Rõ ràng Porsche không muốn đánh cược với dòng xe quan trọng này. Do đó, Cayenne thế hệ thứ 3 vẫn có vẻ bề ngoài không quá khác biệt so với thế hệ thứ 2. Tất nhiên, không một tấm thân xe nào được chia sẻ chung giữa 2 dòng đời nhưng ngoài các góc độ tròn trịa hơn một chút, nóc mái dốc hơn một tẹo và kiểu dáng tổng thể thấp hơn, rộng hơn, Porsche không thay đổi Cayenne 2019 quá nhiều. Câu nói: “Đừng sửa cái gì không hỏng” thực sự không thể đúng hơn trong trường hợp này.
Dòng xe cứu vãn thương hiệu Porsche
Vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Porsche biết họ phải “làm gì đó” để tồn tại. Vào thời điểm đó, Porsche chỉ có 2 dòng xe chính là 911 đời 993 và dòng Boxster vừa mới trình làng. Đó vẫn là những dòng xe khá hút khách, nhưng chừng đó là chưa đủ để tạo nên các bản báo cáo tài chính sáng sủa. Ai cũng hiểu rằng, với một bảng sản phẩm chỉ có 2 dòng xe chính, Porsche không thể phát triển mạnh mẽ được.
CEO bấy giờ của Porsche, ông Wendelin Wiedeking, đã yêu cầu Kỹ sư trưởng Horst Marchart và Giám đốc Kế hoạch và Sản phẩm Klaus-Gerhard Wolpert tìm kiếm một dòng sản phẩm tiếp theo của Porsche. Hai cái đầu lỗi lạc đã xem xét mọi phân khúc có thể, từ xe thể thao cỡ nhỏ 2 cửa, xe hatchback, CUV thể thao và đồng ý rằng chưa có ai khai phá phân khúc SUV hiệu năng cao. Vào thời điểm đó, phân khúc này cũng là thứ mà Daimler đang “tăm tia” – họ thậm chí đã bắt đầu xây dựng nhà máy tại Alabama để phục vụ sản xuất một mẫu SUV thể thao.
Porsche đã đề xuất phối hợp cùng Daimler để phát triển SUV hiệu năng cao nhưng đã bị gã khổng lồ này từ chối thẳng thừng. Hiểu rõ những báo cáo tài chính tồi tệ của Porsche – gã tí hon trong mắt Daimler – họ đã đối xử với Porsche “như một gã công nhân ở Thế giới thứ 3”. Tất nhiên, Wendelin Wiedeking ngay lập tức quay lưng và bắt tay với Volkswagen. Thành quả của sự hợp tác này là Volkswagen Touareg và chiếc SUV Porsche – lúc đó còn chưa mang tên Cayenne.
Wolpert quả quyết rằng chiếc SUV này phải có cảm giác lái thể thao và khả năng vượt địa hình tương đối. “Nó không phải là một chiếc Land Rover trèo đèo vượt suối nhưng nhất thiết phải mang lại cảm giác lái đậm chất Porsche”. Ông và những cộng sự tài ba nhất đã có vài tháng để chốt ý tưởng chế tạo xe trước khi hiện thực hóa nó tại một khu vực riêng, tách biệt khỏi trung tâm nghiên cứu đặt tại Weissach để tránh những ánh mắt dòm ngó.
Rất nhiều quyết định được đưa ra: chiếc SUV này phải có một khối động cơ V8 mạnh nhất phân khúc, phải hoạt động tốt ở những nơi hẻo lánh, nơi có chất lượng nhiên liệu không tốt, thậm chí còn không có đường nhựa. Tổng cộng, đã có hơn 100 vùng lãnh thổ với đủ loại kiểu địa hình đã được nhóm kỹ sư Porsche cân nhắc.
