Chiếc laptop doanh nhân thiết kế màn hình xoay 360 độ này cũng đã bước sang thế hệ 2, năm nay Lenovo cải tiến thiết kế bàn phím trồi sụt khi lật mở, cấu hình mới và tiếp tục trang bị màn hình OLED rất đẹp. Chiếc máy này sẽ có giá bán khoảng trên 50 triệu tại thị trường Việt Nam.
Thiết kế
Toàn bộ vỏ máy mang dáng vẻ đặc trưng của dòng ThinkPad với kiểu xử lý dạng phủ nhung (soft-touch) và như thường lệ rất dễ bám dấu vân tay. Chất liệu chế tạo vỏ là magnesium và khung máy được gia cường bằng sợi carbon. Logo ThinkPad vẫn nằm tại vị trí quen thuộc, chếch ở góc trái nắp máy không thể lẫn vào đâu. Dấu chấm đỏ trên chữ cái 'I' tích hợp đèn LED báo trạng thái rất tinh tế.
Trọng lượng của ThinkPad X1 Yoga (2017) vào khoảng 1,3 kg, khá nhẹ khi cầm bằng một tay. Với chất liệu hybrid giữa magnesium và carbon, phần vỏ của ThinkPad X1 Yoga (2017) có độ dẻo nhất định để chống chịu trước va chạm.
ThinkPad X1 Yoga (2017) là một mẫu máy convertible với màn hình 14' xoay lật và thiết kế của nó thì hao hao dòng Yoga 700 với bản lề bằng thép nằm ở 2 bên thay vì kiểu bản lề dây đeo đồng hồ như dòng Yoga 900 dành cho người dùng cuối. Thiết kế này mình đánh giá là chắc chắn hơn so với kết cấu gồm nhiều bánh răng nhỏ trong bản lề dạng dây đeo đồng hồ trên dòng Yoga 900.
Bản lề cho góc mở tối đa 360 độ và chúng ta sẽ có thể dùng ThinkPad X1 Yoga (2017) ở nhiều chế độ như trình chiếu (display), túp lều (tent), máy tính bảng (tablet) và chế độ vỏ sò (clamshell) truyền thống. Ở chế độ máy tính bảng, trọng lượng của ThinkPad X1 Yoga (2017) không lý tưởng để sử dụng mà không có điểm tựa nên tốt nhất vẫn là đặt máy lên đùi và thao tác.
Thêm vào đó, trên ThinkPad X1 Yoga (2017) thì Lenovo đã cải tiến cơ chế trồi sụt của bàn phím. Khi chúng ta mở máy ra góc trên 180 độ thì bàn phím sẽ ẩn vào thân máy. Thiết kế này khiến bàn phím được vô hiệu hóa hoàn toàn và chống trầy, cấn phím khi sử dụng ở các chế độ ngoài vỏ sò.
Bản lề sẽ đóng vai trò kéo thụt các phím xuống nên khi mở ra góc lớn hơn 180 độ, sẽ có một điểm khựng báo hiệu bàn phím bắt đầu được hạ xuống. Chính điểm khựng này khiến trải nghiệm gập mở màn hình không được mượt mà và tăng độ ì khi mở màn hình.
Độ dày của ThinkPad X1 Yoga (2017) 17,4 mm và số lượng các cổng kết nối và chuẩn kết nối đã được Lenovo thay đổi nhiều so với thế hệ đầu tiên. Cụ thể máy có 2 cổng Thunderbolt 3 (USB-C) trong đó có 1 cổng sạc, 3 x USB 3.0 với 1 cổng hỗ tợ tính năng sạc pin cho thiết bị di động mà không cần bật máy, HDMI, mini-RJ 45 và jack âm thanh 3,5 mm. Cổng OneLink + dùng cho dock đã bị loại bỏ, thay vào ThinkPad X1 Yoga (2017) sẽ khai thác các loại dock mới dùng Thunderbolt 3.
Vị trí các cổng rất dễ tiếp cận và không gian giữa các cổng khá rộng rãi để chúng ta có thể cắm nhiều thiết bị ngoại vi cùng lúc. Ngoài các cổng ở 2 cạnh máy thì ThinkPad X1 Yoga (2017) còn có các khe cắm thẻ microSD và khe microSIM nằm ở phía sau, có nắp bảo vệ.
