Như nhiều bạn đã biết, iCloud như một chiếc chìa khoá mà Apple đã cung cấp cho chúng ta để gắn quyền sở hữu vào thiết bị iOS của mình. Vì vậy nếu bạn sơ suất mua phải một chiếc iPhone hay iPad “dính iCloud” thì vào một ngày không xa, chúng sẽ biến thành đồ chặn giấy cao cấp.
Nhu cầu đổi điện thoại trong ngày Tết luôn tăng cao, và kéo theo đó là những mánh khoé lừa đảo khiến bạn dễ dàng sập bẫy nếu không chú ý. iPhone và iPad cũ luôn không bao giờ giảm độ hot. Nắm được tâm lý này của người dùng, thời gian gần đây thị trường xuất hiện rất nhiều “tuyệt chiêu” để làm ra những mẫu máy giả, biến iPhone 6 thành iPhone 6s và thậm chí là “độ” iPhone 5s lên iPhone 6s luôn, thật không thể tin nổi.
Vậy thì “iCloud ẩn” là gì và tác hại ra sao?
Ngoài tính năng là dịch vụ lưu trữ đám mây, iCloud còn cho phép người dùng kích hoạt tính năng “Find my iPhone” để cài đặt chế độ bảo mật cao cấp. Khi tính năng này đã kích hoạt, người dùng có thể khoá máy từ xa, xoá hết dữ liệu khi máy bị mất cắp. Đồng thời mỗi khi muốn nâng cấp máy hoặc restore lại thiết bị, người dùng phải nhập đúng tài khoản đã đăng ký, nếu không máy sẽ bị khoá vĩnh viễn. Tính năng bảo mật này đã giúp tình trạng đánh cắp iPhone có phần giảm đi trên toàn bởi kẻ cắp nếu không có tài khoản iCloud sẽ phải bán máy với giá rất rẻ. Khi đó chiếc iPhone hay iPad hàng chục triệu có thể trở thành đồ chặn giấy đúng nghĩa vì không thể truy cập vào máy để sử dụng bất cứ tính năng nào.
Tìm hiểu thêm: iCloud cần thiết như thế nào đối với các thiết bị iOS?
Tuy nhiên, giới kinh doanh iPhone vẫn có những thủ thuật để vượt qua lớp bảo mật và bán ra như máy bình thường. Loại máy này được gọi là “dính iCloud ẩn”, có thể đăng nhập tài khoản iCloud mới hay nâng cấp phần mềm thoải mái, tuy nhiên lại không thể khôi phục cài đặt gốc hay restore bởi tài khoản iCloud cũ thật ra vẫn còn lưu trên máy chủ của Apple. Điều này đã khiến không ít người dùng “khóc hận” khi mua iPhone, iPad cũ mà không kiểm tra cẩn thận.
Thế nên khi mua iPhone, hiện nay, người dùng cần lưu ý để tránh việc mua phải loại máy đã bị khóa iCloud. Có 2 phương pháp để bạn kiểm tra xem máy có bị dính iCloud ẩn hay không.
Cách 1: Kiểm tra trên hệ thống của Apple
Đầu tiên bạn cần truy cập vào www.icloud.com/activationlock. Nhập IMEI hoặc số Serial của thiết bị muốn kiểm tra vào ô trống, nhập đoạn mã captcha, sau đó bấm Continue để kiểm tra.
(IMEI và số Serial của thiết bị có thể kiểm tra bằng cách vào Settings (Cài đặt) > General Settings (Cài đặt chung) > About.)
Nếu tình trạng là Off nghĩa là chiếc máy chưa bị khóa iCloud và người dùng có thể hoàn toàn yên tâm đăng nhập tài khoản mới để sử dụng.
Còn nếu tình trạng là On, thì có nghĩa là máy đã bị khóa iCloud (Find My iPhone đang bật) và cần liên hệ chủ cũ để tắt đi.
Cách 2: Trong trường hợp nơi bạn mua không có kết nối internet hoặc máy chủ lỗi không thể truy cập, có thể thực hiện cách thủ công để kiểm tra. Truy cập Settings (Cài đặt) > General (Chung) > Reset Erase All Content and Settings (Xoá tất cả dữ liệu và cài đặt), hoặc Restore lại thiết bị.
Lúc này sẽ có hai trường hợp có thể xảy ra:
- Người bán điện thoại không cho phép bạn Reset hoặc Restore máy > Ngưng ngay việc mua bán vì đích thị họ đang có ý định lừa đảo.
- Người bán vui vẻ chấp nhận, quá trình Reset / Restore hoàn tất và tiếp tục có hai trường hợp xảy ra:
+ Thiết bị kích hoạt bình thường > Chúc mừng bạn đã mua được chiếc iPhone ưng ý.
+ Màn hình hiển thị như ảnh bên dưới, người bán nhìn bạn cười trừ vì 'không nhớ' tài khoản > Chia buồn với cả hai vì bạn chưa chọn được điện thoại, còn thiết bị của người bán thì vừa mất đi gần hết giá trị.
Các bạn hãy luôn nhớ những thông tin này và kiểm tra kỹ lưỡng để tránh 'tiền mất tật mang' khi mua iPhone, iPad cũ vào dịp Tết này nhé. Chúc các bạn sẽ chọn cho mình được một sản phẩm ưng ý.
Nếu còn thắc mắc hay muốn chia sẻ điều gì khác, bạn hãy để lại ý kiến ở khung bên dưới để mình và mọi người cùng bình luận nhé!
BB.A
Nguồn: fptshop.com.vn