Ông Stephen Murkett chịu trách nhiệm thiết kế ngoại thất Cayenne – rất nhiều người trong studio thiết kế của Porsche đã thở phào nhẹ nhõm khi không phải gánh trách nhiệm này. Murkett hồi tưởng: “Ai mà muốn mua một chiếc SUV Porsche 5 chỗ cơ chứ? Cánh nhà báo đã bàn tán không ngớt về chiếc Porsche kỳ cục này tại lễ ra mắt. Họ nói về sự thoái trào của Porsche, thậm chí còn dự đoán thời điểm hãng xe thể thao này sụp đổ”.
Tuy nhiên, những thành viên trong gia đình Porsche lại nghĩ khác. Thường xuyên săn bắn tại các trang trại của gia tộc Porsche ở Áo, hơn ai hết họ thấu hiểu giá trị của một chiếc xe có thể đưa họ tới đó và đồng thời sở hữu hiệu năng không thua kém một chiếc 911. Ferdinand Alexander Porsche, cháu trai của nhà sáng lập hãng, thậm chí còn tự mình đề xuất một bản vẽ về Cayenne. Tất nhiên, đại đa số thành viên trong hội đồng quản trị vẫn lựa chọn thiết kế của Murkett.
Cuối năm 2002, Porsche Cayenne chính thức được trình làng sau tổng cộng 1,5 triệu kilô-mét thử nghiệm. Đây là con số vượt xa mức trung bình của ngành xe hơi, rõ ràng các kỹ sư Porsche không muốn phạm sai lầm với mẫu SUV đầu tiên của hãng. Porsche Cayenne thế hệ đầu tiên có 2 phiên bản: bản tiêu chuẩn sở hữu động cơ V8 nạp khí tự nhiên cung cấp 340 mã lực, bản Cayenne S với động cơ V8 tăng áp 450 mã lực. Cả hai đều được trang bị hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian với tỷ lệ phân bổ lực kéo trước sau là 38:62. Hộp số Tiptronic 6 cấp, khóa vi sai trung tâm điều khiển điện tử và hộp số phụ cũng là những trang bị tiêu chuẩn. Năm 2004, Porsche giới thiệu các phiên bản Cayenne V6 nhắm đến các thị trường áp đặt thuế theo dung tích động cơ, nâng cao sức hút của dòng SUV này trên toàn cầu.
Kết quả là, ngay trong năm 2005, 3 năm sau khi Cayenne trình làng, doanh số của mẫu xe này đạt mức 42.000 chiếc, nhiều hơn tổng doanh số của cả 911 996 và Boxster cộng lại. Trong năm 2007 tại đại lý Porsche Dubai, đại lý bán nhiều Porsche nhất thế giới, 85% trong số 1.200 chiếc xe bán ra là Cayenne. Sức hút của dòng xe này cũng không hề suy giảm sau khi đàn em Macan trình làng: trong tổng số 225.121 chiếc xe bán ra trong năm 2015, 73.119 chiếc là Cayenne! Đó là lúc Cayenne thế hệ thứ 3, chiếc xe trong bài viết ngày hôm này, còn chưa ra đời. Có thể nói, thành công của Cayenne đã thực sự nâng tầm thương hiệu Porsche, mang đến cho họ nguồn lực cần thiết để duy trì các dòng xe thể thao 2 cửa mang tính huyền thoại, đơn cử là Porsche 911.
Ngoại thất nâng tầm
Đối với những ai không phải là fan gạo cội của Porsche, họ khó có thể phân biệt Cayenne hoàn toàn với với thế hệ thứ 2. Vẫn là kiểu dáng tương đối tròn trịa nhưng 2 đời xe này không sử dụng chung bất kỳ tấm thân xe nào. Khung gầm tạo nên Cayenne 2019 cũng mới hoàn toàn. Tất nhiên, sự phát triển mang tính kế thừa này gần như là bắt buộc – việc Porsche tạo ra một chiếc Cayenne với ngoại hình mới hoàn toàn cũng chẳng khác nào họ thay thế 911 bằng một dòng xe thể thao có động cơ đặt trước. Đừng vội cười nếu bạn thấy 1 chiếc 911-động-cơ-đặt-trước là lố bịch vì hãng xe Đức suýt chút nữa đã làm điều đó với ý định thay thế 911 bằng dòng 928!