Bên cạnh khu vực khe cắm này là khe tản nhiệt. Vị trí khe tản nhiệt này khá bất hợp lý bởi khi sử dụng ở chế độ máy tính bảng, cầm dọc máy thì, bàn tay chúng ta thường sẽ đật ngay tại đây.
Nội thất
Nội thất của ThinkPad X1 Yoga (2017) rộng rãi, bề mặt hoàn thiện tương tự vỏ ngoài và nhiều không gian để tay. Điểm đáng chú ý nhất trên nội thất là bàn rê ClickPad rộng rãi, bề mặt sần mịn và có độ nhạy cao. Bàn rê này do Synaptic sản xuất, hỗ trợ đa điểm và sử dụng Microsoft Precision TouchPad Driver mang lại tốc độ phản hồi cao, mượt mà và chính xác. 2 phím chuột tích hợp bên dưới bàn rê rất dễ bấm, độ nẩy tốt và không gây tiếng cụp cụp khi nhấn.
Phía trên bàn rê có cụm 3 phím đặc trưng của dòng ThinkPad, dùng với Trackpoint. Độ chính xác khi điều hướng bằng Trackpoint vẫn không thay đổi so với những dòng ThinkPad trước đây mà mình từng có cơ hội dùng qua. Tuy nhiên, 3 phím chuột khá nông, dù dễ bấm nhưng không sướng tay như trên các dòng máy dày hơn điển hình như ThinkPad T.
Bàn phím của ThinkPad X1 Yoga (2017) ngoài thay đổi về tính năng trồi lên sụt xuống như đã nói ở phân bản lề thì trải nghiệm gõ phím vẫn đặc trưng của dòng ThinkPad với hành trình phím sâu, cấu trúc phím chắc chắn, độ ổn định cao mang lại cảm giác nhấn rất tự tin và chính xác.
Mỗi phím có thiết kế chữ U, kích thước tiêu chuẩn của dòng ThinkPad với các phím chính là 16 x 16 mm, khoảng cách giữa các phím rộng rãi với key pitch 20 mm cho phép bàn tay có thể duỗi thoải mái. Tuy nhiên, nhiều phím chức năng trên bàn phím này bị thu nhỏ lại, điển hình là 2 phím Page Up & Page Down nằm ngay trên 2 phím điều hướng trái phải. Dù cụm phím điều hướng này vẫn dễ bấm nhưng mình thường bấm nhầm vào 2 phím Page Up/Down do nó nằm ngay trong tầm ngón tay.
Ngoài ra ThinkPad X1 Yoga (2017) còn được trang bị cảm biến vân tay. Vị trí của cảm biến này nằm ngay dưới cụm phím điều hướng, rất tiện tay để mở máy. Cảm biến dạng một chạm và có tốc độ nhận dạng nhanh. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn để ngón tay hơi xéo so với tư thế thẳng thông thường thì cảm biến sẽ không nhận được ngay từ lần chạm đầu tiên.
Màn hình và âm thanh
Kể từ thế hệ đầu tiên thì ThinkPad X1 Yoga đã được trang bị công nghệ màn hình OLED. OLED (Organic Light-Emitting Diode) là công nghệ màn hình mới với nhiều ưu điểm như tiết kiệm pin hơn, chất lượng hình ảnh tốt hơn, tốc độ quét cao và bền nhưng hiện tại vẫn chưa nhiều dòng máy tính được trang bị công nghệ màn hình này. ThinkPad X1 Yoga là dòng máy tính doanh nhân đầu tiên được trang bị màn hình OLED, ngoài ra còn có dòng máy chơi game Alienware của Dell.
Tấm nền OLED do Samsung sản xuất với mã ATNA40JU01-0 v. Màn hình có độ phân giải WQHD (2560 x 1440 px) và độ sáng gần 370 nit. Với cơ chế chiếu sáng không dùng đèn nền như màn hình LCD dùng tấm nền IPS hay TN thông thường, sự khác biệt về độ sáng giữa các khu vực trên màn hình là không đáng kể, chỉ xê dịch từ 0,4 đến 1,4%.
