Tại sao bạn không đón nhận một nhược điểm để có được hàng loạt những ưu điểm khác như sạc được nhiều lần hơn, có nhiều cổng sạc hơn, sạc được cho nhiều người hơn, được nhiều em gái thích hơn? Mời các bạn đọc bài đánh giá nhanh pin dự phòng Energizer 20.100 mAh, có 3 cổng sạc, có USB-C in/out, có sạc nhanh Quick Charge 3.0, giá bán lẻ = 1,2 triệu đồng.
Vì sao bạn nên chọn 20.100 mAh?
Hầu hết anh em Tinh Tế đều biết pin 20.100 mAh to và nặng. Nhưng nó có nhiều ưu điểm đáng giá như sau, những ưu điểm làm mình cảm thấy rất thoả mãn trong suốt ~2 năm sử dụng pin 20.100 mAh:
1. Không cần quan tâm đến ổ cắm điện
Đầu giường của mình không có ổ điện nên mình đã dùng một cục pin 20.100 mAh thay vào. Nó đủ để sạc cho con iPhone 7 của mình mỗi tối được khoảng một tuần mới cạn. Nếu phòng của bạn cũng có một góc bí ổ điện như vậy thì hãy nghĩ đến cách làm như mình. Vừa không cần ổ điện, vừa có sẵn USB mà lại có cả sạc nhanh.
2. Sạc được nhiều lần hơn & Ít phải sạc cho pin hơn
Khi bạn dùng pin 10.000 mAh, trong ngày nó chỉ sạc được khoảng hai đến ba cái điện thoại là cạn. Bạn phải đem cục pin đi sạc lại, thông thường là sạc vào buổi đêm. Còn khi dùng pin 20.100 mAh, bạn sẽ sạc được nhiều lần hơn con số trên, kết hợp sạc dùm máy của bạn bè và các em gái. Dù gì thì đến tối bạn cũng phải cắm sạc cho nó. Nhưng rõ ràng hiệu quả mà pin 20.100 mAh mang lại đã lớn hơn trước khá nhiều.
Hoặc khi bạn chỉ xài một mình, với cục 10.000 mAh, bạn sạc cho nó đủ 7 ngày trong tuần. Còn với cục 20.100 mAh thì bạn chỉ phải sạc cho nó tầm 2~3 ngày/tuần mà thôi. Tiết kiệm được thời gian lẫn sự quan tâm của bạn dành cho cục pin đó, dành tâm trí để vui chơi với những chuyện khác.
3. Có nhiều cổng sạc
Thông thường loại pin 20.100 mAh sẽ có nhiều cổng sạc hơn các loại dung lượng nhỏ, phổ biến ở mức 3 cổng so với 2 hoặc thậm chí chỉ có 1 cổng của pin 5.000 mAh và 10.000 mAh. Lúc đó bạn có thể mời bạn bè sạc chung, mời bạn gái sạc pin, 1 cục sạc 3 người vui, vui hơn lúc dùng pin dung lượng nhỏ.
4. Đi du lịch “bất tử pin” trong nhiều ngày
Bạn đi du lịch 3 ngày, đi công tác 4 ngày, thay vì phải mang theo một củ sạc hoặc một cục sạc nhiều cổng thì chỉ cần một cục pin 20.100 mAh là sẽ giải quyết được rất nhiều nhu cầu sạc pin trong suốt chuyến đi. Trong lúc di chuyển, bạn cũng sạc được pin. Khi về khách sạn, bạn cũng tự sạc được mà không cần phải giành giựt ổ cắm điện với bạn cùng phòng.
Đó, bấy nhiêu ưu điểm để bù cho nhược điểm to, nặng của pin 20.100 mAh theo mình là rất đáng giá bởi vì mình đang xài một cục 20.100 mAh của Anker được khoảng hai năm rồi. Nó luôn theo mình trong suốt mọi chuyến đi công tác và du lịch. Nhưng so về tính năng thì nó thua cục Energizer mà mình chuẩn bị nói tiếp đây bởi vì cục 20.100 mAh của Energizer có tới 3 cổng USB (cục của mình đời cũ chỉ có 2 cổng), trong đó có 1 cổng USB-C để sạc ra lẫn sạc vào và sau cùng là hỗ trợ Quick Charge 3.0 để sạc nhanh cho các máy có hỗ trợ.
Ngoại hình cục Energizer 20.100 mAh to và nặng hơn một chút so với cục Anker 20.100 mAh mà mình đang xài. Dù sao đã chấp nhận xài pin to rồi thì sự chênh lệch to thêm này cũng không đáng kể lắm. Nếu bạn chưa bao giờ xài pin 20.100 mAh thì cũng chẳng nhận ra sự nặng thêm này đâu. Bạn chỉ thấy nó rất nặng mà thôi.
