Tim Cook - CEO Apple, người thực hiện rất nhiều chuyến thăm đến Trung Quốc trong những năm qua, đang phải vật lộn giành thị phần tại thị trường smartphone lớn thứ hai là Ấn Độ.
Theo dữ liệu vừa được hãng nghiên cứu Strategy Analytics công bố, doanh số iPhone tại Ấn Độ giảm 35% trong quý II/2016 so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là trong khi thị trường smartphone nước này tăng trưởng 19%, mà thị phần của Apple chỉ chiếm 2,4%.
Điều đáng lo ngại nhất vào lúc này không chỉ ở mặt doanh thu và thị phần giảm tại nhiều khu vực trên thế giới, mà là Apple không thể nắm bắt khách hàng trong giai đoạn phát triển của thị trường Ấn Độ.
Đúng là quý II hàng năm thường là thời điểm không mấy may mắn đối với iPhone của Apple, vì có nhiều thiết bị mới ra mắt trong thời gian chờ đợi mẫu iPhone mới.
Tuy nhiên, mức sụt giảm sâu như thế đã cho thấy một điều Tim Cook và nhà thiết kế Jony Ive đã quá cố chấp nên dẫn đến sai lầm trong quyết định của mình. Ngay cả tại Trung Quốc, nơi Apple bị tụt xuống vị trí nhà sản xuất smartphone lớn thứ 5, công ty chỉ chiếm 6,7% thị phần.
Nguy cơ của Apple không nằm trong doanh thu quý này hay quý tiếp theo, mà là trong việc xây dựng thói quen sử dụng và phụ thuộc vào iOS cho người dùng Ấn Độ. Chỉ bán được 800.000 iPhone một quý không đủ để khiến thị trường 'gây nghiện'.
Việc chuyển đổi giữa iOS và Android là điều rất khó khăn, bất chấp nỗ lực từ cả hai bên để làm cho nó dễ sử dụng hơn. Cook chắc chắn hiểu một điều nếu khách hàng mua và thích Android, sẽ là thách thức không nhỏ để thuyết phục họ chuyển sang dùng sản phẩm có giá cao hơn như iPhone.
Một cách giải quyết hiệu quả là bắt đầu bán thiết bị rẻ hơn, nhưng đó lại là một chiến lược đầy rủi ro, và iPhone SE là một ví dụ điển hình. Một khi đã gieo vào tâm trí của khách hàng mức giá tiêu chuẩn nào đó, muốn nâng giá lên là điều gần như không khả thi.
Và Cook không muốn bán điện thoại giá rẻ trên toàn cầu. Giá là một phần trong thương hiệu iPhone cũng như thiết kế và hệ sinh thái. Tránh cạnh tranh bằng giá luôn là niềm tự hào của Apple.
Trên lý thuyết, Apple có thể chỉ sản xuất iPhone giá rẻ cho Ấn Độ nhưng điều đó rất khó xảy ra và cũng đi chệch với chiến lược tạo ra thiết bị có tính toàn cầu và thống nhất.
Một cách khác, khá tốn kém và không mấy 'chắc ăn'. Apple có thể chọn cách trợ giá iPhone thông qua các bản hợp đồng từ nhà mạng hoặc các đại lý ủy quyền để ràng buộc khách hàng. Nhưng tại Ấn Độ, phần lớn mọi người đều thích 'tiền trao cháo múc', không muốn bị phiền phức bởi các bản hợp đồng.
Apple luôn nổi tiếng về thiết kế sản phẩm sáng tạo. Bây giờ là thời điểm áp dụng nhiệt huyết sáng tạo đó cho mô hình kinh doanh của mình.