Tiếp theo mình thật sự ấn tượng về độ bao phủ màu sắc của màn hình OLED trên ThinkPad X1 Yoga (2017) và nếu như anh em dùng làm đồ họa hay chỉnh sửa ảnh thì đây là chiếc màn hình trong mơ bởi độ bao phủ màu sắc rất lớn với 98% Adobe RGB, 100% sRGB, 94% NTSC.
Chưa kể là độ tương phản của màn hình thì quá bá đạo bởi bản chất của màn hình OLED với tỉ lệ đến 351800:1 ở độ sáng 351 nit. Màn hình OLED hiển thị màu đen bằng cách không phát sáng hay đóng hẳn cửa trập điểm ảnh và không tiêu thụ điện năng tại điểm ảnh đó, khác hoàn toàn với cơ chế chặn ánh sáng của màn hình dùng đèn nền thông thường nên màu đen trên màn hình OLED bằng với màu đen của bóng đêm khi bạn tắt hết đèn. Đây còn được gọi là màu đen thuần. Tỉ lệ White Point của màn hình đạt 7100 ở độ sáng này. Về sự chính xác của màu sắc, màn hình đạt tỉ lệ trung bình 1,17, gần với tỉ lệ lý tưởng là 1 của theo thang Delta-E.
Màn hình được phủ lớp chống chói nên mặc dù là màn hình glassy nhưng trải nghiệm sử dụng ngoài trời vẫn khá tốt với độ sáng màn hình tối đa. Góc quan sát màn hình rất rộng từ các phía, tương tự như màn hình IPS.
Chức năng cảm ứng trên màn hình OLED của ThinkPad X1 Yoga không có gì đặc biệt. Màn hình vẫn hỗ trợ 10 điểm chạm và có thể dùng với bút cảm ứng dùng công nghệ của Wacom. Cây bút này do Lenovo làm riêng, có tên Active Pen và hỗ trợ 2048 cấp độ lực. Bút rất mỏng, nhỏ hơn cả cây bút chì gõ thông thường và tích hợp sẵn pin, cắm vào máy là tự động được sạc và có thể dùng liên tục trong 19 giờ.
Trải nghiệm sử dụng cây bút này khá tốt, với 2048 cấp độ lực thì độ nhạy của bút rất cao nhưng độ trễ giữa thao tác đầu bút và nét vẽ rất rõ ràng, có thể là do kết nối giữa bút và máy chưa được tối ưu. Hy vọng Lenovo sẽ cải tiến bằng một bản cập nhật firmware.
Thinkpad X1 Yoga (2017) được trang bị 2 loa đặt tại đáy máy và nằm gần 2 cạnh bên. 2 loa cho âm thanh đầu ra lớn, chất lượng tốt, đặc biệt là dải mid rất rõ ràng và trong, rất phù hợp với nhu cầu hội họp, tương ứng với chức năng của một chiếc máy dành cho doanh nghiệp. Loa đặt dưới nên âm thanh sẽ bị ảnh hưởng khi bạn đặt máy trên các bề mặt không phẳng hoặc mềm như nệm bởi âm thanh phát ra sẽ không thể cộng hưởng như với bề mặt cứng. Ở các chế độ sử dụng khác, chẳng hạn như chế độ trình diễn thì 2 loa hướng lên, âm thanh không bị che khuất và chất lượng cũng như độ lớn được bảo toàn.
Hiệu năng
Thinkpad X1 Yoga (2017) có nhiều tùy chọn cấu hình với mức giá khởi điểm từ 50 triệu. Phiên bản mình đánh giá có cấu hình tối đa và mức giá chắc chắn sẽ đắt hơn:
- CPU: Intel Core i7-7600U (Kaby Lake) 2 nhân 4 luồng, 2,8 - 3,9 GHz, 4 MB Cache, TDP 15 W;
- GPU: Intel HD Graphics 620, 300 MHz - 1,15 GHz;
- RAM: 16 GB LPDDR3-1866 MHz hàn chết, dual-channel;
- SSD: 1 TB Samsung PM961 PCIe 3.0 x4 NVMe;
- Kết nối: Bluetooth 4.1 + Intel Dual-Band Wireless-AC (2x2) 8265 + Qualcomm Snapdragon X7 LTE-A;
- OS: Windows 10 Pro 64-bit.
