HTC U11 ra mắt như một lời khẳng định về sự phát triển HTC U với cấu hình cạnh tranh cùng vẻ ngoài kế thừa ngôn ngữ thiết kế Liquid Design đặc trưng. Ở sản phẩm lần này, nhà sản xuất Đài Loan lần đầu trang bị tính năng “bóp thông minh’’, hay còn gọi là Edge Sense - như một dấu ấn để người tiêu dùng ấn tượng về chiếc flagship của họ.
Vậy Edge Sense là gì, và nó sẽ mang đến những trải nghiệm mới mẻ như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Egde Sense là gì?
Nói một cách đơn giản, Edge Sense là tính năng cho phép bạn tác động lực lên mặt bên của điện thoại để tương tác với nó, tương tự như việc sử dụng các phím tăng giảm âm. Ở HTC U11, Edge Sense sẽ chủ yếu tập trung vào cạnh bên phía dưới của sản phẩm, khi phần trên là chỗ cho các nút chức năng truyền thống. Nhà sản xuất sẽ đặt một cảm biến áp suất tại đây để nhận được lực bóp của bạn, từ đó ra lệnh cho các ứng dụng hoạt động theo mức độ tương ứng. Ví dụ, bạn có thể cài đặt việc bóp trong thời gian ngắn sẽ kích hoạt trình duyệt, hay bóp trong thời gian dài hơn sẽ mở camera.
Bạn lo ngại về độ bền của vỏ điện thoại khi sử dụng Edge Sense? Hay nghi ngờ về độ bền của nó khi phải thích ứng với tính năng mới? Bạn có thể hoàn toàn yên tâm, bởi với Liquid Design, bề ngoài của HTC U11 không chỉ là vỏ kim loại nguyên khối, mà còn được phủ thêm một lớp thủy tinh để tăng độ bóng bẩy và chắc chắn. Điều đáng nói là theo công bố của HTC bộ cảm biến lần này (mỗi bên 4 cảm biến) có độ chính xác khá cao, tiêu tốn ít năng lượng và hiệu năng bị suy giảm khá ít theo thời gian. Vậy nên, cứ thoải mái mà bóp nhé!
Edge Sense có tạo được sự khác biệt?
Công bằng mà nói, Edge Sense sẽ nâng mức độ trải nghiệm của người tiêu dùng lên một tầm cao mới. Các hãng công nghệ luôn mong muốn đem đến sự khác biệt trong phong cách sử dụng cho sản phẩm của mình, chẳng hạn như việc LG đưa hút home ra mặt sau tương ứng với vị trí ngón trỏ, hay Samsung cũng đem chức năng cảm biến vân tay đặt sang cạnh camera chính. Với HTC U11 lần này, việc đặt Edge Sense ngay tại vị trí tác động mạnh nhất của ngón tay thật sự là một lựa chọn khôn ngoan, vì khả năng tương tác không chỉ phong phú, mà còn dễ dàng hơn.
Quan trọng hơn, mấu chốt của tính năng mới này không chỉ nằm ở vị trí, mà còn nằm ở loại cảm biến. HTC không trang bị cảm biến điện dung mà trang bị cảm biến lực, nên hãy hoàn toàn yên tâm về khả năng hoạt động của Edge Sense trong bất kì điều kiện nào. Bạn có thể thoải mái chọn cho mình một chiếc case yêu thích, hay chụp ảnh mà không cần phải tháo găng tay khi đi đang vi vu trên những cung đường, hay đang hưởng thời tiết mát lạnh tại một nơi xa xôi nào đó.
Hãy nhớ lại đi, bạn đã gặp rắc rối với những điều này bao nhiêu lần rồi?
Liệu “bóp’’ sẽ trở thành xu hướng mới cho smartphone?
Edge Sense thực sự mang lại tiềm năng rất lớn cho điện thoại ngày nay. Thực tế, nó có cách hoạt động khá giống với 3D Touch trên iPhone 6s trước đó, nhưng tính năng này lại không được nhắc đến nhiều. Hay như LG, nút home phía sau của họ cũng không đem lại khác biệt là mấy khi người ta đã quá quen với việc dành riêng ngón cái cho smartphone của họ. HTC dường như học được khá nhiều từ hai bài học này. Cách mà họ tạo ra Edge Sense dường như là đưa 3D Touch sang các cạnh bên và dễ dàng sử dụng bằng nhiều ngón tay. HTC hiểu đây là con bài quan trọng cho sự trở lại của mình. Vì thế, không những chăm chút kĩ lưỡng từ trước khi U11 ra mắt, HTC vẫn đang trong quá trình nâng cao khả năng mà Edge Sense có thể đem lại.
Điều này khiến các đối thủ cạnh tranh phải có một động thái nhất định để giành được ấn tượng của khách hàng, trong một bối cảnh mà cuộc đua công nghệ đang vô cùng khốc liệt. Sau kích cỡ điện thoại, sau camera kép, đã đến lúc cho những tính năng mới ra đời và lên ngôi.
NTT