Vỏ của pin được làm bằng nhôm, cầm lên cho cảm giác mát lạnh. Bề mặt của vỏ chống trầy khá tốt. Mình bỏ cục pin này chung với cục pin 20.100 mAh của Anker, thêm 2 chùm chìa khoá và 1 cái GoPro 5 vào chung một ngăn nhỏ trong balo. Vậy mà nó cũng không bị trầy, ít nhất là tới hiện tại sau khoảng 1 tuần để như vậy.
Một đầu của cục pin có:
- 1 x cổng USB-C vừa In vừa Out, tức là dùng nó để sạc cho máy khác được mà dùng để sạc lại cho pin cũng được luôn (Output 5V 3.0A, Input 5V 2.0A).
- 1 x cổng USB-A có Quick Charge 3.0, đầu ra 5V 3A, 9V 1.7A và 12V 1.2A.
- 1 x cổng USB-A bình thường: đầu ra 5V 2.4A. Tuy không có sạc nhanh nhưng như vậy cũng khá lắm rồi. Công suất của cổng này tương đương với cục sạc 5 cổng 40W của Anker.
- 4 x đèn LED & 1 nút bấm dùng để thông báo dung lượng pin còn lại.
Khả năng sạc của Energizer 20.100 mAh
- 3 x OnePlus 5 (3 x 3.300 mAh)
- 1 x iPhone 7 (1 x 1.960mAh)
- 1,5 x HTC U11 (1,5 x 3.000 mAh)
- Sạc được mớ trên thì cục pin cạn. Tổng dung lượng đã sạc bằng 16.360mAh (tính tổng dung lượng pin của các máy).
Thời gian sạc pin
Sạc cho HTC U11 (3.000 mAh, dùng Quick Charge 3.0):
Sạc từ mức: 11% 9h11, 11%
Sạc 1 tiếng: 84%
Sạc 1 tiếng 54 phút: 100%
Tương đương với cục sạc zin QC3.0 của U11 (sạc đầy tốn 2 tiếng 12 phút).
Sạc cho OnePlus 5 (3.300 mAh, dùng cổng Quick Charge 3.0):
Sạc từ mức: 9%
Sạc 1 tiếng: 65%
Sạc 2 tiếng: 96%
Sạc 2 tiếng 13 phút: 100%
Chậm hơn cục sạc zin 5V 4V của OnePlus 5 (sạc đầy tốn 1 tiếng 31 phút).
Sạc lại cho pin (dùng cổng USB-C, lấy nguồn từ một cổng 5V 2.4A):
Tốn khoảng 9 tiếng, tính từ lúc pin cạn đến khi đầy 100%. Nhờ sạc qua cổng USB-C có công suất cao hơn mà thời gian ngắn hơn rất nhiều so với cục pin Anker dùng cổng micro-USB của mình. Đây là điều mà mình rất thích, bởi vì chỉ cần cắm sạc một đêm, sáng mình ngủ dậy thì pin cũng đầy hoặc ở mức gần đầy. Còn cục Anker của mình phải tốn thêm một buổi nữa mới đầy được.
Trong suốt thời gian sử dụng, thời gian sạc ra và sạc vô, cục pin đều rất mát.
Thông số kỹ thuật của pin:
- Loại pin: Lithium Ion
- Dung lượng: 20.100 mAh
- Input USB-C: 5V 2.0A
- Output USB-C: 5V 3.0A
- Output Quick Charge 3.0: 5V 3A/ 9V 1.7A/ 12V 1.2A
- Output USB: 5V 2.4A
- Khối lượng: ~460 gram
- Kích thước: 172 x 66 x 23 mm
- Auto Voltage Sensing: cảm biến điện áp, tương thích mọi thiết bị di động.
- Các chứng nhận an toàn: CE, FCC, ETL, CB, EAC, RoHS, Reach, ERP6, DOE6.
Nhận xét
Cục Anker của mình nhắc trong bài là cục đời cũ (PowerCore 20.100mAh), hiện tại Anker đã có nhiều cục mới hơn nhưng tiếc là không có cái nào vừa sở hữu QC3.0 vừa sở hữu USB-C ở mức 20.100 mAh. Cái có QC3.0 thì vẫn dùng micro-USB, cái có USB-C thì lại không có QC3.0. Cho nên cục Energizer 20.100 mAh vừa có USB-C vừa có QC3.0 này tiện lợi hơn bởi vì tận dụng được cả hai công nghệ sạc đang dần trở nên phổ biến đó.
Energizer 20.100 mAh đáp ứng rất tốt cho nhu cầu sạc di động. Tuy nhiên sạc cho máy tính qua USB-C thì hầu như không thể vì công suất đầu ra hơi thấp, lại không có chuẩn Power Delivery.
Giá 1,2 triệu của Energizer 20.100 mAh cũng hợp lý bởi vì vừa là hàng chính hãng, vừa có BH 2 năm mà giá này cũng không chênh lệch nhiều so với các sản phẩm tương đương của Anker, ví dụ như:
- Anker PowerCore+ 20100mAh USB-C: hai cổng A, một cổng C, không có QC3.0, giá 66 USD.
- Anker PowerCore Speed 20000mAh: hai cổng A, không có C, có QC3.0, giá 42 USD.