Với cấu hình trên thì chúng ta hầu như không cần phải nâng cấp gì thêm và thật sự thì cũng không dễ để nâng cấp khi hầu hết phần cứng đều được hàn chết trên bo mạch, riêng ổ M.2 2280 thì có thể thay được nhưng cũng không cần thiết.
Hiệu năng của ThinkPad X1 Yoga (2017) có thể nói là rất tốt bởi cấu hình này dù là chip dòng U nhưng đối với các tác vụ văn phòng, đa tác vụ và cả tác vụ đòi hỏi nhiều tài nguyên hơn như Photoshop, Lightroom, Premiere thì ThinkPad X1 Yoga (2017) vẫn chạy ngọt. Như đoạn video trong bài này, mình dựng bằng Premiere Pro và mất khoảng 15 phút để xuất ra file hoàn chỉnh.
So sánh hiệu năng của một số mẫu máy Ultrabook dùng chip Core i7 dòng U. Sự tối ưu về kiến trúc và xung nhịp tăng cường của Core i7-7600U mang lại trải nghiệm tốt hơn, tốc độ xử lý tác vụ nhanh hơn trong khi vẫn giữ được mức tiêu thụ điện năng tối thiểu so với các thế hệ Skylake hay Broadwell. Không ngạc nhiên khi ThinkPad X1 Yoga (2017) đạt điểm tối đa ở các bài test PCMark 7 và 8. Khi tải nặng, CPU Core i7-7600U có thể đạt được và duy trì xung nhịp 3889 MHz, gần với tốc độ lý thuyết là 3,9 GHz Turbo Boost.
Về khả năng xử lý đồ họa, Intel HD Graphics 620 tích hợp trên Core i7-7600U về cơ bản được nâng cấp nhẹt về xung nhịp, tối đa đến 1,15 GHz, vẫn có 24 dơn vị thực thi. So về hiệu năng thì HD Graphics 620 cao hơn 520 thế hệ trước khoảng 15% và thua kém đôi chút so với phiên bản Iris 540 cao cấp thuộc thế hệ Skylake có trên Surface Pro 4 hay thậm chí là GeForce 840M thế hệ Maxwell của Nvidia trên ASUS Zenbook UX303LN.
Intel HD Graphics 620 đủ để kéo nội dung 2K trên ThinkPad X1 Yoga (2017) và xử lý được nhiều ứng dụng đồ họa chuyên nghiệp dù không thể mượt mà như dòng card rời chuyên dụng như Quadro. Điều đáng chú ý là GPU tích hợp HD Graphics 620 có thể đạt được xung nhịp tối đa 1,15 GHz và tối ưu hóa năng lực xử lý nhờ RAM kênh đôi.
Một yếu tố nữa mang lại hiệu năng tốt cho ThinkPad X1 Yoga (2017) là ổ SSD tốc độ rất cao của Samsung. Đây là ổ Samsung PM961 dùng giao thức NVMe 1.2 (trong video mình nói nhầm là SM961 ở phân khúc cao hơn) và nó có thể đạt tốc độ truy xuất tuần tự 32 queue 1 thread lên đến gần 3000 MB/s đọc và 1300 MB/s ghi. Tương tự với tốc độ truy xuất tập tin cỡ nhỏ 4 Kb cũng rất tốt với 613 MB/s đọc và 272 MB/s ghi.
Nhiệt độ và pin
Về khả năng tản nhiệt, ThinkPad X1 Yoga (2017) có một quạt, một ống đồng, đủ để làm mát cho CPU Core i7-7600U. Nhiệt độ CPU cao nhất đo được khi chạy nhiều tác vụ nặng vào khoảng 85 độ C, nhiệt độ hoạt động trung bình của CPU chỉ vào khoảng 63 độ C và khi nghỉ là 48 độ C. Như vậy khả năng tản nhiệt tốt của hệ thống tản nhiệt này đã lý giải cho khả năng giữ được xung nhịp cao của CPU lẫn GPU khi chạy các tác vụ tiêu tốn nhiều tài nguyên.