Porsche Cayenne 2019 có kích thước tổng thể (dài x rộng x cao) lần lượt là 4.918 x 1.983 x 1.696 (mm). So với thế hệ cũ, Porsche Cayenne 2019 thấp hơn 9 mm, dài hơn 63 mm, rộng hơn 23 mm và có trục cơ sở giữ nguyên ở mức 2.895 mm. Những sự thay đổi dù nhỏ nhưng vẫn đủ để mang lại kiểu dáng tổng thể thấp hơn, thể thao hơn và năng động hơn cho Cayenne mới. Đó là mặt ca-lăng với các thanh ngang sơn màu tương phản, nắp ca-pô vuốt thoải xuống mặt đất. Ở phần thân xe, nóc mái được vuốt dốc hơn về phía đuôi theo kiểu thiết kế coupe, mang lại cảm giác chiếc xe nhỏ gọn, linh hoạt hơn so với kích thước thật của nó. Theo Porsche, trong dải sản phẩm SUV của tập đoàn Volkswagen, chỉ có Lamborghini Urus là có phần nóc mái được vuốt mãnh liệt hơn Cayenne.
Phần đuôi xe là mảng ngoại thất có nhiều sự thay đổi nhất. Chúng ta có dải đèn LED chạy ngang thân xe với thiết kế tương tự như Panamera phiên bản mới, kết nối 2 cụm đèn hậu full LED với mô típ 4 bóng LED vệ tinh giống như cụm đèn pha. Đây là chi tiết thiết kế đặc trưng của những mẫu Porsche thế hệ mới. Một chi tiết khác cũng dần trở thành bản sắc của hãng xe Đức là dòng chữ PORSCHE được đặt trong khung nhựa trong kiểu 3D. Đây là thiết kế xuất hiện đầu tiên trên 718 Boxster/Cayman. Cuối cùng, cánh gió liền nóc xe và cặp ống xả đa giác là các điểm nhấn cuối cùng tạo nên vẻ đẹp đậm chất thể thao cho Cayenne, dù đây mới chỉ là phiên bản tiêu chuẩn. Chiếc Cayenne này cũng nhận được kha khá tùy chọn về ngoại thất, có thể kể đến nước sơn đen Jet Black có giá 60 triệu đồng, đèn pha LED thông minh PDLS (50,8 triệu), bộ la-zăng RS Spyder 21 inch có giá lên tới 198 triệu đồng, đi kèm dàn lốp hàng khủng kích thước lên tới 285/40 trước và 315/35 sau. Bộ lốp hiệu năng cao Pirelli P Zero này còn lớn hơn cả lốp siêu xe Porsche 911 GT2 RS!
Nội thất đậm chất tương lai
Panamera là dòng xe tiên phong cho phong cách thiết kế nội thất mới của Porsche và không có gì ngạc nhiên khi Cayenne kế thừa điều đó. Vẫn là một màn hình 12,3 inch có độ sắc nét và mượt mà hàng đầu thế giới xe. Đây là chi tiết góp phần khiến Porsche Cayenne sở hữu một khoang nội thất đậm chất tương lai và đầy tinh tế. Các nhà thiết kế Porsche đã “rút kinh nghiệm” khi lắp cửa gió điều hòa trung tâm với núm chỉnh cơ học cho Cayenne thay vì phải điều khiển cảm ứng như trên Panamera.
Rõ ràng là bắt người lái phải mò vào menu màn hình cảm ứng để chỉnh cửa gió điều hòa là quá thừa thãi và gây xao nhãng. Tôi dành điểm cộng cho Porsche khi biết lắng nghe ý kiến người dùng để đưa ra quyết định “trả lại” núm chỉnh cơ cho Cayenne.
