Mới đây, các nghiên cứu sinh tại Viện da liễu Nomura, thành phố Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản đã tìm ra được mối liên hệ giữa việc sử dụng smartphone quá nhiều và các loại bệnh da liễu, mà chủ yếu nằm ở đầu ngón tay của người sử dụng.
'Ngày càng có nhiều bệnh nhân đến khám bệnh ở chỗ chúng tôi. Tất cả bọn họ đều có chung một triệu chứng: các đầu ngón tay bị thô ráp và nứt nẻ', Yuko Nomura, viện trưởng Viện da liễu Nomura chia sẻ.
Các đầu ngón tay của người thường xuyên dùng smartphone có nguy cơ nứt nẻ.
Nhận thấy số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng đột biến, vào cuối tháng 6 năm nay, bà Nomura quyết định đứng ra kêu gọi thành lập một nhóm nghiên cứu chuyên sâu về bệnh lý trên tại Tokyo và hội chứng 'nhám da bởi smartphone' ra đời.
Các chuyên gia phân tích rằng, làn da ngón tay chúng ta gồm có 3 lớp (mỗi lớp dày khoảng 0,1-0,3 mm) có khả năng tự phân chia nhằm tạo ra tế bào mới. Một khi làn da ngón tay không được chăm sóc kĩ càng, lớp biểu bì cũ (bao gồm lớp sừng và các tế bào cũ) vẫn sẽ giữ nguyên trên bề mặt của da.
Điều này làm cho làn da dễ bị xâm nhập bởi các tác nhân bên ngoài như độ ẩm cao, tia cực tím và thời tiết khô hanh vì lớp tế bào cũ sẽ hạn chế khả năng giữ ẩm của da, dẫn tới hình thành sự nhám da.
Bên cạnh đó, sự ra đời của các thiết bị điện tử tích hợp công nghệ cảm biến như smartphone và máy tính bảng làm cho lớp da, chủ yếu ở đầu ngón tay bị ảnh hưởng nặng nề.
Cấu trúc cơ bản của da người và chức năng của từng lớp da.
Người dùng có xu hướng ma sát ngón tay lên màn hình cảm ứng khi sử dụng thiết bị điện tử và hành động này lặp đi lặp lại hàng nghìn lần mỗi ngày. Theo đó, nhiệt lượng sinh ra từ chính thiết bị và hành vi trên gây đỏ ửng và làm ngứa ngáy lớp biểu bì ngoài, nặng hơn nữa là lột da.
Không những thế, sự gia tăng đột biến của việc sử dụng ngón tay trong công việc như gõ bàn phím máy tính hay sử dụng smartphone cũng như môi trường sử dụng đồ chơi công nghệ cao vốn không mấy sạch sẽ chính là nguồn cơn căn bệnh 'nhám da đầu ngón tay' ngày một gia tăng.
Cho dù làn da của bệnh nhân luôn trong tình trạng tốt nhất, hội chứng này vẫn sẽ để lại nhiều vết thương nhỏ và nếu không được chữa trị, chúng sẽ lan rộng và ngày càng nặng thêm.
Bà Yuko Nomura cùng đồng nghiệp đã tìm được biện pháp phù hợp để khắc chế hội chứng trên, họ cung cấp cho bệnh nhân một liệu pháp chữa trị mà không sử dụng bất kì loại thuốc nào mang tên 'giải phóng tế bào da'.
Sử dụng liệu pháp tâm lý có là biện pháp hữu hiệu giải quyết triệt để vấn đề trên.
'Chúng tôi khuyên bệnh nhân trước tiên hãy chụp hình khu vực nhiễm bệnh của họ bằng chính chiếc smartphone đang sử dụng, nguồn cơn của căn bệnh. Sau đó, phóng to hình ảnh lên đến từng thớ da và quan sát những vết thương ấy. Bằng cách này, cơ thể bệnh nhân sẽ tự phản ứng và tiết ra các hóa chất có tác dụng tự làm lành chỗ da bị thương tổn', bà Nomura cho hay.
Ngoài các bệnh về da liễu ở tay, lạm dụng smartphone trong một khoảng thời gian dài dẫn tới tình trạng chuột rút các ngón tay cũng như ảnh hưởng tới móng tay và cổ tay. Nguyên nhân là do smartphone không có các nút bấm vật lý, lực tác động của người sử dụng vào thiết bị không bị triệt tiêu bớt mà sẽ phản lại, vô tình tạo áp lực lên cả bàn tay của người dùng.
Anh Thi
Theo Zing