Nhiệt độ bề mặt của ThinkPad X1 Yoga cũng rất mát mẻ khi sử dụng ở chế độ laptop vỏ sò thông thường. Khu vực chiếu nghỉ tay khi máy tải nặng cũng chỉ 30 độ C, khu vực bàn phím thì nóng hơn giao động từ 35 đến 39 độ C, riêng khu vực ngay chính giữa gần màn hình rất nóng do bên dưới là CPU với nhiệt độ tối đa đo được là 48 độ C.
Một điểm cần lưu ý như mình đã nói trong video đó là khi sử dụng máy ở chế độ tablet. Nếu thuận tay phải thì chúng ta sẽ cầm máy tay trái và vị trí lý tưởng nhất để cầm lại ngay tại khe tản nhiệt và luồng nhiệt nóng tỏa ra từ khe này sẽ gây khó chịu. Do đó mình buộc phải cầm máy cao hơn hoặc đặt máy lên bàn.
Về pin, thời lượng pin của ThinkPad X1 Yoga (2017) không ấn tượng. Máy được trang bị pin 56 Wh và thời lượng sử dụng pin trung bình chỉ vào khoảng 4 giờ 30 phút khi sử dụng làm việc văn phòng.
Mình thử nghiệm bằng PCMark 8 Home ở 2 mức độ sáng khác nhau và kết quả không chênh lệch nhiều, điều này thể hiện rõ bản chất của màn hình OLED khi với độ sáng 100%, thời lượng pin khi chạy PCMark 8 Home là 3 giờ chẵn và với độ sáng 50%, thời lượng pin khi chạy liên tục bài test này cũng chỉ là 3 giờ 17 phút.
Thử nghiệm xem phim trực tuyến với độ sáng màn hình 75% thì thời lượng tối đa đạt được là 4 giờ 10 phút. Như vậy thời lượng pin này không lâu như kỳ vọng khoảng 6 giờ của mình với một chiếc máy như ThinkPad X1 Yoga (2017).
Kết luận
ThinkPad X1 Yoga (2017) là chiếc laptop rất thú vị bởi nó kết hợp giữa sự bền bỉ của dòng ThinkPad và sự linh hoạt về chế độ sử dụng của dòng Yoga. Chiếc máy có tính di động cao, mỏng nhưng vẫn đầy đủ các cổng kết nối quan trọng và cao cấp như Thunderbolt 3. Về nhập liệu thì bạn có cả màn hình cảm ứng, bút cảm ứng, bàn phím ThinkPad huyền thoại, TrackPoint, bàn rê đa điểm rất mượt, có cả cảm biến vân tay để đăng nhập nhanh và bảo mật hơn. Chưa kể là màn hình OLED trên ThinkPad X1 Yoga (2017) vẫn là điểm đáng chú ý nhất bởi chất lượng hiển thị tuyệt vời của nó. Cấu hình hợp lý với nhiều phần cứng hiệu năng cao mang lại trải nghiệm sử dụng rất tốt.
Mặc dù vậy, với mức giá bán tại Việt Nam lên đến 50 triệu cho cấu hình cơ bản (nếu mua từ nước ngoài thì khởi điểm khoảng 40 triệu) ThinkPad X1 Yoga (2017) không phải là một chiếc máy dành cho mọi người. Mình nghĩ rằng nó sẽ được trang bị cho các chuyên viên, quản lý cấp cao trong doanh nghiệp, những người cần mang máy vào phòng họp, để trình bày ý tưởng, quản lý nhân viên nhưng khi cần vẫn có thể giải trí được.
Ưu điểm:
- Thiết kế lai nhưng rất chắc chắn, bền bỉ, đa chế độ sử dụng;
- Đầy đủ các cổng kết nối, có cả LTE;
- Màn hình OLED tuyệt vời;
- Bàn phím, bàn rê, TrackPoint đều mang lại trải nghiệm rất tốt;
- Cơ chế ẩn bàn phím độc đáo;
- Hiệu năng cao, phần cứng chất lượng.
Nhược điểm:
- Bút cảm ứng chưa tốt;
- Cảm biến vân tay đôi khi không nhận;
- Thời lượng pin trung bình;
- Giá cao.