Một khu vực khác cũng gây khá nhiều tranh luận là khu vực cần số điện tử và bảng phím cảm ứng bao quanh nó. Chắc hẳn nhiều người sẽ thích hàng phím xếp tầng kiểu bàn phím điện thoại Vertu của thế hệ trước hơn. Tuy nhiên, kiểu bảng cảm ứng của Cayenne 2019 cũng rất đẹp. Nó mang lại sự hiện đại cho khoang cabin của mẫu SUV này với các phím cảm ứng được hiển thị rõ nét. Màn hình cũng rung nhẹ mỗi khi bạn chạm vào nhằm báo hiệu thao tác đã được thực hiện. Thêm vào đó, các nút gạt điều chỉnh hệ thống điều hòa, menu và âm lượng được chế tác bằng nhôm cắt CNC, cho cảm giác rất sang trọng mỗi khi bạn chạm vào. Hai tay nắm đặc trưng của dòng Cayenne vẫn được giữ nguyên và bên dưới, bạn có 1 ngăn chứa đồ nhỏ, 2 hộc để cốc và 1 tẩu thuốc. Nhìn chung, bảng điều khiển trung tâm của Cayenne 2019 sẽ cần 1 chút thời gian để làm quen.
Trở về khu vực ghế lái, mọi chi tiết đều rất quen thuộc. Ta có vô lăng 3 chấu kiểu 918 Spyder – đơn giản là một trong những vô-lăng thẩm mỹ, đa công năng và dễ làm quen nhất. Phía sau nó là cụm đồng hồ cho thấy Porsche giỏi cỡ nào trong việc phối trộn giá trị truyền thống và công nghệ hiện đại. Vẫn là cách bố trí 5 vòng tròn với đường kính tăng dần từ ngoài vào trong, vẫn là đồng hồ vòng tua máy dạng cơ nằm ở chính giữa nhưng điều đặc biệt nằm ở 4 vòng đồng hồ phía ngoài.
Một số chế độ hiển thị của màn hình phụ
Thực chất, đó là 2 màn hình 7 inch với nhiều chế độ hiển thị khác nhau. Bạn có thể hiển thị cả lực gia tốc, bản đồ hoặc thậm chí là thời gian hoàn thành 1 chặng đua. Với chiếc Cayenne, núm đề máy vẫn nằm ở bên trái ngay cạnh vô lăng nhưng giờ đây, bạn không cần phải đút chìa khóa vào khay nữa.
Chiếc Porsche Cayenne trong bài trải nghiệm được trang bị tùy chọn ghế Comfort Seat với ghế lái và ghế hành khách phía trước chỉnh điện 14 hướng với bộ nhớ ghế. Chất lượng da ghế là rất tốt, dù bạn có thể bỏ ra nhiều tiền hơn để sở hữu loại da tự nhiên thượng hạng nhất của Porsche. Thiết kế của hàng ghế trước rất ôm người với đệm hôm dày dặn và tựa đầu cực mềm. Hàng ghế thứ 2 cũng rất rộng rãi mặc dù nóc mái dốc thoải về đuôi xe. Khoảng để chân cho người ngồi sau cũng rất tốt, điều mà nhiều chủ xe Macan phải ao ước. Tất nhiên, Porsche Cayenne vẫn làm tốt nhiệm vụ xe gia đình hơn người anh em nhỏ bé hơn. Khoang chứa đồ cũng rất rộng rãi, đạt mức 770 lít và lên tới 1.710 lít khi gập ghế.
