Thời gian gần đây với việc iPhone lock được sửa lỗi hoàn toàn nhờ SIM ghép, xuất hiện iPhone lock giả iPhone quốc tế bằng cách câu SIM ghép vào trong máy!
SIM ghép thần thánh hiện nay đang được bán rất nhiều trên thị trường, nó sửa được hầu hết tất cả các lỗi mà iPhone lock mắc phải. Trước đây, với những người dùng mua iPhone lock sẽ phải chấp nhận những lỗi lặt vặt như lỗi không hiển thị danh bạ mà hiện đầu số +84 hay không kiểm tra được tài khoản bằng cú pháp *101# của các nhà mạng, ….
Nhưng với SIM ghép thần thánh hiện nay thì hầu như không còn xuất hiện những lỗi đó nữa, chỉ có điều là tỉ lệ bị khóa SIM ghép rất cao. Gần đây liên tục ba lần liên tiếp SIM ghép thần thánh bị khóa (SIM ghép đã ra tới version 4 mà trên thực tế là chỉ đổi mã ICCID để qua mặt Apple). Chính vì những lợi thế rất lớn của SIM ghép mà giá thành lại rất rẻ này, mà nhiều gian thương đã lợi dụng để chuộc lợi bằng hình thức “câu thẳng SIM ghép vào máy iPhone lock”. Mục đích để biến những chiếc iPhone lock biến thành những chiếc iPhone quốc tế giả, qua đó bán với giá cao hơn rất nhiều.
1. iPhone bị câu SIM ghép là gì?
Đây là những chiếc iPhone lock được gian thương câu SIM ghép trực tiếp vào bo mạch chủ của máy, điều đó khiến cho hình thức bên ngoài của iPhone vẫn đẹp và không có gì thay đổi. Người dùng chỉ cần đút SIM bình thường vào như iPhone quốc tế mà không cần SIM ghép, vì SIM ghép đã được gắn trực tiếp vào trong bo mạch ở trong.
Những chiếc điện thoại iPhone lock có giá rẻ hơn rất nhiều, có khi rẻ hơn một nửa so với giá iPhone quốc tế, nên hình thức lừa đảo này rất có lời và bị nhiều người lợi dụng. Do đó, người dùng không thận trọng và kiểm tra kĩ lưỡng chắc chắn sẽ bị lừa.
Dưới đây là những cách để người dùng có thể kiểm tra được có phải iPhone lock câu SIM ghép hay không, để tránh trường hợp mua nhầm.
2. Các cách kiểm tra iPhone lock giả dạng quốc tế bằng SIM ghép
Cách 1: Xem phần ứng dụng của SIM
Với cách này chúng ta sẽ nhận biết được iPhone có sử dụng SIM ghép hay không qua tên những ứng dụng hiện mặc định trong SIM.
Từ màn hình chính của iPhone, hãy vào Settings > Phone > SIM Applications (Với tiếng Việt là Cài đặt > Điện thoại > Ứng dụng của SIM).
Với iPhone lock giả quốc tế bằng cách câu SIM ghép thì bạn sẽ thấy các ứng dụng hiển thị trong đây như: Lock Carri, Edit IMSI,… (Ảnh 1). Còn với iPhone quốc tế sẽ là những ứng dụng của nhà mạng Xổ số như: Xổ số, LiveInfo,… (Ảnh 2).
Cách 2: Xem số ICCID
ICCID (Integrates Circuit Card Identifier) là một mã định dạng thẻ SIM điện thoại, mổi SIM chỉ có 1 mã ICCID duy nhất. Với các SIM ghép thần thánh trên thị trường thường có đoạn mã ICCID rất lạ, SIM ghép Version 4 còn có chữ F trong đó.
Để xem được mã ICCID, từ màn hình chính hãy vào Settings > General > About. Kéo xuống dưới ở dòng ICCID là mã đó.
Thường mã này ở Việt Nam thường là 8940….. Dưới đây là ảnh chứa đoạn mã của một SIM ghép thần thành version 3.
Cách 3: Thử kích hoạt iPhone bằng SIM khác
Khi đi mua điện thoại iPhone, nên chuẩn bị sẵn một chiếc SIM khác. Lúc kiểm tra máy hãy gắn chiếc SIM mới vào và tiến hành Restore lại iPhone. Nếu màn hình kích hoạt hiện ra mà cột sóng chỉ xuất hiện khi quá trình kích hoạt hoàn tất thì khả năng cao đây chính là máy khóa mạng.
Cách 4: Dùng đoạn code “huyền thoại” của SIM ghép
SIM ghép thần thánh có một dòng mã để thao tác các tính năng có trên SIM này. Dòng mã đó sau khi nhập vào sẽ hiển thị các nhà mạng để chọn, do đó khi kiểm tra iPhone các bạn hãy nhập dòng mã *5005*7672*0# hoặc *5005*7672*00#, sau đó hãy ấn nút gọi. Nếu hiện thông báo nhà mạng tương tự như ảnh dưới thì đó là máy lock gắn SIM ghép ở trong bo mạch.
Tuy nhiên, các bạn lưu ý rằng có một vài loại SIM ghép đã thay đổi mã này, nên cách 1 vẫn là cách tốt nhất để các bạn có thể kiểm tra được có phải iPhone giả SIM ghép.
Ngoài những cách trên ra còn những cách khác nhưng sẽ không phù hợp với các bạn mới nếu không rành. Mong rằng với những cách trên, khi bạn đi mua iPhone mới hãy kiểm tra kỹ để tránh trường hợp mua nhầm iPhone lock giả quốc tế bằng SIM ghép. Chúc bạn mua được iPhone chất lượng và đừng quên chia sẻ với bạn bè của mình nhé!
VuBeu
Theo: trainghiemso