm ra một mẫu iPhone hay một mẫu iPad được. Apple giờ đây rất khác! Họ muốn vươn chiếc vòi của mình, không còn khái niệm một Apple với iPhone ngự trị ở phân khúc cao cấp nữa, giờ đây Apple là ở khắp mọi nơi, từ cao cấp cho đến trung cấp, từ những chiếc smartphone cỡ nhỏ cho đến phablet và từ tablet mini cho đến tablet siêu lớn.
Chiến lược trên của Apple đã được nhìn thấy rất rõ, và có lẽ họ sẽ còn tung ra nhiều sản phẩm nữa trong thời gian tới. Nhiều sản phẩm không có gì là quá tồi, nhưng Apple làm ơn hãy đơn giản hóa cái tên, năm nay là SE vậy năm sau là gì? Phải chăng là SE 2 hay lại thêm iPad SE, MacBook SE rồi sau đó lại BE DE NE CE…?
Tham khảo The Verge