Nhắc đến Porsche, ta không thể không nhắc đến giá nội thất. Chiếc Cayenne bản tiêu chuẩn có giá từ 4,54 tỷ đồng, nhưng chiếc xe trong bài cũng được trang bị kha khá tùy chọn trả phí, trong đó nhiều thứ đáng lẽ ra phải là tiêu chuẩn trên một chiếc xe đắt tiền như vậy. Tùy chọn bọc nội thất da 2 tông màu có giá 221 triệu đồng; thảm sàn cùng màu da 10,2 triệu; cửa sổ trời toàn cảnh 114,4 triệu đồng! (là trang bị tiêu chuẩn trên khá nhiều xe dưới 1,5 tỷ đồng); hệ thống treo khí nén PASM 209,3 triệu đồng; camera lùi 38,6 triệu đồng (!); ghế Comfort Seat 91, 3 triệu đồng (không có mát-xa, sưởi ghế, sấy mát); loa Bose 76,8 triệu đồng; đèn viền nội thất 21 triệu; điều hòa 4 vùng độc lập 46,7 triệu; cửa hít 39,9 triệu; kính chiếu hậu chống chói tự động 23,7 triệu (!) và cuối cùng là gói kích hoạt thể thao Sport Chrono Package có giá 62,3 triệu đồng. Tổng giá trị của những tùy chọn trả phí là 1,131 tỷ đồng! Khi cộng với gói thiết bị lắp thêm ở Việt Nam và gói 4 năm bảo dưỡng, giá bán cuối của chiếc Cayenne này là 6,085 tỷ đồng, chênh 1,545 tỷ đồng so với giá bán tiêu chuẩn.
Trải nghiệm cuốn hút
Tuy nhiên, dù đắt như vậy nhưng hầu hết những chiếc Porsche chính hãng ở Việt Nam đều thuộc dạng khá đủ đồ, tức là được “đắp” khoảng 1 tỷ tiền trang bị vào giá tiêu chuẩn. Người chơi xe Porsche ở Việt Nam là tương đối ít, nhưng hầu như ai cũng chơi “chất”. Nếu đã từng cầm lái một chiếc Porsche, bạn sẽ hiểu sức hấp dẫn của thương hiệu này.
Porsche Cayenne tiêu chuẩn được trang bị động cơ V6 3.0L tăng áp đơn, sản sinh công suất tối đa 340 mã lực và lực mô-men xoắn cực đại 450 Nm. Sức mạnh này kết hợp với hộp số PDK 8 cấp và hệ dẫn động 4 bánh giúp mẫu Cayenne tiêu chuẩn tăng tốc lên 100 km.h chỉ trong 6,2 giây và đạt tốc độ tối đa 245 km/h.
Tuy nhiên, những thông số trên giấy tờ không thể phản ánh hết trải nghiệm thực tế. Tôi chưa từng lái một chiếc xe gầm cao nào có công suất trong tầm 300 đến 400 mã lực mà tăng tốc mãnh liệt như chiếc Cayenne này. Vặn núm xoay sang chế độ Sport Plus, đạp lút chân ga và chân phanh, khối động cơ V6 gầm lên, sẵn sàng bung toàn bộ sức mạnh. Nhả chân phanh, chiếc xe bất ngờ chồm lên phía trước với gia tốc đủ khiến bạn giật ngửa cổ về phía sau.
Thời gian tăng tốc lên 100 km/h mà hãng công bố là 6,2 giây, nhưng trải nghiệm thực tế của tôi cho thấy chiếc Cayenne này chỉ cần dưới 6 giây mà thôi. Không chỉ tăng tốc nhanh từ vị trí đứng yên, Cayenne tiêu chuẩn còn có khả năng vượt xe cực tốt khi tăng tốc 80-120 km/h chỉ trong vỏn vẹn 4,1 giây! Tất nhiên, nếu để chế độ Comfort thì cảm giác chân ga sẽ trễ hơn trông thấy, nhưng đó lại là điểm cộng nếu bạn chỉ muốn lướt đi nhẹ nhàng. Gói tùy chọn Sport Chrono còn mang đến nút bấm Sport Response khá thú vị: chỉ cần bấm nút giữa núm xoay chế độ lái, chiếc xe lập tức chuyển sang trạng thái hoạt động mạnh mẽ nhất trong vòng 20 giây, bất kể bạn đang chọn chế độ Comfort hay Sport +.
