Công nghệ hình xăm cảm biến sinh học giúp người bệnh tiểu đường phát hiện khi đường huyết tăng.
Một nhóm nghiên cứu thuộc đại học Havard và MIT đã phát minh ra cách kiểm tra hoàn toàn mới lạ. Sử dụng một loại mực đặc biệt, họ đã tạo ra hình xăm cảm biến sinh học, thay đổi màu sắc tùy thuộc vào lượng đường trong máu.
Loại mực được sử dụng có tên DermalAbyss, đang trong giai đoạn kiểm chứng và chưa áp dụng rộng rãi. Mực này có khả năng theo dõi nồng độ pH, natri và glucose trong máu. Dưới ánh sáng mặt trời, quá nhiều glucose sẽ khiến mực chuyển màu xám, quá nhiều natri sẽ chuyển màu xanh lá trong khi màu tím và hồng biểu hiện sự thay đổi nồng độ pH.
Trong video quảng bá, nhóm nghiên cứu cho biết mực DermalAbyss đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới với giao diện sinh học, trong đó bề mặt cơ thể người được biểu hiện như là màn hình tương tác.
Loại mực này không trực tiếp nối với mạch máu, nó chỉ theo dõi các dịch kẽ, một chất bao quanh các tế bào mô động vật. Nước, ion và các chất hòa tan nhỏ bao gồm muối, đường, chất béo, acid amin và các hooc môn nhờ các chất lỏng này đi qua các bức tường mao mạch.
Video giới thiệu về công nghệ cảm biến sinh học trên hình xăm của nhóm nghiên cứu.
Hiện tại, công nghệ chỉ thử nghiệm trên da lợn vì sự tương đồng với da con người. Mặc dù đã thành công, nhóm nghiên cứu vẫn phải thử nghiệm trên người để kiểm tra hiện tượng dị ứng và thời gian của loại mực này trên da.
Đây là giải pháp mới mẻ, đơn giản cho vấn đề đã làm đau đầu các nhà khoa học từ lâu. Dù vẫn phải can thiệp vào bên trong da, phương pháp này sau đó sẽ trở thành một phần của cơ thể.
Người bệnh có thể xăm hình theo ý muốn và đó sẽ là một hình xăm có ý nghĩa như những hình thông thường. Các nhà khoa học đang hướng đến sự hợp tác của các công ty công nghệ sinh học và chăm sóc da, nhằm thúc đẩy ý tưởng về cộng sinh giữa con người và thiết bị.
An Tech
Theo Đời sống & Pháp lý