Đa phần những ai nghe đến cái tên Elon Musk đều phải ngã mũ thán phục bởi những phát minh hay những nghiên cứu tưởng chừng như chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng. Gần đây nhất chính là kế hoạch kết hợp não bộ con người với máy tính và AI.
Ý tưởng tuyệt vời
Với tham vọng của mình Elon Musk muốn loại bỏ những mặt hạn chế của con người, thay thế loại ngôn ngữ mà ta đã vốn biết từ lâu, và sử dụng bộ não đã được cấy ghép để đưa con người vào thế giới số. Và ông ấy mong rằng kế hoạch này của mình sẽ hoàn thành trong vòng 4 năm tới. Theo các chuyên gia, trên lý thuyết thì điều này là hoàn toàn có thể.
Giám đốc điều hành Tesla và Space X cho biết thêm về dự án Neuralink của mình: Trong bốn năm tới, ông hy vọng rằng sẽ hoàn thành giao diện giữa não người và máy tính – thứ có thể giúp những người khuyết tật có thể lấy lại được chức năng cơ thể đã bị mất.
Ảnh: linkedln
Trong 8 – 10 năm tới, ông ấy muốn những người bình thường cũng có thể sử dụng nó. Thử tưởng tượng sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có thể chơi piano bằng suy nghĩ của mình, hay kích thích não để điều trị các rối loạn tâm trạng.
Điều thú vị hơn là bạn có thể thưởng thức hàng đống khoai tây chiên mà không phải lo lắng về việc tăng cân dù nó có chứa bao nhiêu chất béo đi nữa. Quá là tuyệt phải không?
Điều này thật tuyệt cho giao tiếp và y học
Một trong những mục tiêu cuối cùng của công trình nghiên cứu này là truyền đạt ý nghĩ mà không cần thông qua giao tiếp. Vì khi giao tiếp có thể dễ dàng dẫn đến thông tin sai lệch, do chúng ta khó có thể biểu đạt trọn vẹn ý tưởng của mình thông qua cách giao tiếp lời nói thông thường.
Hiện tại, chúng ta đang giao tiếp thông qua ngôn ngữ. Khi một người nào đó nghe thấy, họ sẽ hiểu được ta muốn nói gì. Và ngược lại, ta có thể hiểu họ muốn nói gì thông qua ngôn ngữ chung giữa 2 người. Nhưng với giao diện liên kết giữa não và máy tính, ta chỉ cần gửi trực tiếp ý tưởng của mình mà không phải thông qua giao tiếp, người khác có thể dễ dàng hiểu trọn vẹn ý nghĩ của mình.
Nghiên cứu này thành công sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc giao tiếp và y học (Ảnh: Visiontimes)
Chad Bouton, phó chủ tịch kỹ thuật và công nghệ tiên tiến tại Viện nghiên cứu Y khoa Feinstein đã phát biểu rằng: “Điều này thực tế là khả thi vì khi bạn nghĩ đến từ ngữ, thông tin truyền đến não thay đổi và ta có thể hiểu được nó mà không cần phải thông qua lời nói”.
Những trường hợp tác động não của FaceBook và nhân loại
Cảm biến đầu tiên được cấy vào não người của một bệnh nhân bị liệt toàn thân vào năm 1998. Kể từ đó, hàng chục người đã nhận được các biện pháp cấy ghép tương tự. Hiện tại, các nhóm ở trường đại học Pittsburgh và đại học Brown đang nghiên cứu về việc cấy ghép cảm biến vào não phục vụ cho các mục đích y tế.
Dự án DARPA do chính phủ Mỹ tài trợ mang tên REPAIR cũng đang nghiên cứu về vấn đề này. Facebook cũng đã thông báo rằng họ đang nghiên cứu về việc ta có thể gõ văn bản trực tiếp bằng não, văn bản được gõ sẽ nhanh hơn và chính xác hơn.
Facebook đang nghiên cứu và phát triển việc đánh văn bản bằng suy nghĩ (Ảnh: Mashable)
Các nhà nghiên cứu tại đại học Stanford đã từng tạo ra một chương trình giúp bệnh nhân bị bại liệt có thể gõ hơn 8 từ mỗi phút. Với tham vọng của mình, Facebook hứa hẹn sẽ mang con số đó lên đến hơn 100 từ mỗi phút. Ngoài ra còn có Kernel, là một startup mới cũng đang nghiên cứu về giao diện giữa não và máy tính để ứng dụng nó vào y học.
Tạm kết
Thật sự ý tưởng này của Elon Musk đã mở ra cho nhân loại những nguồn cảm hứng mới và tạo ra những hy vọng cho người khuyết tật, đặc biệt là những người kém may mắn không có giọng nói.
Chúng ta hãy chờ đợi tiếp theo Musk sẽ có những bước tiến gì cho công trình nghiên cứu này. Hy vọng, nó sẽ thành công ở một ngày không xa!
Minh Dương