Sự khác biệt về bộ não và trí thông mình của trẻ nhỏ phụ thuộc vào cách mà cha mẹ đối xử với chúng.
Ảnh chụp của các nhà thần kinh học Mỹ cho thấy bộ não của một đứa trẻ ba tuổi được cha mẹ yêu thương (bên trái) lớn hơn nhiều so với trẻ bị ngược đãi hoặc bỏ rơi (bên phải), theo Telegraph. Bộ não bên phải chứa nhiều vết đen hơn và thiếu một số vùng não quan trọng so với bộ não bên trái.
Ảnh chụp bộ não đứa trẻ ba tuổi được cha mẹ yêu thương (bên trái) và bị ngược đãi (bên phải). (Ảnh: Telegraph).
Kết quả nghiên cứu cho thấy những khiếm khuyết về não khiến đứa trẻ bị cha mẹ ngược đãi không thể phát triển đầy đủ khả năng, trở nên kém thông minh khi lớn lên, ít có khả năng đồng cảm với người khác, dễ nghiện ma túy, dễ mắc các vấn đề tinh thần hoặc có hành vi bạo lực hơn nhiều so với đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương.
Allan Schore, giáo sư tại Đại học California, Los Angeles (UCLA), Mỹ, người tham gia nghiên cứu, cho biết 80% tế bão não người được tạo ra trong hai năm đầu đời. Quá trình tăng trưởng tế bào não là kết quả tương tác giữa trẻ nhỏ với người chăm sóc chính, thường là mẹ. Sự phát triển các mạch máu trong não phụ thuộc vào tác động tích cực của người mẹ tới em bé.
Schore chỉ ra rằng, nếu một đứa trẻ không được đối xử tốt trong hai năm đầu đời, nhiều gene chịu trách nhiệm hình thành chức năng não bộ, bao gồm cả trí thông minh, không thể hoạt động.
Trẻ em bị ngược đãi khó phát triển đầy đủ các chức năng của bộ não. (Ảnh minh họa: Huffington Post).
Phát hiện có ý nghĩa rất lớn đối với người làm chính sách xã hội. Họ sẽ có những biện pháp can thiệp sớm, hướng dẫn cho các bà mẹ cách đối xử với con mình để bộ não của chúng phát triển đầy đủ.
'Can thiệp sớm là một biện pháp có khả năng thay đổi xã hội. Những đứa trẻ thế hệ tiếp theo sẽ phát triển tốt hơn, ít phạm tội hơn và người lớn được giáo dục tốt hơn', Andrea Leadsom, nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh, cho biết.
Cập nhật: 19/10/2016
Theo VnExpress