Nhà kính trồng cà chua sử dụng năng lượng Mặt Trời và nước biển. Ảnh: ecocitizenaustralia.com.au
Mô hình nhà kính này được xây dựng vào năm 2010, trên diện tích 20 ha, ở khu vực vịnh Spencer, gần cảng Augusta cách thành phố Adelaide của bang Nam Australia 300 km về phía Bắc và sẽ đi vào hoạt động trong vài ngày tới.
Mô hình này sử dụng tháp năng lượng Mặt Trời để vận hành hệ thống trồng cây, sưởi hoặc làm mát nhà kính khi cần và chế biến nước tưới. Với 23.000 tấm kính, năng lượng Mặt Trời thu được truyền tới tháp trung tâm cao 115 m, công suất cao nhất mà tháp này có thể sản xuất là 39 megawatt nhiệt năng.
Tất cả nước sử dụng tưới cho cây trồng đều là nước biển, dẫn từ vịnh Spencer. Sau khi được xử lý, nước tưới trở nên sạch tuyệt đối, không có bất kỳ mầm bệnh nào và được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Đứng đầu dự án này nguyên là giám đốc ngân hàng đầu tư Philipp Saumweber và kỹ sư Reinier Wolterbeek, thạc sỹ về xử lý nước.
Chi phí cho xây dựng hệ thống nhà kính trồng cà chua ở Augusta khoảng 200 triệu AUD (tương đương 152,6 triệu USD) và hệ thống này dự kiến sẽ sản xuất khoảng 15.000 tấn cà chua/năm. Cà chua là một trong 10 dòng sản phẩm bán chạy nhất trong siêu thị ở Australia và nhu cầu này ngày một tăng, nhất là trong mùa Đông. Một trong những hệ thống siêu thị lớn nhất Australia Coles đã ký hợp đồng 10 năm tiêu thụ sản phẩm cho Sundrop, và đây là hợp đồng dài nhất của nhà bán lẻ này trong lĩnh vực nông nghiệp.
Công ty Sundrop Farm cũng sẽ xây dựng các hệ thống nhà kính trồng cây ở Bồ Đào Nha, Mỹ và có kế hoạch xây dựng một dự án khác ở Australia. Ông Wolterbeek cho biết bước đi đầu tiên của mỗi dự án sẽ là tìm đối tác với một nhà bán lẻ.
Những người đứng đầu dự án này cũng cho biết mặc dù không sử dụng nước ngọt và dùng năng lượng Mặt Trời, song hệ thống này vẫn phải phụ thuộc vào hệ thống dây điện vì cần khoảng 10-15% điện truyền tải, nhất là trong mùa Đông, những ngày ít ánh nắng./.