Theo những thông tin mới nhất, THACO đã chính thức xác nhận sẽ đưa Mazda CX-8 2018 về Việt Nam nhằm tham chiến trong phân khúc SUV 7 chỗ đang ngày càng nở rộ trong vài năm trở lại đây.
Được giới thiệu lần đầu vào tháng 9 năm 2017, Mazda CX-8 là phiên bản trục cơ sở kéo dài (LWB) của mẫu crossover cỡ nhỏ CX-5 thế hệ thứ 2. Về mặt vai vế trong gia đình SUV crossover của Mazda, chiếc xe này được xếp trên CX-5 và nằm bên dưới CX-9. Đồng thời, model trên còn được coi là người thay thế cho mẫu crossover cỡ trung CX-7 vốn đã ngừng sản xuất kể từ năm 2012.
Về mặt thiết kế, CX-8 chia sẻ nhiều điểm tương đồng với người anh em CX-5, cả bên trong lẫn bên ngoài. Như đã nói ở trên, CX-8 thực chất là một chiếc CX-5 được kéo dài với chiều dài tổng thể tăng 350mm so với chiếc crossover 5 chỗ của Mazda, trong khi bề ngang gần như giữ nguyên (chênh 2mm). Trong đó, trục cơ sở được kéo dài thêm 232mm – tương đương với chiếc CX-9. Dù vậy, chiều dài tổng thể của CX-8 vẫn thua CX-9 tới 175mm. Chiều cao của CX-8 cũng nhỉn hơn 50mm so với CX-5. Bên cạnh thay đổi về kích thước, khác biệt dễ nhận thấy nhất ở hai mẫu xe này nằm ở lưới tản nhiệt dạng thanh ngang, kính hông vuốt dài hơn cùng với đó là thanh chrome kết nối cụm đèn hậu trên CX-8.
Sự tương đồng cũng được thể hiện rất rõ bên trong cabin của CX-8. Thay đổi đáng kể nhất không gì khác chính là hàng ghế thứ ba (bao gồm 2 ghế).
Bên cạnh đó, không gian bên trong cũng đã được cải thiện đáng kể. CX-8 sở hữu hàng thứ ba với không gian được CarAdvice đánh giá là khá rộng trong phân khúc SUV crossover cỡ nhỏ. Trang tin này cho biết không gian tại hàng ghế này là khá thoải mái đối với người lớn có chiều cao khoảng 1,7 mét.
Đồng quan điểm trên là AutoExpress, một trang tin xe hơi hàng đầu tại Anh. Với những người cao hơn thì sẽ cảm thấy hơi chật chội một chút. Trong khi đó, không gian tại hàng ghế thứ hai được trang này cho là khá lý tưởng, mang tới tầm nhìn rất rộng. Đáng tiếc là Mazda không cung cấp tùy chọn cửa sổ trời cho chiếc xe này.
Bên cạnh không gian dành cho người ngồi, khoang hành lý cũng rất ấn tượng. Ở trạng thái tiêu chuẩn, khoang hành lý có dung tích 209 lít và thêm một khoang nhỏ 33 lít bên dưới mặt sàn cốp xe. Con số này có thể vọt lên thành 742 lít khi gập hàng ghế thứ ba. Còn khi gập nốt hàng ghế thứ hai, dung tích chứa đồ của CX-8 có thể đạt 1727 lít. Ngoài ra, CarAdvice cũng đánh giá cao vị trí lái bởi tầm nhìn về phía trước, ra hai bên cũng như phía sau là rất tốt. Còn theo AutoExpress, bộ ghế bọc da Nappa cùng nhiều trang bị bổ sung trên bản Asaki đã nâng tầm đẳng cấp cho cabin của CX-8.
Về mặt trang bị và các công nghệ tích hợp trên xe, CX-8 cũng không khác là mấy so với CX-5. Bộ não bên trong cabin vẫn là hệ thống thông tin giải trí MZD Connect. Theo CarAdvice, hệ thống này vẫn chưa hỗ trợ hai nền tảng Android Auto và Apple CarPlay.