Cảm giác vô lăng cũng là điều Porsche thường làm tốt hơn đối thủ. Họ là một trong rất ít hãng xe chuyển sang hệ thống trợ lực điện mà vẫn giữ được phần nào cảm giác vô lăng. Vần vô lăng Cayenne là một cảm giác khá thỏa mãn, nó không quá nặng một cách giả tạo và cũng không quá nhẹ kiểu hời hợt, vô lăng của Cayenne rất chính xác và có độ đầm vừa phải. Hộp số PDK 8 cấp thì chắc là khỏi phải bàn rồi, nó vẫn luôn là chuẩn mực của cấu hình hộp số ly hợp kép.
Khả năng cách âm của Cayenne cũng là một điểm cộng – ngay cả khi di chuyển với tốc độ 120 km/h, khoang cabin vẫn gần như “miễn nhiễm” với tiếng ồn gầm và tiếng gió cũng như tiếng động cơ. Về độ êm ái, Porsche Cayenne với các thanh giảm chấn biến thiên có khả năng duy trì sự êm ái tuyệt vời nhưng vẫn đồng thời kiểm soát thân xe rất tốt và gọn ghẽ, không hề có cảm giác bồng bềnh giống như nhiều mẫu xe khác cũng được trang bị hệ thống treo khí nén.
Để tìm kiếm giới hạn của khung gầm, hệ thống treo và hệ thống lái, tôi và anh bạn thân hiện đang làm nhân viên bán hàng của Porsche đã đặt ra một thử thách gần như không tưởng dành cho Cayenne: đánh lái gấp để chuyển làn ở vận tốc 100 km/h, giả định như gặp chướng ngại vật trước mắt và không có đủ khoảng cách để phanh. Tôi dùng từ “gấp”, tức là giật hẳn nửa vòng quay vô lăng và trả lái trong vòng nửa giây đồng hồ - rõ ràng tôi không dám làm thế nếu đang lái một chiếc xe gầm cao không cùng đẳng cấp với Porsche! Kết quả là chiếc Cayenne chuyển làn vô cùng gọn ghẽ và chỉ bằng lực bám cơ học, hệ thống cân bằng điện tử thậm chí còn chưa phải can thiệp! Trong tình huống cực đoan như vậy, chiếc Porsche gầm cao vẫn cực kỳ cân bằng, thậm chí hệ thống treo khí nén chỉ cần 1 nhịp dao động để đưa xe về trạng thái cân bằng. Đó là trải nghiệm thực sự đã thuyết phục tôi rằng Cayenne 2019 là một chiếc Porsche đích thực.
Kết luận
Có nhiều chiếc xe gia đình to lớn hơn, rộng rãi hơn mà bạn dễ dàng mua được với số tiền 6 tỷ đồng, cũng có nhiều mẫu xe thể thao cho trải nghiệm mãnh liệt hơn mà bạn có thể mua ngay với thậm chí ít tiền hơn. Tuy vậy, rất ít xe SUV vừa làm tốt nhiệm vụ xe gia đình, vừa có thể mang lại trải nghiệm gây nghiện như Porsche Cayenne.
Điểm: 9/10
Ưu điểm:
- Thiết kế đẹp từ trong ra ngoài
- Trải nghiệm thuyết phục
- Sự kết hợp tuyệt vời giữa sang trọng và thể thao
Nhược điểm:
- Giá đắt, nhất là giá trang bị tùy chọn
- Động cơ V6 đôi lúc bị trễ tăng áp
- Mạng lưới đại lý ít ỏi, không tiện sửa chữa, bảo dưỡng
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)
Nguồn : https://xehay.vn/danh-gia-xe-porsche-cayenne-2019-tiep-tuc-la-chiec-porsche-cua-the-gioi-suv.html