Rất nhiều tội phạm Mỹ thích sử dụng các sản phẩm của Apple bởi họ đánh giá tính năng bảo mật cao được áp dụng trên các thiết bị này, họ coi iPhone như ‘món quà của Chúa’.
Cảnh sát và các công tố viên tại New York, Mỹ cho biết, công nghệ mã hóa hàng đầu trên các sản phẩm của Apple đang trở thành trở ngại trong các vụ án điều tra hình sự ở nước này. Họ dự đoán rằng vấn đề sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi ngày càng nhiều kẻ phạm tội biết cách khai thác triệt để tính năng bảo mật trên những thiết bị này.
Apple được biết đến với các thiết bị có tính năng bảo mật cao.
Tại một cuộc họp báo, luật sư quận Manhattan Cyrus R.Vance Jr. cho biết các điều tra viên không thể truy cập vào 175 thiết bị Apple mà những kẻ phạm tội đã sử dụng bởi những thiết bị này đều đã bị mã hóa.
Luật sư Vance cho biết, các điều tra viên đã dựa vào những dữ liệu trên điện thoại để điều tra các vụ án giết người, xâm hại tình dục trẻ em và trộm cắp. Ông cho biết trong quá trình điều tra, các điều tra viên sẽ kiểm tra danh sách liên lạc của một nghi can để tìm ra nhân chứng hoặc những kẻ chủ mưu hay có thể trong điện thoại của nghi phạm có chứa hình ảnh, video chứng minh người đó phạm tội.
“Chúng (điện thoại) là bằng chứng duy nhất”, ông nói và cho biết thêm rằng nếu trước đây những kẻ phạm tội thường cất giấu tài liệu ở trong tủ, trong các giấy tờ, văn bản hay trong các hầm mộ thì bây giờ họ lưu trữ tất cả vào một chiếc điện thoại.
Tháng trước, chính phủ Mỹ đã yêu cầu tòa án đề nghị Apple viết phần mềm vô hiệu hóa hệ thống bảo mật, cho phép truy cập vào iPhone của một trong 2 kẻ xả súng hồi tháng 12 ở San Bernardino, California. Apple đã từ chối lời đề nghị này vì cho rằng điều đó sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm và đe dọa tới quyền lợi của khách hàng.
Tim Cook, CEO của Apple, cho rằng việc làm này có thể ảnh hưởng tới hàng triệu người dùng khác, khiến điện thoại của họ có thể dễ dàng bị tin tặc và tội phạm xâm nhập.
Cảnh sát trưởng William Bratton cho biết tội phạm đang ngày càng có những thủ đoạn tinh vi hơn cũng như nhận thức được rằng họ có quyền được bảo mật thông tin trong các thiết bị này. Ông Bratton cũng trích dẫn về một cuộc điện thoại gọi từ cổng nhà tù của tội phạm, sau đó đã bị ngăn chặn bởi chính quyền ở New York. Ở đó, những tù nhân gọi hệ điều hành được bảo mật của Apple là “món quà từ Chúa”.
Người đứng đầu các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook hay Microsoft đều ủng hộ Apple trong vụ việc trên.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng nhận được sự ủng hộ lớn từ các cơ quan thực thi pháp luật và 6 người thân của nạn nhân vụ San Bernardino. Họ cho rằng, quan điểm của Apple sẽ gây ra nhiều khó khăn cho công tác điều tra trên toàn quốc.
Về phần mình, Apple cho biết, họ tôn trọng FBI và từng hợp tác bằng cách cung cấp dữ liệu mà mình có. Nhưng yêu cầu của FBI trong vụ San Bernardino hoàn toàn khác, Apple cho hay. Họ yêu cầu táo khuyết bẻ khóa iPhone bằng một phần mềm hiện không tồn tại.
Danh Tuyên