Chiếc xe cũng được bố trí thêm cửa gió điều hòa ở hàng ghế sau và đi kèm với hệ thống điều hòa khí hậu 3 vùng thay vì 2 vùng như trên CX-5. Phiên bản cao cấp Asaki còn được trang bị thêm hệ thống sưởi cho hàng ghế thứ ba, vô-lăng sưởi và hệ thống camera toàn cảnh 360 độ. Tuy nhiên, trang tin đến từ Úc lại tỏ ra thất vọng với trang bị trên và cho biết hệ thống camera này gần như không thể xác định các vật thể xung quanh xe và khá vô dụng khi có ánh sáng rọi vào.
Trong khi đó, CarAdvice lại đánh giá cao màn hình trực diện HUD trên CX-8 với khả năng hiển thị rõ nét và cung cấp những thông tin cần thiết. Các trang bị an toàn nổi bật trên CX-8 bao gồm hệ thống phanh tự động khẩn cấp AEB, cảnh báo giao thông phía sau RCTA, giám sát điểm mù BSM, cảnh báo chuyển làn LDW, hệ thống kiểm soát hành trình dựa trên dữ liệu radar tích hợp tính năng stop&go cùng nhiều hệ thống an toàn khác. Nhìn chung, CX-8 không thiếu các công nghệ an toàn trên những mẫu xe cao cấp.
Mazda CX-8 2018 được trang bị khối động cơ diesel tăng áp SkyActiv-D 2,2 lít sản sinh công suất tối đa 188 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 450Nm. Toàn bộ năng lượng từ động cơ được truyền tới bánh xe thông qua hộp số tự động 6 cấp và hệ dẫn động cầu trước FWD hoặc tùy chọn dẫn động 4 bánh AWD. Theo công bố, CX-8 đạt mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình vào khoảng 5,7 lít/100km đối với bản FWD và 6 lít/100km đối với bản AWD.
Theo nhận định của trang tin tới từ Úc, mức tiêu thụ nhiên liệu của CX-8 là rất ấn tượng, đồng thời lượng mô-men của động cơ là tương đối lớn. Trong khi đó, AutoExpress lại nhấn mạnh rằng cỗ máy này vận hành khá mượt mà, phản ứng tốt ở dải vòng tua thấp và yên tĩnh hơn hẳn so với động cơ diesel thông thường. Tuy nhiên, các chuyên gia của CarAdvice lại chỉ ra rằng CX-8 có phần bị hụt hơi khi tăng tốc để vượt qua phương tiện khác. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi chiếc xe chở nhiều người cùng nhiều hàng hóa. Dù vậy, CarAdvice cũng không quên dành lời khen cho hệ thống dẫn động 4 bánh AWD trên chiếc crossover này bởi khả năng tối ưu lực kéo của bánh xe trong mọi điều kiện bề mặt đường.
Nếu như cảm giác lái của CX-5 nhấn mạnh vào chất thể thao hơn thì điều này dường như mờ nhạt đi trên CX-8. Theo CarAdvice, chiếc crossover này được chú trọng vào trải nghiệm của người dùng bằng sự êm ái, thoải mái luôn được duy trì ở mức tối đa. Quan điểm này cũng được AutoExpress đồng tình. CX-8 thiếu đi sự phấn khích trong quá trình điều khiển, không còn chính xác khi bẻ lái như CX-5 nhưng bù lại hệ thống treo lại hoạt động rất ổn định, giúp chiếc xe đối phó với những địa hình không bằng phẳng.
Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc SUV crossover 7 chỗ với khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt và cabin rộng rãi thì Mazda CX-8 chính là một gợi ý đáng cân nhắc. Bên cạnh đó, sản phẩm của Mazda cũng tỏ ra khá phong phú về mặt trang bị, đặc biệt là ở phiên bản cao cấp Asaki. Nếu bỏ qua một số hạn chế nhỏ như tiếng ồn từ mặt đường hay hệ thống camera toàn cảnh thì CX-8 xứng đáng là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của bạn.
Lương Trung (Tuoitrethudo)
Nguồn : https://xehay.vn/danh-gia-xe-mazda-cx-8-2018-phien-ban-cx-5-7-cho-sap-ve-viet-nam.html