Một số tội phạm thích sử dụng iPhone tại Mỹ bởi họ đánh giá cao khả năng bảo mật Apple áp dụng trên thiết bị của họ.
Ba nhóm thực thi pháp luật đã chia sẻ với một vị thẩm phán - người giám sát cuộc điều trần giữa Apple và Bộ Tư pháp Mỹ - nhiều tội phạm tại nước này có xu hướng chuyển sang sử dụng iPhone. Họ đưa ra hàng loạt ví dụ, ở đó tội phạm đã chuyển sang dùng iPhone mặc dù trước đó, họ thích các mẫu di động cục gạch, chỉ để sử dụng một lần.
Trong phần tóm tắt gửi đến thẩm phán, Hiệp hội Cán bộ thực thi pháp luật và 2 tổ chức khác cũng trích dẫn về một cuộc điện thoại gọi từ cổng nhà tù của tội phạm, sau đó bị ngăn chặn bởi chính quyền New York. Ở đó, những kẻ tội phạm từng gọi hệ điều hành được bảo mật của Apple là “món quà từ Chúa'.
Tội phạm thích sử dụng iPhone vì khả năng bảo mật cao của nền tảng iOS. Ảnh: Getty Images.
Chính phủ yêu cầu một lệnh từ tòa án vào tháng trước, đề nghị Apple viết một phần mềm vô hiệu hóa hệ thống bảo mật, cho phép truy cập vào chiếc iPhone của một trong 2 kẻ xả súng hồi tháng 12 tại San Bernardino, California. Apple từ chối đề nghị này, cho rằng nó sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, đe dọa đến quyền lợi khách hàng.
Người đứng đầu các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook hay Microsoft đều ủng hộ Apple. Trong khi đó, Bộ Tư pháp nhận được sự ủng hộ lớn từ các cơ quan thực thi pháp luật và 6 người thân của nạn nhân vụ San Bernardino.
Những cơ quan này cho rằng, quan điểm của Apple sẽ gây ra nhiều khó khăn cho công tác điều tra trên toàn quốc. Họ liệt kê vài trường hợp Apple cung cấp dữ liệu, giúp cơ quan chức năng điều tra vụ án.
Apple cho biết, họ tôn trọng FBI và từng hợp tác bằng cách cung cấp dữ liệu mà họ có. Tuy nhiên, yêu cầu của FBI trong vụ San Bernardino hoàn toàn khác, Apple cho hay. Họ yêu cầu táo khuyết bẻ khóa iPhone bằng một phần mềm hiện không tồn tại.
Các nhà thực thi pháp luật Mỹ cho rằng Rizwan Farook và vợ anh ta – Tashfeen Malik - bị ảnh hưởng bởi IS khi bắn chết 14 người, làm bị thương 22 người khác trong một bữa tiệc cuối tuần tại San Bernardino. Cả 2 sau đó đã chết sau một vụ đấu súng với cảnh sát. FBI muốn thu thập dữ liệu bên trong chiếc smartphone của Farook để điều tra về mối liên quan của nhân vật này với IS.
Đức Nam